15/10/2014 10:56 GMT+7

​Thấy sai không sửa sẽ trả giá

QUANG KHẢI
QUANG KHẢI

TT - Ông Hồ Long Phi, giám đốc Trung tâm nước và biến đổi khí hậu Đại học Quốc gia TP.HCM, nhận định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về quy hoạch dự án chống ngập.

Đường Tân Hóa, Q.11 (TP.HCM) ngập nặng sau cơn mưa chiều 1-10-2014 - Ảnh: Hữu Khoa
Đường Tân Hóa, Q.11 (TP.HCM) ngập nặng sau cơn mưa chiều 1-10-2014 - Ảnh: Hữu Khoa

 Một số dự án chống ngập trên địa bàn TP chưa triển khai xong nhưng quy hoạch đã lỗi thời.

Tuy vậy, theo ông Phi, những dự án chống ngập đưa vào sử dụng thời gian qua đã phát huy hiệu quả.

Giảm ngập chưa bền vững

Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, quy hoạch thoát nước cho TP theo quyết định 752 của Thủ tướng phê duyệt (ngày 16-9-2001) đã lỗi thời.

Cụ thể, quy hoạch được duyệt thời điểm này căn cứ mực nước triều 1,32m, lượng mưa dưới 100mm và ba năm mới xuất hiện một lần. Nhưng hiện nay triều đã đạt tới 1,7m, lượng mưa trên 100mm và một năm xuất hiện đến hai lần. Do vậy toàn bộ quy hoạch chống ngập thời điểm đó đến nay đã lỗi thời, không còn phù hợp.

Ông Hồ Long Phi nhận định: Về tổng thể, sau khi các công trình chống ngập hoàn thành, đưa vào sử dụng thời gian qua thì tình hình ngập nước tại TP.HCM có giảm.

“Rõ nhất là trước đây các tuyến đường như Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Cư Trinh, Lê Hồng Phong, Tô Hiến Thành, lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè... đều ngập, nhưng sau khi các dự án thoát nước hoàn thành thì ngập nước ở các đường này đã giảm đáng kể” - ông Phi nói.

Theo ông Phi, chỉ giảm ngập tại khu vực trên là vì các dự án trên chủ yếu được đầu tư cho khu vực trung tâm TP gồm các quận: 1, 3, 4, 5, 7, 10, 11, Phú Nhuận và một phần các quận Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Tân Bình... 

Tuy nhiên theo ông Phi, dù số điểm ngập có giảm nhưng các giải pháp chống ngập vừa qua còn nhiều bất cập và chưa mang tính bền vững. Bởi việc chống ngập không chỉ dựa vào các cống thoát nước mà còn phải có các hồ điều tiết nước, phát triển một số khu vực theo hướng thích ứng với nước ngập (xây nhà sàn, giao thông phù hợp với vùng ngập...).

Nhưng hiện nay, ngoài một số cống được đầu tư mới, chưa có hồ điều tiết nào được xây dựng và chưa quy hoạch được khu vực nào phát triển thích ứng với nước ngập.

Đề cập đến quy hoạch thoát nước hiện nay đã lỗi thời do thiếu tầm nhìn, gây ra sự lãng phí lớn, ông Phi cho rằng đến thời điểm hiện nay đã thấy quy mô đầu tư các cống thoát nước đã lạc hậu, sai với diễn biến thực tế. Tuy nhiên, ông Phi cho rằng để đánh giá các cơ quan tham mưu lập quy hoạch trên thiếu tầm nhìn là rất khó.

Bởi theo ông Phi, trước khi lập quy hoạch các cơ quan chức năng đã dựa vào các thông số quan trắc mưa, triều... của các nghiên cứu nước ngoài cũng như trong nước.

Đầu tiên là kết quả nghiên cứu của Tổ chức PCI (Nhật, do JIca tài trợ), trên kết quả nghiên cứu này các cơ quan tham mưu Chính phủ ký quyết định 752 phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2020.

Sau khi quyết định được phê duyệt, ba tổ chức khác gồm tư vấn CDM (Mỹ), Black & Veetch (Bỉ) và Phân viện Nghiên cứu khí tượng thủy văn có các nghiên cứu độc lập cho các dự án chống ngập TP như: dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm đều cho ra các thông số tương tự như quyết định 752 là khả năng chịu tải tối đa của cống với lượng mưa 100mm (trong vòng ba giờ), đỉnh triều ở mức 1,32m.

Và ở thời điểm đó khái niệm về biến đổi khí hậu còn rất mới mẻ chứ không diễn biến nhanh một cách bất định như hiện nay. Vì vậy quy hoạch mức độ như trên là hợp lý ở thời điểm đó.

Thấy sai phải sửa

Theo ông Phi, hiện nay các cơ quan chức năng đã thấy quy hoạch chống ngập không còn phù hợp. “Đã thấy sai thì phải sửa, nếu cứ để kéo dài sẽ phải trả giá, đặc biệt các dự án sắp triển khai cần phải được điều chỉnh” - ông Phi nhấn mạnh.

Cụ thể theo quy hoạch 752 thì thiết kế cống, kênh cấp 1 (lớn nhất) đáp ứng cho lượng mưa tối đa 95,91mm, đỉnh triều cao nhất 1,32m.

Đến nay TP đã xây dựng, đưa vào sử dụng khoảng 3.200km/6.000km cống thoát nước theo quy hoạch này. Khoảng 2.800km cống còn lại nếu vẫn làm theo quy hoạch cũ sẽ tiếp tục lạc hậu, khó chống ngập hiệu quả trong tình hình hiện nay.

Ông Phi cho rằng phải nâng cấp cống, kênh cấp 1 lên khả năng chịu đựng những trận mưa từ 140-150mm với chu kỳ ba năm ngập một lần. Với các công trình triều cường phải căn cứ mức triều cao nhất từ 2-2,2m.

Đồng thời nên chia TP thành những tiểu vùng nhỏ hơn thay vì sáu vùng như hiện nay. Trên cơ sở đó đầu tư phân kỳ nhằm tập trung nguồn lực giải quyết ngập dứt điểm cho từng tiểu vùng, tránh đầu tư tràn lan, khó kiểm soát.

Để làm được việc này, ông Phi cho rằng UBND TP cần quyết tâm kiến nghị thay đổi quy hoạch 752 hoặc kiến nghị cho phép UBND TP có cơ chế đặc biệt trong việc triển khai các dự án chống ngập trên địa bàn TP.

Ông Lê Hoàng Minh, phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP, cho biết đồng tình với việc phải thay đổi quy hoạch trên cơ sở nâng cấp các tiêu chuẩn, quy mô các dự án thoát nước.

Tuy nhiên, việc thay đổi như thế nào cho phù hợp cần có những nghiên cứu có luận cứ khoa học. Cũng theo ông Minh, Sở Giao thông vận tải TP sẽ kiến nghị UBND TP đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm nghiên cứu để điều chỉnh quy hoạch này.

Một phụ huynh đưa con đi học về qua đoạn ngập nặng trên đường Tân Hóa, Q.11, TP.HCM (ảnh chụp ngày 1-10-2014) - Ảnh: Hữu Khoa
Một phụ huynh đưa con đi học về qua đoạn ngập nặng trên đường Tân Hóa, Q.11, TP.HCM (ảnh chụp ngày 1-10-2014) - Ảnh: Hữu Khoa

TP.HCM đã đầu tư nhiều dự án chống ngập

Thời gian qua trên địa bàn TP.HCM đã đầu tư hàng loạt dự án chống ngập kết hợp giao thông, cải thiện môi trường quy mô lớn như: dự án đại lộ Đông - Tây (đại lộ Võ Văn Kiệt); dự án vệ sinh môi trường TP.HCM lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè với diện tích lưu vực là 3.053ha, tổng vốn đầu tư (giai đoạn 1) là 199,96 triệu USD; dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ (tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 263 triệu USD).

Ngoài ra, còn có dự án cải thiện môi trường TP.HCM - tiểu dự án cải tạo hệ thống thoát nước rạch Hàng Bàng diện tích lưu vực 438ha, tổng vốn đầu tư 25 triệu USD...

Các dự án này dự kiến hoàn thành vào năm 2007-2008 nhưng kéo dài sang những năm 2010 mới bắt đầu phát huy hiệu quả. 

Các dự án trên đã xóa từ hơn 100 điểm ngập khu vực trung tâm (khoảng 650km2 theo quy hoạch 752 Chính phủ) năm 2008 xuống còn 9 điểm như hiện nay.

* Ông NGUYỄN VĂN TÙNG (đại biểu HĐND TP.HCM):

Trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu?

Tại sao Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM - một cơ quan chống ngập với đầy đủ quyền hành được giao mà chỉ đưa nguyên nhân ngập do khách quan như mưa nhiều, biến đổi khí hậu, thời tiết, quy hoạch lỗi thời...?

Chưa thấy đơn vị này nói được trách nhiệm quản lý ở đâu, cách khắc phục như thế nào. Đổ thừa tất cả tại nguyên nhân khách quan là chưa thấy hết trách nhiệm của mình. Nói vậy hàng trăm tỉ đồng đầu tư cho chương trình chống ngập từ năm 2001 tới nay hiệu quả ra sao? TP đã đầu tư bao nhiêu trạm bơm, hệ thống cống một chiều, cửa xả... hiện nay phát huy như thế nào?

Thật sự người dân TP đang lo lắng khi các điểm ngập ngày càng sâu và thời gian kéo dài. Mỗi lần tôi tiếp xúc cử tri, người dân hỏi về hiệu quả chương trình chống ngập, hỏi khi nào hết ngập, vì sao ngập... Tôi nghe cử tri hỏi mà “đau” thay cho dân.

D.N.HÀ ghi

QUANG KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên