18/01/2011 07:19 GMT+7

Hôm nay bầu Tổng bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

X.TR. - K.HƯNG - Q.THANH
X.TR. - K.HƯNG - Q.THANH

TT - Sáng nay 18-1, Đại hội XI nghe công bố kết quả kiểm phiếu bầu chấp hành trung ương khóa XI. Ngay sau đó, các đại biểu được phát phiếu lấy ý kiến giới thiệu nhân sự tổng bí thư trong số các ủy viên trung ương mới trúng cử.

* Sáng nay công bố kết quả bầu ủy viên trung ương chính thức và dự khuyết

Xem bản tin tiếng Anh

22vkGFzn.jpgPhóng to
Các đại biểu bỏ phiếu chiều 17-1 - Ảnh: V.Dũng

Buổi chiều, Ban chấp hành Trung ương khóa mới sẽ họp phiên đầu tiên để bầu Tổng bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra trung ương và chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương.

Chiều 17-1, đại hội đã bỏ phiếu bầu Ban chấp hành Trung ương khóa XI. Sau khi các đại biểu bỏ phiếu bầu xong, ban kiểm phiếu do ông Trịnh Long Biên (phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương) làm trưởng ban đã tiến hành kiểm phiếu luôn trong buổi tối để hôm nay (18-1) công bố kết quả trước đại hội.

Đáng chú ý trong danh sách ứng cử viên có khá nhiều người được các đại biểu đề cử trực tiếp tại đại hội. Trong số đó có một số gương mặt mới như các ông Nguyễn Thế Kỷ (phó trưởng Ban Tuyên giáo trung ương), Vũ Tiến Lộc (chủ tịch Phòng Thương mại - công nghiệp VN), Nguyễn Thanh Nghị (hiệu phó Đại học Kiến trúc TP.HCM), Nguyễn Xuân Anh (bí thư Quận ủy Liên Chiểu, Đà Nẵng)...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Nên - bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh - cho rằng: “Đề cử thêm tại đại hội là chuyện bình thường. Trong số những người được đề cử, theo tôi có một số người sẽ được lựa chọn. Tôi hi vọng đạt tỉ lệ trẻ trong cơ cấu trung ương khóa mới”.

Đại biểu Trần Văn Tiệp (bí thư Huyện ủy Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) nói: “Tôi đã bỏ phiếu bầu cho những người trẻ tuổi, học hành chính quy, từng làm quản lý. Tôi nghĩ đất nước đang phát triển rất cần người tài giỏi”.

Trong khi đó, đại biểu Phùng Đình Thiệu (trưởng Ban dân vận Tỉnh ủy Thái Nguyên) cho biết ngoài danh sách do trung ương đề cử, đoàn Thái Nguyên giới thiệu thêm một số ủy viên trung ương khóa trước gồm những người có kinh nghiệm và các giáo sư đầu ngành. Theo ông Thiệu, việc trung ương đưa vào danh sách một người tự ứng cử (trường hợp ông Nguyễn Xuân Kiên) cũng là sự đổi mới trong công tác nhân sự tại đại hội này. Ông Thiệu cho rằng danh sách mà trung ương khóa X chuẩn bị rất kỹ.

Ông Thiệu nói: “Tôi tôn trọng danh sách do trung ương khóa X chuẩn bị nên ưu tiên của tôi là lựa chọn những người khóa X tái cử. Thứ hai là ưu tiên những bí thư cấp ủy chưa tham gia trung ương khóa X. Thứ ba là lựa chọn những người trẻ, nữ và dân tộc thiểu số. Tất nhiên, những trường hợp đó phải đáp ứng được những tiêu chuẩn cơ bản mà đại hội đã đề ra”.

Tổng hợp số liệu ứng cử, đề cử Ban chấp hành Trung ương khóa XI

Đại hội đã đề cử thêm rất nhiều ứng cử viên. Sau khi nhiều người được đề cử xin rút tên, đoàn chủ tịch đại hội đã chốt lại hai danh sách ứng cử viên. Danh sách thứ nhất gồm 218 người để bầu 175 ủy viên trung ương chính thức (số dư 24,57%), trong đó 186 người do khóa X giới thiệu và 32 người được đại biểu đề cử. Danh sách thứ hai gồm 61 người để bầu 25 ủy viên dự khuyết (số dư 144%), trong đó 28 người do khóa X giới thiệu và 33 người được đề cử.

<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Ủy viên chính thức

Ủy viêndự khuyết

Tổng cộng

Số lượng do trung ương khóa X giới thiệu

186

28

214

Số lượng do đại biểu đề cửđược đưa vào danh sách bầu

32

33

65

Số lượng để bầu

218

61

279

Số lượng cần bầu

175

25

200

GNWTZ8r0.jpgPhóng to
Ông Phạm Song

Ông Phạm Song (chủ tịch Tổng hội Y học VN):

Trước khi Đại hội VII (năm 1991) diễn ra, tôi chưa nằm trong danh sách được ban chấp hành khóa trước giới thiệu, nhưng tại đại hội đã có đoàn đại biểu đề cử tôi và đoàn chủ tịch đại hội đã đưa tôi vào danh sách bầu. Kết quả là tôi đã đạt đủ số phiếu để tham gia Ban chấp hành Trung ương khóa VII.

Tôi nghĩ việc tôi là người đầu tiên được đề cử tại đại hội và trúng cử, đồng thời là lãnh đạo ngành y tế đầu tiên tham gia Ban chấp hành Trung ương là nhờ không khí đổi mới. Lúc đó những vấn đề dân sinh như giáo dục, y tế được chú ý hơn. Cùng thời điểm tôi được bầu, anh Trần Hồng Quân, bộ trưởng Bộ Đại học (sau này sáp nhập thành Bộ Giáo dục - đào tạo) có trong danh sách được Ban chấp hành Trung ương khóa trước giới thiệu, nhưng không phải là đại biểu dự đại hội cũng được bầu vào Ban chấp hành Trung ương. Sau tôi còn một số người khác nữa, như ông Đỗ Nguyên Phương - cố bộ trưởng Bộ Y tế, trưởng Ban Khoa giáo trung ương - cũng được đề cử tại đại hội.

Tôi rất mong ban chấp hành khóa mới có những người trẻ tuổi, có năng lực, có đức, có tài. Hiện ở Tổng hội Y học, tôi được làm với rất nhiều người trẻ, chỉ 28-30 tuổi nhưng rất giỏi.

LAN ANH ghi

0M71bPsy.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Phú Bình

Ông Nguyễn Phú Bình (đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản):

Bên hành lang Đại hội XI chiều 17-1, Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện cùng đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, người tự ứng cử tại Đại hội Đảng khóa X.

* Một trong những điểm mới của công tác nhân sự tại đại hội lần này là ngoài danh sách giới thiệu của Trung ương khóa X, số lượng người được đề cử thêm tại đại hội khá nhiều. Ông thấy sao?

- Ứng cử và đề cử là quyền của đại biểu dự đại hội. Hơn nữa, danh sách do Ban chấp hành Trung ương khóa X chuẩn bị cũng chỉ mang tính giới thiệu. Bỏ phiếu là quyền tự do, dân chủ của đại biểu, chúng tôi có thể chọn những người trong danh sách đề cử chứ không phải trung ương giới thiệu.

* Ông bỏ phiếu bầu cho những ứng viên như thế nào?

- Tôi quan tâm đến ứng viên trẻ, dân tộc thiểu số, phụ nữ, các ngành kinh tế.

* Ông có nhận xét gì về chất lượng các ứng cử viên?

- Tôi thấy trình độ học vấn tốt hơn, kể cả ngoại ngữ. Đó là những điều mới. Bây giờ trình độ dân trí cao rồi thì những người vào trung ương cũng cần có chuẩn chất cao hơn.

* Trong báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương khóa X có nội dung đề cập một số vấn đề liên quan đến công tác nhân sự, ví dụ như “chưa xây dựng được quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt Đảng, Nhà nước khóa XI”. Về điều này, ông nghĩ sao?

- Ngay cả khi chúng ta thành công đến mấy thì cũng không bao giờ hết được khuyết điểm. Thấy được khuyết điểm thì khắc phục thôi, vì chắc là đến đại hội sau thì một số khuyết điểm từ đại hội lần này sẽ vẫn còn tồn tại, không hết được đâu. Vấn đề là càng ngày mặt mạnh nhiều lên, mặt yếu giảm đi thôi.

* Ông từng tự ứng cử tại Đại hội X, vậy ông nghĩ gì khi đại hội lần này không có trường hợp nào tự ứng cử tại đại hội (có một trường hợp tự ứng cử nhưng không phải là đại biểu dự đại hội)?

- Tôi cũng muốn xu hướng tự ứng cử nhiều lên. Ở ta có lẽ do nhận thức hoặc do chưa quen, tôi nghĩ sau này số lượng (tự ứng cử) sẽ nhiều. Thế nhưng đó là mong muốn chủ quan của mình, còn tùy mỗi người suy nghĩ thế nào, vì tôi nghĩ để tạo ra nếp ấy phải có quá trình chứ không thể ngay một lúc.

X.TR. - K.HƯNG - Q.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên