08/02/2011 08:14 GMT+7

Tàu lửa đâm 6 ôtô giữa cầu Ghềnh

N.ẨN
N.ẨN

TT - Trưa 7-2, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” sau khi xảy ra vụ tàu lửa đâm sáu ôtô tại cầu Ghềnh (TP Biên Hòa) vào đêm 6-2.

* 2 người chết, 24 người bị thương * Khởi tố vụ án, tạm giữ 7 người

Ueb4KLfD.jpgPhóng to
Tàu lửa đâm trực diện vào ôtô trên cầu Ghềnh, Đồng Nai - Ảnh: ANH ANH

Cùng ngày, Công an TP Biên Hòa cũng đã ra lệnh bắt khẩn cấp và tạm giữ hình sự bảy người liên quan đến vụ việc gồm Nguyễn Văn Túy (43 tuổi, lái chính tàu SE2), Nguyễn Xuân Phú (47 tuổi, lái phụ tàu SE2), Tô Quang Toán (40 tuổi, nhân viên bảo trì đèn tín hiệu đường sắt) cùng bốn nhân viên gác chắn ở hai đầu cầu Ghềnh trong đêm xảy ra tai nạn là Trần Văn Thời, Trần Viết Hải, Nguyễn Văn Lương và Bùi Văn Thuần.

Kẹt xe trên cầu

Vài năm nữa mới có cầu riêng cho đường sắt

Ông Nguyễn Xuân Hòa - chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Quản lý đường sắt Sài Gòn cho biết hiện tỉnh Đồng Nai đã có dự án xây cầu mới cho đường bộ lưu thông và hi vọng vài năm nữa mới có cầu. Ngành đường sắt cũng đang triển khai dự án đường sắt trên cao Trảng Bom - Hòa Hưng (ga Sài Gòn) nhằm giải quyết những trở ngại qua cầu Ghềnh, cầu Đồng Nai nhỏ, ngã tư Bình Triệu, cầu Bình Lợi... “Phải mất nhiều năm nữa mới hi vọng có hệ thống cầu đường sắt vượt trên đường bộ” - ông Hòa nói.

Theo cơ quan điều tra, vụ tai nạn xảy ra khi taxi Vinasun đi hướng từ P.Bửu Hòa sang P.Quyết Thắng (TP Biên Hòa) đang phải lùi xe để năm ôtô qua cầu theo hướng ngược lại thì tàu SE2 đã chạy tới đâm vào đuôi taxi đang lùi, rồi đâm tiếp vào năm ôtô đang đi chiều ngược lại trên cầu.

Hậu quả là hai cha con ông Trần Ngọc Khải (49 tuổi, ngụ P.Tân Mai, TP Biên Hòa) và Trần Thanh Tuấn (20 tuổi) ngồi trên một ôtô tải nhỏ chết tại chỗ, 24 người khác bị thương. Cơ quan điều tra cho hay khi tàu SE2 chạy đến, các nhân viên gác chắn không ra tín hiệu chưa thông cầu nên tàu SE2 vẫn đi vào cầu.

Bước đầu cơ quan điều tra xác định các nhân viên gác chắn đường sắt ở cầu Ghềnh đã không tuân thủ quy định điều khiển đèn tín hiệu, để phương tiện ôtô lưu thông vào lòng cầu Ghềnh ở cả hai đầu cầu, gây ách tắc giao thông ở lòng cầu.

Theo ghi nhận, đến trưa 7-2, có 11 trường hợp bị sây sát nhẹ đã về nhà và có 12 người đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Một trường hợp bị chấn thương sọ não chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Chị Lê Thị Thúy Liễu (25 tuổi, ngụ Bình Phước, nạn nhân trong vụ tai nạn) cho biết chị ngồi trên ôtô chạy đến giữa cầu Ghềnh thì nghe tiếng cự cãi của tài xế, nhân viên gác chắn đang yêu cầu các ôtô trên cầu chạy tới luôn, sau đó nghe tiếng thét xe lửa đến. “Khi xe đi qua không thấy gác chắn” - chị Liễu nói.

Ông Lê Văn Nghĩa, đội trưởng đội quản lý đường sắt tại TP Biên Hòa, nói: “Nhân viên vẫn gác chắn bình thường nhưng có hai cột tín hiệu bị trục trặc kỹ thuật nên xảy ra tai nạn giao thông”. Khi chúng tôi hỏi nếu nhân viên bỏ gác chắn xuống ở hai đầu cầu làm sao có chuyện ôtô đối đầu nhau ở giữa cầu, ông Nghĩa cho biết: “Việc này thường xảy ra ở cầu Ghềnh”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ 19g19 ngày 6-2, các gác chắn ở dọc tuyến khu vực cầu Ghềnh đã nhận được điện thoại của ga Dĩ An (Bình Dương) báo xin đường. Một nhân viên ở gác chắn 18 (P.Bửu Hòa, cách nơi tai nạn khoảng 300m) khẳng định: “Trước khi tàu SE2 gây tai nạn, hầu hết các gác chắn đều nhận được tín hiệu xin đường. Trong những trường hợp như vậy nhân viên trực gác chắn phải đóng chắn, điều khiển đèn tín hiệu để các xe qua lại cầu dừng lại trước lúc tàu lửa đi qua”.

Đại tá Võ Văn Sáng - phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, phó Ban an toàn giao thông tỉnh - khẳng định: “Từ chuyện này, Đồng Nai sẽ kiến nghị xem lại việc lưu thông chung giữa đường sắt và đường bộ trên cầu Ghềnh”.

xmV8lsnJ.jpgPhóng to
Sơ đồ vị trí cầu Ghềnh tại TP Biên Hòa - Đồ họa: VĨ CƯỜNG

Ngành đường sắt nói gì?

Ông Phạm Văn Bình - trưởng Ban an toàn giao thông đường sắt (Tổng công ty Đường sắt VN) - cho biết đến 14g ngày 7-2, ngành đường sắt vẫn chưa có đánh giá về nguyên nhân vụ tai nạn do tàu SE2 tại cầu Ghềnh. “Do các nhân viên liên quan đến vụ tai nạn đều bị Công an Đồng Nai tạm giữ nên chúng tôi chưa có thông tin cụ thể, phải chờ phía công an kết luận” - ông Bình nói.

Với thông tin cho rằng trước khi đoàn tàu tới cầu Ghềnh không có nhân viên gác rào chắn hay tín hiệu cảnh báo cho người dân và phương tiện qua cầu, ông Bình cho biết chưa xác minh được.

Theo ông Bình, quy trình phối hợp thông tin giữa các điểm gác rào chắn đường sắt là trước khi tàu đến, nhà ga sẽ báo cho nhân viên gác chắn biết và người gác chắn có trách nhiệm đóng rào chắn, yêu cầu các phương tiện đường bộ dừng lại để tàu thông qua.

Nếu đường ùn tắc hay có gì bất thường phải thông báo để trực ban chạy tàu thông tin cho tàu dừng tránh. Ông Bình khẳng định nếu cơ quan công an kết luận nhân viên gác chắn bỏ ca hay vi phạm quy trình dẫn tới tai nạn sẽ bị xử lý theo pháp luật, thậm chí truy tố.

Ông Bình cũng nói cầu Ghềnh được sử dụng chung cả đường sắt lẫn đường bộ nên có nhiều hạn chế, dễ gây tai nạn giao thông. Ngoài cầu Ghềnh, trên tuyến đường sắt Thống Nhất còn có cầu Tháp Chàm phục vụ cả đường sắt lẫn đường bộ.

Trên tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng có cầu Phú Lương (Hải Dương) và cầu Tam Bạc (Hải Phòng), tuyến Hà Nội - Lào Cai có cầu Phố Lu. Phần lớn các cầu này đều xây từ thời Pháp thuộc, cách đây hơn 100 năm.

Ngành đường sắt đã nhiều lần kiến nghị tách phương tiện đường bộ ra khỏi cầu nhưng do không có kinh phí nên chưa thực hiện được. Dù luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trên những cây cầu chung với đường bộ, nhưng theo ông Bình, từ trước tới nay chưa xảy ra vụ tai nạn nào nghiêm trọng như ở cầu Ghềnh.

N.ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên