Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị - Ảnh: TTXVN |
Phó tổng Thanh tra Chính phủ Lê Thị Thủy cho biết tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2014 có xu hướng giảm, tuy nhiên số lượt đoàn đông người tiếp tục tăng, nội dung khiếu nại hành chính chủ yếu về lĩnh vực đất đai (chiếm 68,2% số đơn khiếu nại), cụ thể như khiếu nại thu hồi đất, bồi thường mặt bằng thực hiện dự án, tranh chấp đất đai, đòi lại đất cũ (diện tích đất đã chuyển quyền sử dụng qua nhiều cá nhân hoặc tổ chức khác nhau).
Quan tâm an sinh xã hội của người dân
Có dân ra Hà Nội hoặc TP.HCM để khiếu nại đông người thì phải gọi ông chủ tịch đến đưa về |
Phó thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC |
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Văn Thi, tỉnh này là một trong những địa phương có tình trạng khiếu kiện đông người diễn biến phức tạp, tập trung chủ yếu vào vấn đề đòi lại đất cũ.
“Việc liên quan đến đất cũ đó diễn ra cách đây hơn 30 năm, chúng tôi đã cố gắng tập trung giải quyết dần, nhưng nhu cầu của người dân vượt quy định pháp luật. Mình cắt đất giao thì người dân không chịu mà đòi lại ngay chỗ không thể giao đất được, rất là khó. Hồi tố không được thì giải quyết chính sách khác để hỗ trợ. Địa phương trong khả năng của mình đã vận dụng tối đa cơ chế chính sách cho người dân. Cố gắng, quyết tâm rất nhiều nhưng mọi việc không phải theo mong muốn của mình” - ông Thi nói.
Giải đáp băn khoăn của lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cũng cho rằng vấn đề dân đòi lại đất cũ trong cả nước hiện còn khá nhiều và tồn tại qua nhiều năm. Thanh tra Chính phủ đã có hướng dẫn các địa phương ba phương án.
Thứ nhất, giải quyết khiếu nại đòi lại đất cũ phải căn cứ vào quy định pháp luật, đặc biệt là Luật đất đai và tính ổn định của đất đai.
Thứ hai, trường hợp không giải quyết được thì xem xét hoàn cảnh thực tế của hộ dân đó, dùng chính sách khác nếu hộ dân có khó khăn.
Thứ ba, Thanh tra Chính phủ đã ban hành các kế hoạch giải quyết những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài. Ở đây, nếu người dân vẫn còn khiếu nại lâu dài chưa giải quyết được, áp dụng các kế hoạch trên để rà soát. Cuối cùng là kết thúc việc giải quyết khiếu nại theo cấp có thẩm quyền và thông báo chấm dứt thụ lý.
Trong phát biểu của mình, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ quan điểm là không thể đòi lại đất cũ, tuy nhiên trong quá trình giải quyết, chính quyền cần quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội cho người dân. “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, cá nhân đòi lại sao được” - Phó thủ tướng nói.
Đổ tại dân là không phải
Dân và cán bộ không biết nhau “Vừa rồi giải tỏa để mở rộng quốc lộ 1A, tôi đi rất nhiều địa phương, đến một số nơi hỏi ra thì dân và cán bộ có trách nhiệm ở đó không biết nhau. Nghĩa là cán bộ có chịu gặp dân đâu, cứ giao việc cho cấp dưới thế thôi. Một số cán bộ còn quan liêu, xa dân lắm. Tôi đề nghị từ chủ tịch xã, chủ tịch huyện, chủ tịch tỉnh, giám đốc các sở ban ngành ở địa phương phải làm tốt công tác tiếp dân, trực tiếp đối thoại với dân và ở trung ương cũng như vậy”. |
Phân tích các vụ việc khiếu kiện đông người, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển nói đây đều là các vụ tồn đọng lâu năm, đã hết thẩm quyền giải quyết, nhưng người dân vẫn tiếp tục đến khiếu nại, tố cáo. Các quy định pháp luật hiện nay không có quy định nào cho phép từ chối không tiếp công dân mặc dù đã giải quyết hết thẩm quyền.
Chính vì vậy, chính quyền địa phương cần nhìn nhận đất đai là vấn đề nhạy cảm và có yếu tố lịch sử, qua các thời kỳ khác nhau thì chính sách pháp luật thay đổi, dẫn đến khiếu nại, tố cáo.
“Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho biết có 12% khiếu nại, tố cáo là đúng, khiếu nại có đúng, có sai là 40%. Số liệu này nói lên rằng các cấp chính quyền giải quyết chưa tốt, nếu chỉ đổ tại công dân là không phải. Công dân khiếu nại, tố cáo sai chiếm 60%, còn 40% là trách nhiệm của các cấp chính quyền. Đây là vấn đề lớn. Các địa phương cho rằng đã giải quyết hết thẩm quyền, làm hết sức, nhưng không thể nói với 40% đó mà đã làm tốt” - ông Hiển nói.
Để hạn chế tối đa tình trạng đơn thư vượt cấp, ông Hiển nêu rõ đây là “trách nhiệm của ta” chứ không phải của dân, đồng thời kiến nghị Thanh tra Chính phủ tăng cường thanh tra trách nhiệm hành chính đối với các cấp chính quyền địa phương. Tổng thanh tra Huỳnh Phong Tranh bày tỏ nhất trí tới đây Thanh tra Chính phủ sẽ tăng cường thanh tra trách nhiệm hành chính, đánh giá việc thực hiện quy định pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cấp chính quyền, “nơi nào làm không tốt thì nghiêm khắc phê bình, rút kinh nghiệm và có xử lý”.
Đối thoại, đối thoại và đối thoại
Về các trường hợp người dân địa phương lên trung ương khiếu kiện đông người, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến nói cần nghiên cứu hướng giải quyết để xác lập kỷ cương, vì có những dự án giải tỏa mặt bằng thì hàng nghìn hộ dân đã đi tái định cư, chỉ còn mấy chục hộ cứ ra Hà Nội khiếu kiện. Khi đó trung ương gọi lãnh đạo địa phương ra gặp dân, giải thích để người dân quay về, thậm chí cho tiền xe để người dân về nhưng ít bữa người dân lại ra khiếu kiện tiếp.
“Những việc này, chủ tịch TP hay chủ tịch các quận cứ ra đi vận động miết thì không còn thời gian làm việc khác” - ông Chiến nói.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tình hình khiếu nại, tố cáo tuy có giảm nhưng khiếu nại đông người tăng. Để góp phần giải quyết tình trạng này, mỗi địa phương phải có biện pháp không để người dân tụ tập, kéo đông người lên trung ương.
“Có dân ra Hà Nội hoặc TP.HCM để khiếu nại đông người thì phải gọi ông chủ tịch đến đưa về, trách nhiệm cá nhân của đồng chí, chứ không phải nói là tôi ra nhiều quá rồi không có thời gian ra nữa. Ở địa phương phải tổ chức đối thoại, tiếp dân. Tôi xin nói với các đồng chí là để người dân ra Hà Nội, TP.HCM ảnh hưởng rất nhiều, chưa kể là dễ bị kẻ xấu lợi dụng, kích động” - Phó thủ tướng nói.
Phó thủ tướng yêu cầu mỗi cán bộ tiếp dân phải đặt vị trí của mình vào người dân, tích cực, chủ động để tìm các biện pháp xử lý dứt điểm, phải mạnh dạn sửa sai, không đùn đẩy trách nhiệm, “một trong những phẩm chất của cán bộ tiếp dân là phải tôn trọng dân, dân chưa nói gì mà ông đã nói sa sả rồi là không được”.
Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh người đứng đầu chính quyền các cấp ở địa phương phải trực tiếp đối thoại với dân để kiên trì giải thích, thuyết phục, “dân ta vốn trọng cả lý cả tình, do vậy phải đối thoại, đối thoại và đối thoại”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận