01/11/2014 09:25 GMT+7

​Tự ru ngủ, kinh tế còn tụt hậu

VIỄN SỰ - VÕ VĂN THÀNH
VIỄN SỰ - VÕ VĂN THÀNH

TT - Cảnh báo này được các đại biểu chỉ ra là nguy cơ kéo dài sự trì trệ, hụt hơi của nền kinh tế tại buổi thảo luận của Quốc hội (QH) sáng 31-10 về tình hình kinh tế - xã hội.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Ảnh: V.Dũng
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Ảnh: V.Dũng

Mở đầu bài phát biểu của mình, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) không tin năm 2015 và 2016 có chuyển biến gì mạnh mẽ.

Nếu chúng ta giao quyền và tài sản cho những người kém cỏi về năng lực và đạo đức, lại tham lam, người ta chưa mua đã chủ động chào bán, thậm chí buộc người ta phải hối lộ như là điều kiện để người ta phải làm ăn với mình thì làm sao tránh khỏi lệ thuộc

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM)

Xuất siêu như thế lại đáng lo

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đã minh họa cho quan điểm của mình bằng những câu hỏi liên tiếp về mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Toàn là những câu hỏi nhức nhối, nhưng câu trả lời của đại biểu Nghĩa lại rất đơn giản: không nên đổ thừa cho “âm mưu, thủ đoạn” gì ở đây cả, mà do yếu kém của chúng ta.

Đại biểu Nghĩa nói ông không đủ dữ liệu để nghiêng về “thuyết âm mưu” về sự bất cân trong mối quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc, mà chỉ là việc chúng ta cứ mãi ì ạch đi sau họ là do chính chúng ta.

Bởi với một nền kinh tế “núi liền núi, sông liền sông” với Trung Quốc, không phải chỉ có thách thức mà đó là cơ hội. Chỉ riêng tiết kiệm chi phí vận chuyển đã đem lại cho doanh nghiệp Việt Nam lợi thế cạnh tranh không nhỏ so với các nước khác.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) không hồ hởi trước con số xuất siêu của nền kinh tế được ghi trong báo cáo của Chính phủ.

“Xuất siêu như vậy không nói lên tích cực nào cả khi hàng chục, hàng ngàn doanh nghiệp phá sản, đình đốn sản xuất, công nghiệp phụ trợ vẫn bế tắc”.

Theo đại biểu Đáng, xuất siêu đó còn đáng lo hơn ở chỗ chúng ta đang tự ru ngủ mình, bằng việc “kết bạn” với những thị trường dễ tính.

Ở đó hàng chất lượng thấp cũng bán được, bẩn một chút cũng bán được, mẫu mã xấu cũng bán được, có hợp đồng hay không có hợp đồng đều mua bán được.

“Chúng ta cứ cặp kè, gắn bó, thậm chí lệ thuộc loại thị trường này thì mãi mãi nền kinh tế của ta sẽ không thể cất cánh” - đại biểu Đáng cảnh báo.

Nợ công: QH cũng phải có trách nhiệm

Tại buổi thảo luận trước đó một ngày, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khi đăng đàn giải thích về nợ công trước QH đã mong các đại biểu cùng chia sẻ, cùng đồng cảm và ủng hộ các quan điểm cũng như các giải pháp của Chính phủ trong giải quyết bài toán nợ công.

Nhưng trong phần phát biểu của mình sáng 31-10, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) nói yêu cầu đó của bộ trưởng Bộ Tài chính là chưa đủ, bởi QH không chỉ chia sẻ mà còn phải cùng chịu trách nhiệm giải quyết bài toán nợ công.

“QH chính là người ấn nút thông qua Luật quản lý nợ công, bấm nút thông qua các dự án, các chương trình quan trọng quốc gia, những chương trình an sinh xã hội, đòi hỏi phải có vốn, vay vốn, huy động vốn, vay ODA, phát hành trái phiếu... Đổ lỗi hết cho Chính phủ thì tôi cho rằng không nên” - đại biểu Nguyễn Anh Sơn phân tích.

Về giải quyết nợ công, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) nói: “Chúng ta cứ nghĩ rằng phải tăng thu, phải tìm cách để thu trong khi tiết kiệm lại ít được nghĩ tới”.

Là người trong cuộc, tham gia giám sát nhiều dự án trong vai trò là phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - ngân sách của QH, đại biểu Phúc dẫn chứng Bộ GTVT chỉ điều chỉnh một số công trình đã tiết kiệm được 35.000 tỉ đồng. Trong khi chỉ cần 40.000 tỉ đồng để giải quyết chuyện tăng lương.

Cần cắt bớt cấp phó

Hiến kế cho QH giải bài toán ngân sách trong bối cảnh kinh tế khó khăn tại phiên thảo luận về ngân sách nhà nước chiều 31-10, đại biểu Trần Đình Nhã - phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của QH - đặt câu hỏi QH nên làm gì trước tình trạng “lạm phát” cấp phó trong các cơ quan, tổ chức hưởng ngân sách lâu nay.

Đại biểu Nhã nói theo thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có đến 139.000 cơ quan hành chính sự nghiệp và tổ chức hưởng ngân sách nhà nước, nghĩa là nước ta có khoảng 139.000 cấp trưởng là người đứng đầu các cơ quan tổ chức này.

Cùng với đó là gấp 2, gấp 3, gấp 4, gấp 5 lần số cấp phó. Số lượng cấp phó phân bổ không đều, có cơ quan chỉ vài cấp phó, có cơ quan 5-6 cấp phó, có cơ quan 7-8 cấp phó.

Theo ông Nhã, vấn đề đặt ra là tại sao cấp phó ở nước ta lại nhiều đến thế. Đi công tác nước ngoài cho thấy nhiều nước chỉ có 1-2 cấp phó trong cơ quan, thậm chí một số nước ở nhiều bộ không có thứ trưởng. Cấp phó nhiều tất yếu bội chi ngân sách tăng lên.

“Thử làm một phép tính nếu với mỗi cấp phó hằng năm tiền phụ cấp điện thoại, xăng xe, điện nước, công tác phí... vào khoảng 30 triệu đồng, nhân lên với 139.000 cấp phó thì đã ra chi phí hơn 4.000 tỉ đồng. Con số đó sẽ gấp 2, gấp 3, gấp 4, gấp 5 lần... tương ứng với số cấp phó” - ông Nhã nói.

Trước thực trạng trên, đại biểu Nhã đề nghị QH ban hành nghị quyết có tính bước ngoặt trong cải cách hành chính, đó là quy định việc bố trí cấp phó trong các cơ quan đơn vị không quá 3, trường hợp cần thiết tăng thêm cấp phó thì phải báo cáo QH xem xét quyết định.

Cũng liên quan đến tổ chức nhân sự, đại biểu Lê Nam (Thanh Hoá) kiến nghị tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ 12 của Đảng, các cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu hợp nhất một số chức danh, ví dụ như hợp nhất chức danh bí thư tỉnh ủy và chủ tịch UBND ở các tỉnh.

Theo ông Nam, nếu đổi mới mạnh mẽ về tổ chức nhân sự thì sẽ giảm gánh nặng đáng kể cho ngân sách.

Còn đại biểu Phạm Minh Tấn (Đắk Lắk) nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay cần giảm bớt chi tiêu công chưa cần thiết, thắt lưng buộc bụng để đầu tư cho lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

Kỳ họp QH đầu tiên diễn ra ở hội trường Ba Đình mới, trong phòng họp Diên Hồng cần ra nghị quyết về đầu tư cho quốc phòng, an ninh với tinh thần của hội nghị Diên Hồng.

____________________

Ý kiến cử tri

GDP có thể ảo, nhưng nợ công là thật

Giới hạn của nợ công là bao nhiêu GDP sẽ nằm trong ngưỡng an toàn, bao nhiêu thì không an toàn? Cho đến nay chưa có cơ sở nào để khẳng định.

Theo phương pháp tính GDP hiện hành, công thức tính sẽ là GDP=C+G+I+NX (C là tiêu dùng của hộ gia đình, G là tiêu dùng của chính phủ, I là tổng đầu tư và NX là cán cân thương mại). Trong đó đáng chú ý là chi tiêu của Chính phủ (G).

Phần chi tiêu này bao gồm các khoản chi tiêu cho hoạt động của bộ máy từ trung ương đến địa phương, chi cho quốc phòng, an ninh, giáo dục, y tế, xây dựng cơ sở hạ tầng...

Như vậy, rõ ràng đầu tư sẽ làm GDP tăng, nhưng sẽ có những phần tạo ra các giá trị không thực, không đem lại lợi ích cho nền kinh tế. Ở Việt Nam hiện nay, có thể dễ dàng nhận thấy, có rất nhiều các nội dung chi sẽ làm tăng GDP, nhưng không thực chất.

Thứ nhất, hiện nay đội ngũ hưởng lương từ ngân sách của nước ta quá đông. Vì vậy, một phần lớn ngân sách nhà nước được dùng chi trả lương và chi cho an sinh xã hội.

Theo bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư, chi thường xuyên hiện nay chiếm khoảng 70%. Việc chi này tất nhiên là nguyên nhân làm nợ công tăng cao, cũng làm GDP tăng, nhưng thật ra nó chẳng hề tạo ra giá trị thực.

Thứ hai, công trình đầu tư được tính vào GDP. Vậy những công trình đầu tư không hiệu quả rõ ràng góp phần làm tăng GDP, nhưng đây là GDP ảo. Sẽ không khó để chỉ ra hàng loạt công trình nghìn tỉ dạng này mà báo chí đã lên tiếng.

Thứ ba, tham nhũng, thất thoát trong các dự án đầu tư, mặc dù chưa “bắt tận tay day tận mặt” nhưng không ai dám khẳng định là không có. Tất cả chi tiêu đều có chứng từ hợp lệ, và như vậy đều được tính vào GDP, nhưng giá trị thực hẳn nhiên không thật.

Thứ tư, vì nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Nhà nước cần phải hiện đại hóa quân đội bằng việc mua những loại vũ khí hiện đại từ nước ngoài (đây là nhu cầu hết sức quan trọng của quốc gia) nhưng rõ ràng góp phần làm tăng GDP.

Thứ năm, hàng chục nghìn tỉ đồng của Nhà nước phải chi ra để khắc phục ô nhiễm môi trường, khắc phục tình trạng ngập nước ở đô thị sẽ làm tăng GDP.

Nhưng thật ra đây chỉ là khắc phục hậu quả do quá trình phát triển công nghiệp không được kiểm soát một cách khoa học và chặt chẽ... Và đương nhiên, tất cả các nguyên nhân này cũng chính là những nguyên nhân chính làm nợ công tăng cao.

Khi nhiều phần trong GDP là không thực, tất nhiên giới hạn của nợ công so với GDP càng phải được cân nhắc thật cẩn trọng.

VŨ TRUNG KIÊN (Học viện Chính trị khu vực II)

VIỄN SỰ - VÕ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên