Ông VŨ NGỌC HOÀNG - Ảnh: Việt Dũng |
“Mặt làm được cần nêu để thấy sự cố gắng chung, mặt chưa được càng phải nhìn rõ để sửa, để bổ sung giải pháp” - ông Vũ Ngọc Hoàng, ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương, nói như vậy về mục đích, yêu cầu của đợt nhìn lại kết quả 45 năm thực hiện di chúc Bác Hồ.
* Cán bộ đảng viên của chúng ta đã như thế nào mà thanh niên không muốn vào Đảng?
Ông Vũ Ngọc Hoàng nhắc lại: “Trong di chúc, sau khi nói nhân dân đã tham gia xây dựng cách mạng, đã cùng với Đảng trải qua gian lao trong chiến tranh, Bác Hồ dặn Đảng phải có kế hoạch thật tốt để không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Nói đến đây, ông Hoàng đặt vấn đề: “Đến bây giờ câu hỏi đặt ra là vì sao nhân dân lại giảm lòng tin, trong khi ai cũng thấy là tình hình kinh tế, đời sống của nước nhà giờ đã khá hơn nhiều năm trước. Điều này chắc chắn không phải là tại nhân dân!”.
"Cách đây bốn, năm mươi năm, VN và Hàn Quốc có trình độ phát triển tương đương. Sau mấy mươi năm, tôi rà lại tư liệu thì thấy Hàn Quốc hiện có khoảng 90.000 người sống tại VN và VN cũng có 90.000 người sống ở Hàn Quốc. Chỉ khác nhau ở chỗ hầu hết người Hàn Quốc tại VN làm ông chủ, làm quản lý, còn người VN ở Hàn Quốc thì chủ yếu làm ôsin. Nghe mà xót lòng" (Ông Vũ Ngọc Hoàng) |
Theo ông Hoàng, chuyện phân hóa giàu nghèo là chuyện đáng lưu tâm trong việc làm giảm sút lòng tin của nhân dân. Nhất là khi nơi này nơi khác, người dân đã đặt câu hỏi: mấy ông cán bộ đó làm sao mà giàu nhanh vậy?
“Cách đây bốn, năm mươi năm, VN và Hàn Quốc có trình độ phát triển tương đương. Sau mấy mươi năm, tôi rà lại tư liệu thấy Hàn Quốc hiện có khoảng 90.000 người sống tại VN và VN cũng có 90.000 người sống ở Hàn Quốc. Chỉ khác nhau ở chỗ hầu hết người Hàn Quốc tại VN làm ông chủ, làm quản lý, còn người VN ở Hàn Quốc thì chủ yếu làm ôsin. Nghe mà xót lòng” - ông Hoàng trăn trở.
Đề cập đến một nội dung khác trong di chúc của Bác là việc bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, ông Vũ Ngọc Hoàng tiếp tục đặt vấn đề: “Các tổ chức Đảng, từng cán bộ đảng viên đã làm được gì và bồi dưỡng thế hệ đời sau như thế nào, nhất là bồi dưỡng bằng tấm gương của chính mình? Lòng tin của thanh niên bây giờ ra sao đối với Đảng và Nhà nước, so với những năm trước?”.
Về vấn đề này, ông Hoàng thừa nhận: “Trong quá trình chuẩn bị các nghị quyết của trung ương, chúng tôi có nghiên cứu vấn đề đó và thấy là lòng tin của thanh niên có giảm sút”.
Ông Hoàng cũng đặt vấn đề dưới góc độ so sánh khi bây giờ không ít thanh niên không muốn vào Đảng. Trong khi ngày xưa vào Đảng là thiêng liêng, là thiết tha lắm, dù vào Đảng là đứng trước cửa nhà tù, là đứng dưới cỗ máy chém, là nguy hiểm cho cả bản thân và gia đình. “Cái này không phải lỗi của thanh niên mà chính người lớn phải nhìn lại mình. Phải nghiêm túc nhìn xem cán bộ đảng viên của chúng ta đã như thế nào mà thanh niên không muốn vào Đảng” - ông day dứt.
Lời dặn dò đoàn kết
Câu chuyện về những giây phút cuối cùng của Bác Hồ mà ông Vũ Ngọc Hoàng mang đến hội nghị khiến nhiều người tham dự suy nghĩ.
Hôm ấy Bác Hồ đã yếu lắm, không nói được nữa. Nhìn thấy đoàn cán bộ các nơi về thăm, có cả miền Bắc, miền Trung, miền Nam, Bác cố gắng run run đưa hai bàn tay lên rồi nắm hai tay lại với nhau. Những ai có mặt hôm ấy đều hiểu rằng đó là lời dặn dò đoàn kết. Điều mong muốn cuối cùng của Bác trong di chúc là toàn Đảng, toàn dân một lòng đoàn kết để xây dựng một nước VN hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
“Bác cũng dặn phải có tình đồng chí yêu thương lẫn nhau. Bây giờ phải nhìn kỹ lại vấn đề này xem vì sao ngày xưa khi nói đến hai chữ “đồng chí” thì thân thiết, thiêng liêng, còn bây giờ khi tức giận lên thì gọi nhau bằng “đồng chí”. Cần xem lại từ trung ương tới địa phương có mất đoàn kết không, có tranh giành, đấu đá nhau hay quy chụp lẫn nhau khi người khác trái ý mình không?” - ông Hoàng gợi mở.
Theo ông Hoàng, có một thực tế là các tổ chức Đảng rất ít phát hiện tham nhũng, trong khi hầu hết tham nhũng thì liên quan đến cán bộ, đảng viên. Nhiều lúc, nhiều nơi, rõ ràng tình hình rất xấu nhưng kiểm điểm rồi cũng không thấy trách nhiệm thuộc về ai.
Ông Bùi Thế Đức, phó Ban Tuyên giáo trung ương, cho biết về nội dung sinh hoạt chính trị lần này, các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể ở trung ương và địa phương cần tổ chức ôn lại nội dung, giá trị và ý nghĩa di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, phải tiến hành kiểm điểm, đánh giá 45 năm thực hiện di chúc của Người, gắn với kiểm điểm việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
“Kỷ niệm 45 năm thực hiện di chúc của Người cũng chính là dịp để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng đạo đức trong Đảng, trong xã hội” - ông Đức nhấn mạnh.
Các hoạt động kỷ niệm Theo Ban Tuyên giáo trung ương, thời gian tập trung triển khai đợt sinh hoạt chính trị kỷ niệm 45 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là trong các tháng 9, 10, 11-2014. Các tỉnh ủy, thành ủy, ban, ngành, đoàn thể triển khai sinh hoạt ở các đảng bộ, chi bộ, lồng ghép trong sinh hoạt chính quyền, đoàn thể. Sẽ có hai cuộc hội thảo cấp bộ, ngành do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh và Học viện Báo chí và tuyên truyền tổ chức. Chương trình nghệ thuật đặc biệt ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ do Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch chủ trì, Đài truyền hình VN trực tiếp truyền hình. Hãng Phim tài liệu và khoa học trung ương xây dựng phim tài liệu gắn 45 năm thực hiện di chúc với việc triển khai thực hiện nghị quyết trung ương 4, nghị quyết trung ương 9 (khóa XI) và các chỉ thị của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận