06/02/2013 08:30 GMT+7

Tết nhập gia tùy tục

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TT - Hầu hết người nước ngoài làm rể hoặc dâu tại các gia đình Việt Nam thường xem tết là dịp tốt nhất để chứng tỏ sự “nhập gia tùy tục” của mình.

sFoXUqOl.jpgPhóng to
Người nước ngoài dạo phố sắm đồ tết ở Hà Nội - Ảnh: Gia Tiến
58Gb0yGo.jpgPhóng to
Sonia (bìa phải) quây quần cùng gia đình chồng ngày tết - Ảnh do nhân vật cung cấp

Làm rể ở Việt Nam gần sáu năm, Tony Louw (33 tuổi) hiểu rằng tết là thời điểm mà người nước ngoài có thể thấy truyền thống Việt Nam qua nhiều góc cạnh khác nhau như ẩm thực, văn hóa ứng xử, các lễ hội đậm đà bản sắc.

Thích tết sum vầy

Tony đang cùng vợ điều hành Công ty Learning Strategies chuyên về giáo dục trẻ em ở Phú Mỹ Hưng (Q.7, TP.HCM) tự tin khẳng định: “Giờ đây, sau sáu năm làm rể ở Việt Nam, tôi không thể kể cho bạn nghe câu chuyện chính xác về tập tục truyền thống ngày tết, nhưng tôi có thể cho bạn biết ý nghĩa cơ bản của nó”. Mỗi dịp tết, Tony thường hối thúc vợ đi chợ hoa Phạm Ngũ Lão để chọn mua mấy chậu bông, cành hoa trang hoàng nhà cửa và không quên mua quà tặng gia đình mẹ vợ. Trong mấy ngày đầu năm, anh cũng không quên cùng vợ đi lễ chùa cầu tài lộc.

Chàng trai Nam Phi này đặc biệt thích những món ăn truyền thống ngày tết. Anh cho biết món thịt heo kho trứng là món khoái khẩu nhất của anh bên cạnh bánh tét, bánh chưng và củ kiệu. Nhưng theo Tony, ấn tượng đầu tiên và khó phai nhất về tết cổ truyền Việt Nam chính là không khí đoàn viên gia đình đầm ấm mỗi dịp xuân về của gia đình Việt mà nay anh đã là một thành viên. “Tôi thích tết Việt hơn Noel bởi tết Việt chú trọng hơn về gia đình. Ở phương Tây, người ta thường dành thời gian cho bạn bè nhiều hơn”, anh chia sẻ.

“Những yếu tố giữ chân tôi ở đây là khí hậu, thức ăn và con người. Tôi là chàng rể nước ngoài, do vậy tôi phải thích nghi với văn hóa Việt” - Tony bộc bạch.

Chị Trần Thị Như Trang, vợ Tony, chia sẻ rằng điều chị cảm thấy bất ngờ nhất ở ông chồng Tây của mình là lúc anh tự đi nhà sách mua mấy quyển song ngữ (Anh - Việt) viết về phong tục tập quán Việt Nam như lì xì, cúng ông Táo... và mày mò tìm hiểu. “Trước khi quen Tony, tôi cũng có một vài bạn người nước ngoài, họ không thích thức ăn Việt Nam và không thích ngồi vỉa hè. Tony ngược lại, rất thích ẩm thực Việt Nam. Có lần anh ăn vỉa hè và bị “tào tháo rượt” nhưng anh vẫn không cảm thấy khó chịu gì. Dần dần anh yêu thích Việt Nam và tự học về các phong tục Việt Nam” - chị Trang tự hào như vậy về chồng.

poFQlZ1t.jpgPhóng to
Vợ chồng Tony cùng bà con trong không gian tết Việt - Ảnh do nhân vật cung cấp

Từ ngạc nhiên đến thân thương

Sonia Karin Nguyen Delestrée, cô dâu nước ngoài sinh sống ở TP.HCM, nhớ lại “ký ức đáng sợ” khi lần đầu trải nghiệm tết: “Tôi vô cùng ngạc nhiên vì thấy hôm qua còn đông nghịt người, bỗng dưng sang mồng 1 quang cảnh xung quanh vắng lặng, sau đó một ai đó nói cho tôi biết đó là tết Việt Nam”.

Sau khi quyết định lấy chồng người Việt, Sonia đã trải qua ba cái tết với gia đình chồng ở khu Tân Định, Q.1 (TP.HCM), dù Sonia và chồng đã dọn ra ở riêng. Sonia cho biết cô thích tết một phần vì đây là khoảng thời gian duy nhất trong năm cô có thể lái xe máy an toàn khắp mọi nơi ở Sài Gòn. Tết còn là dịp để Sonia học thêm về các phong tục tập quán của người Việt. Với Sonia, hình ảnh thú vị nhất mà cô từng chứng kiến ở gia đình chồng vào dịp tết chính là một hàng dài con cháu xếp hàng để chúc mừng năm mới và nhận lì xì từ người cao tuổi nhất trong gia đình là bà nội của chồng cô. “Tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy cảnh tượng ấy. Nó rất khác so với phong tục ở đất nước chúng tôi khi mọi người chúc mừng năm mới trẻ con trước, sau đó mới đến người lớn và người già” - Sonia nói. Và nữa: “Khi tôi đến gia đình chồng vào mỗi dịp tết, tôi được thết đãi nhiều món ăn do những phụ nữ trong gia đình nấu. Tôi thấy tất cả phụ nữ đều ở trong bếp nấu ăn trong khi đàn ông ngồi uống bia và tán gẫu. Đây là một điều rất lạ lẫm với tôi. Ở phương Tây, vào những dịp lễ lớn phụ nữ thường tán gẫu với nhau ở phòng khách, trong khi đàn ông “lăn vào bếp” để chế biến món ăn phục vụ phái yếu. Sau đó tôi nhận ra rằng họ làm với niềm vui và hăng say, bởi đó là truyền thống của phụ nữ Việt Nam”.

Từ ngạc nhiên đến thân thương, Sonia cho biết dù cô không tin vào thần thánh, chưa hiểu hết tất cả các phong tục của người Việt, nhưng cô vẫn vui vẻ đi chùa đầu năm và cầu nguyện để thể hiện sự tôn trọng đến gia đình chồng. Cô cũng cố gắng tìm hiểu về các phong tục tập quán ngày tết, chẳng hạn như học thuộc các câu chúc tết bằng tiếng Việt như chúc mừng năm mới và sống lâu trăm tuổi để làm vui lòng chồng và gia đình bên chồng. Sonia mong ước một ngày nào đó cô có thể biết nấu các món ăn truyền thống ngày tết. “Tôi thích phụ họ nấu nướng và học hỏi, điều đó sẽ rất thú vị. Tết năm nay tôi sẽ làm một cái bánh sôcôla tặng mẹ chồng” - Sonia hồ hởi nói.

___________________

Z0RhZ2D2.jpgPhóng to

GS Patrick McAllister

Cánh cửa sổ nhìn văn hóa Việt

Patrick McAllister là giáo sư nhân học tại Đại học Canterburry, New Zealand. Ông đã có nhiều công trình nghiên cứu về các sự kiện công chúng lớn ở các nước như các ngày quốc lễ, lễ hội quốc gia. Hiện ông đang nghiên cứu về Tết Nguyên đán Việt Nam. Đây là cái tết thứ sáu của ông ở Việt Nam.

Khi bắt đầu quan tâm đến Việt Nam, tôi quyết định cách tốt nhất để tìm hiểu về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam là nghiên cứu về tết. Theo kinh nghiệm của tôi, các quốc lễ quan trọng như tết là một cánh cửa sổ, qua đó bạn có thể nhìn thấy nhiều mặt của cuộc sống. Do vậy từ năm 2008 tôi bắt đầu đến Việt Nam ăn tết mỗi năm, nói chuyện với nhiều người và viếng thăm nhiều gia đình ở TP.HCM, Cần Thơ, Hà Nội, Đà Nẵng, Vũng Tàu...

Cảm nhận đầu tiên của tôi là tết giúp mọi người nhìn thấy nhiều khía cạnh của lịch sử, truyền thống và văn hóa của Việt Nam. Thông qua nghiên cứu tết, tôi nhận ra thêm nhiều điều thú vị về tết, chẳng hạn như tầm quan trọng của gia đình, sự kính trọng mà người Việt dành cho tổ tiên. Rất đúng khi cho rằng không phải ai cũng giống nhau - mỗi gia đình, khu vực, thành phố hoặc nhóm tín đồ tôn giáo đều có phong tục và tín ngưỡng khác nhau. Chẳng hạn như ở quận Tân Bình và Tân Phú (TP.HCM), nơi tập trung người gốc Quảng Nam hoặc những khu vực khác ở miền Trung Việt Nam, có tập tục “cúng xóm” sau tết 9 hoặc 10 ngày. Họ cúng tất cả thần linh và yêu ma liên quan đến đất đai, cũng như “những linh hồn lang thang” (cô hồn). Những người dân khác ở TP.HCM không biết gì về tập tục này và họ thường rất ngạc nhiên khi tôi giải thích cho họ biết về nó.

Đúng là nhiều phong tục ngày tết mang tính truyền thống, nhưng tôi thấy tết cũng thay đổi và phát triển từ năm này sang năm khác và điều này rất bình thường vì mọi thứ luôn luôn biến đổi. Đối với người Việt, đi du lịch nước ngoài hoặc đi thăm thú những thắng cảnh du lịch trong nước để “ăn tết” đã trở thành một hình ảnh khá quen thuộc. Nhưng thông thường, dù có đi du lịch, mọi người cũng tính toán thời gian để có vài ngày nghỉ tết ở nhà với gia đình.

Truyền thống và hiện đại hòa hợp với nhau. Tôi thấy điều này qua chương trình truyền hình Ông Táo về trời phát sóng hằng năm. Nhiều người Việt đưa ông Táo hay Táo Quân về trời theo cách truyền thống vào ngày 23 tháng chạp và vui vẻ xem chương trình này trên truyền hình một vài ngày sau đó.

Giáo sư PATRICK MCALLISTER

Khởi đầu cho mọi việc tốt đẹp

opduQNcq.jpgPhóng to
Ralf Timmler
Khi đề cập đến đặc điểm của Việt Nam hay tính cách của người Việt, các nước phương Tây thường nhắc đến quan niệm sống lạc quan hướng về tương lai của người Việt. Bản thân tôi cũng cho rằng người Việt không quá chìm đắm với quá khứ mà họ thường hướng đến tương lai nhiều hơn.

Vào những ngày sắp đến tết thì cảm giác tết đến càng rõ rệt. Bạn thậm chí chẳng cần phải xem lịch để xem khi nào tết đến, vì chính bạn sẽ thật sự cảm nhận được điều đó. Không hẳn là từ hình ảnh những chiếc xe gắn máy chở các loại cây kiểng to lớn về nhà chưng tết hoặc là giao thông trên đường phố đột ngột trở nên thông thoáng hơn vào những giờ cao điểm trong ngày.

Đã bao giờ bạn cố gắng khởi đầu một công việc quan trọng vào thời điểm gần tết? Vào lúc gần tết năm ngoái, tôi đã tìm được một người rất tốt và hữu ích cho công việc của tôi. Chúng tôi hẹn gặp nhau nhiều lần để sắp xếp ký kết một hợp đồng ổn thỏa. Tôi phải thừa nhận đó quả là một thời điểm tốt để khởi đầu mọi việc. Gần tết cũng như sau tết, tôi thấy người Việt luôn bắt đầu mọi việc trong tinh thần mới mẻ và gặp gỡ những người mới bằng cách nói “Chúc mừng năm mới”. Điều này luôn tạo ra một cảm giác tốt, một thái độ lạc quan cho bạn.

Sau nhiều năm ở Việt Nam, tôi nhận thấy chính quan niệm sống của mình cũng có chút thay đổi. Sau lần về thăm nhà gần đây, tôi có đem theo về Việt Nam một vài nhánh cây con từ những cây dâu tôi rất yêu quý ở nước tôi. Thật kỳ diệu, gần đây chúng bắt đầu mọc những chiếc lá nhỏ màu xanh. Ngay lập tức, ý định đầu tiên của tôi là tách chúng ra những cái chậu lớn hơn, những cái chậu mà tôi đặt rải rác xung quanh nhà. Nhưng một cái gì đó đã giữ tôi lại và tôi đã quyết định hoãn việc đó đến năm mới. Bằng cách nào đó, dường như năm âm lịch cũng tương ứng với quá trình tự nhiên của các mùa. Tôi sẽ dành tặng một nhánh có nhiều lá nhất cho bố mẹ vợ tôi trong dịp tết. Chúng tôi bỏ nó vào một cái chậu phù hợp trong vườn và có thể yên tâm rằng nó sẽ phát triển rất tốt, tôi có thể đoan chắc như thế.

RALF TIMMLER (người Đức, hiện sinh sống ở Hà Nội)

DIỆU AN chuyển ngữ

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên