Nhưng cũng không ít người băn khoăn, thậm chí phản đối với lý do nợ công đã chạm ngưỡng và nhất là tính hiệu quả của dự án chưa được chứng minh.
Đó là thực tế ghi nhận được tại phiên thảo luận tổ về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, chiều 4-11.
Sẽ muộn, nếu không quyết định ngay
* Liệu có để lại đống nợ cho con cháu? Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đề nghị Quốc hội chưa nên đặt vấn đề thông qua về chủ trương mà cần tiếp tục khảo sát, lấy ý kiến nhiều chiều và bàn thảo tiếp. Theo ông Nghĩa, có người nói việc xây sân bay Long Thành sẽ để lại lợi ích cho con cháu, “nhưng chắc gì con cháu đã khen chúng ta, có khi còn nói các ông làm rồi để lại một đống nợ. Đến giờ không ai trả lời được con cháu thế hệ sau sẽ khen hay chê chúng ta về việc xây sân bay Long Thành”. * Sân golf trong sân bay để thu hút du lịch Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đại tướng Phùng Quang Thanh cũng đã giải thích về việc xây sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất. Theo ông Thanh, làm sân golf là có chỗ hoạt động thể thao, thu hút du lịch, tạo chỗ hoạt động lành mạnh. Tức là cũng thu được ngân sách và tạo việc làm. “Sân golf ở Tân Sơn Nhất đi vào hoạt động tạo cho 1.200 người có việc làm thường xuyên, ở Gia Lâm thì có 700 người có việc làm ổn định. Khi nào Nhà nước có nhu cầu sử dụng đất cho quốc phòng, an ninh cần phải thu hồi thì thu hồi không có đền bù. Đây là điều đã được ghi trong hợp đồng rồi. Đầu tư ở đây vẫn là các doanh nghiệp quân đội. Cho nên đầu tư sân golf ở đây là chỉ tận dụng đất thôi” - ông Thanh nói. |
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đại tướng Phùng Quang Thanh (Hưng Yên) thể hiện quan điểm nhất trí nếu Quốc hội đồng ý về chủ trương đầu tư và giao Bộ Giao thông vận tải lập dự án khả thi.
Ông cho rằng hiện nay sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải, đang mở rộng nâng công suất lên 25 triệu khách/năm, nhưng theo tính toán thì đến năm 2017 là hết công suất.
Ông chứng minh thêm: Dân số VN hiện nay khoảng 90 triệu, nhưng hơn chục năm nữa chắc là trên 100 triệu. Chính trị ổn định, kinh tế đang phát triển rất năng động, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang rất muốn đầu tư sang VN nhưng hạ tầng giao thông của chúng ta rất kém. Khách du lịch cũng ngày càng tăng lên, người ta phàn nàn chất lượng phục vụ, rồi chậm chuyến, hủy chuyến...
Các nước xung quanh ta, có những nước dân số ít hơn nhưng kinh tế phát triển hơn như Thái Lan thì công suất sân bay của họ lên đến 100 triệu khách/năm, Malaysia và Singapore cũng vậy.
“Một đất nước 90 triệu dân mà sân bay chật hẹp như thế thì việc đầu tư là rất cần thiết. Nếu bây giờ chúng ta không cho làm, tôi cho rằng nó sẽ chậm trễ và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của đất nước” - đại tướng Phùng Quang Thanh bày tỏ.
Ông cho rằng thiếu vốn thì phải đi vay, vay đầu tư cho hạ tầng giao thông và trả được nợ thì khoản vay đó là cần thiết.
Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam cho biết: “Cá nhân tôi ủng hộ chủ trương đầu tư, rồi Bộ Giao thông vận tải phải lập báo cáo khả thi (nguồn vốn nào, các nhà đầu tư ở đâu, thiết kế cụ thể...), nếu Quốc hội thấy không khả thi chắc chắn Quốc hội sẽ không quyết định”.
“Dự án này triển khai cho 10 năm sau, nếu bây giờ chúng ta cứ nghĩ bội chi, nợ công mà làm lỡ mất cơ hội đầu tư sân bay cạnh tranh với quốc tế thì sẽ có lỗi với con cháu sau này” - ông Nam nói.
Trung chuyển cho ai?
Báo cáo của Chính phủ cho biết Long Thành sẽ là sân bay trung chuyển quốc tế, nhưng phân tích của các đại biểu lại không thấy như vậy.
“Tôi xin hỏi ta có thể trung chuyển cho những nước nào? Các chuyên gia phân tích từ các hướng đi tới thì VN có thể làm trung chuyển cho Indonesia, Philippines và Úc. Nhưng Indonesia và Philippines họ đã có các sân bay trung chuyển rất lớn. Vậy chỉ còn chặng đường dài từ VN sang Úc. Như vậy, chúng ta chỉ có thể trung chuyển cho nước Úc” - Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho biết.
Bà Hải nói thêm: “Trung chuyển nội địa thì các sân bay xung quanh như Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Phú Quốc, Cam Ranh đều là các sân bay quốc tế cả. Vậy nếu trung chuyển, mấy người sẽ đến Long Thành rồi bay đi các sân bay kia?”.
Bà Hải đặt vấn đề: “Tôi rất cần được chứng minh thuyết phục những vấn đề trên. Các đại biểu Quốc hội cần biết rõ những ưu thế và cả khó khăn khi thực hiện dự án này”.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nói cá nhân ông ước muốn nếu đất nước giàu có thì xây dựng ba sân bay quốc tế hoành tráng tương tự như sân bay Long Thành, tuy nhiên đặt dự án đó vào thời điểm hiện nay có phần khiên cưỡng.
Do vậy Quốc hội cần cân nhắc kỹ, nếu thấy đây là việc không phải bây giờ thì để Quốc hội khóa sau làm.
“Ai cũng muốn đất nước có sân bay to đẹp hơn, nhưng liệu ta có cạnh tranh để trở thành sân bay trung chuyển quốc tế được không” - ông Hiến nói.
Tăng thuế thuốc lá để mua bảo hiểm y tế cho dân Đề xuất này là của đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) tại buổi thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo bà Trang, dự thảo luật quy định từ năm 2016 sẽ tăng thuế đánh vào thuốc lá 65-70% và từ năm 2019 sẽ từ 70-75%. Bà Trang đề nghị từ năm 2015 áp dụng mức thuế 65%, năm 2018 sẽ là 105% và năm 2020 tăng lên 125%. Với mức thuế này, từ năm 2015 ngân sách sẽ thu được 5.000 tỉ đồng, tương đương 10 triệu thẻ bảo hiểm y tế và năm 2018 sẽ là 16.000 tỉ đồng, tương đương 30 triệu thẻ bảo hiểm y tế. Bà Trang đưa ra nghịch lý là ở Việt Nam cứ một bao thuốc lá tương đương với một lít sữa, còn các nước phát triển một bao thuốc lá mua được đến bốn lít sữa. Chính vì thuế suất thuốc lá của Việt Nam hiện đang thấp nên giá mới rẻ và có nhiều người hút thuốc như vậy. “Tôi cho rằng chúng ta đánh thuế cao với một sản phẩm độc hại để lấy tiền chăm lo sức khỏe cho nhân dân thì sẽ nhận được đồng tình cao” - bà Trang nói. Đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TP.HCM) cũng nhất trí là tăng thuế sẽ vừa làm tăng thu cho Nhà nước và làm giảm số lượng người nghiện. Ông Thiện dẫn chứng tại Thái Lan trong 20 năm tăng thuế thuốc lá thì tiền thuế thu được đã tăng 300% và cứ mỗi năm số người nghiện thuốc lá lại giảm được 2%. Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) đánh giá chính sách thuế đối với công nghiệp phụ trợ trong dự thảo là chưa phù hợp khi quy định doanh nghiệp có vốn đầu tư 12.000 tỉ đồng trở lên mới được ưu đãi. Ông Bình nói: “Tôi đề nghị muốn kích thích phát triển công nghiệp phụ trợ thì nên để mức thuế suất 0% từ 20-30 năm mới được. Hiện nay chúng ta đang cạnh tranh với Singapore, Malaysia, Trung Quốc để phát triển công nghiệp phụ trợ, nếu chính sách không đủ mạnh mẽ thì công nghiệp phụ trợ của chúng ta rất khó phát triển bật lên được”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận