29/08/2010 07:36 GMT+7

Ông Uẩn đi tìm công lý

NGUYỄN CÔNG UẨN
NGUYỄN CÔNG UẨN

TT - Ông buông bát cơm nguội, ra mở cổng. “Cửa nhà tôi lúc nào cũng phải đóng cẩn thận. Nhiều bà con thương tôi nhưng cũng lắm người ghét tôi. Có kẻ đã đòi giết tôi đấy” - ông tâm sự về chiếc cổng phải cài then, cất mâm cơm chỉ có bát cà muối và chén nước mắm.

BEXJjPpz.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Công Uẩn - Ảnh: Q.Việt

Tôi ngồi lặng nhìn ông già hom hem 70 tuổi, một mắt kèm nhèm mà khó tin đó chính là người đã suốt bao năm đấu tranh cho làng quê như một vị “Bao Công” ở làng...

Mở đầu câu chuyện, ông Nguyễn Công Uẩn lặng lẽ lần giở lại từng trang đơn thư, tài liệu, chứng cứ đi tìm sự thật của mình. Đống giấy tờ chất cao gần cả mét loáng thoáng có những dấu ngón tay điểm chỉ màu đỏ bầm. Tôi hỏi mãi, ông mới chịu trả lời: “Máu tôi đấy. Đó là những lúc tôi tưởng không thể tìm được công lý”.

Khuất tất sau lũy tre làng

"Tôi chỉ là một công dân nhỏ bé ở làng quê, và tôi chỉ cố làm tròn trách nhiệm công dân bình thường đối với đất nước"

Rồi ông vui vẻ cho tôi xem thư Văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng mời vinh danh những người có thành tích phòng chống tham nhũng, trong đó có tên ông. Hôm tham dự lễ vinh danh này ở Đà Nẵng, có người đã hỏi ông: “Thế bác có sợ không?”. Ông chỉ trả lời bằng chính câu hỏi ngược lại: “Sợ hãi phải thu mình lại thì được gì? Mà không sợ hãi để đấu tranh thì mất gì?”.

Câu chuyện đi tìm lẽ phải của người nông dân già ở thôn Bùi Xá, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh cũng bắt đầu từ chính những hạt lúa ướt đẫm mồ hôi. Ông kể có một thời gian nhiều nông dân ở quê mình nhận cấy ruộng thầu trên phần đất công ích của xã đã phải đóng các khoản thuế, phí lên đến 50% lượng thóc họ nhọc nhằn canh tác được.

Trung bình mỗi sào ruộng ở đồng quê này chỉ thu hoạch được 1,5 tạ thóc, thôn đã thu ngay 70 cân thóc. Sau khi trừ chi phí đầu tư canh tác, công sức lao động bỏ ra, nông dân gần như trắng tay sau bao tháng lầm lũi đổ mồ hôi trên đồng. Và đặc biệt với những vụ mùa thất bát, người làm ruộng còn đâm ra nợ nần. Nhưng họ vẫn phải cắn răng chịu đựng để tiếp tục làm, vì ở đồng quê mà không làm ruộng thì còn biết làm gì!

Ông Uẩn rất bức xúc khi biết chuyện thuế, phí trên đôi vai nông dân quá nặng nề này. Tìm gặp trưởng thôn, ông nói thẳng: “Các anh thu như thế thì làm sao nông dân còn gạo ăn?”. Sự việc không được giải quyết, ông về nhà thức suốt đêm để viết đơn khiếu nại gửi lên xã, rồi lên huyện, tỉnh để tìm lại sự công bằng cho người cày ruộng.

Sau chuyện này, ông nông dân hom hem, già yếu, mù một mắt Nguyễn Công Uẩn bị một số người khó chịu, nhưng lại được nhiều người dân tin tưởng. Có nỗi niềm bức xúc hoặc khó khăn gì họ đều tâm sự với ông. Và nhiều đêm ông mất ngủ khi nghe những câu chuyện có vị mặn của mồ hôi, nước mắt nông dân.

Cũng chính gần gũi với những bức xúc thực tế đó, ông Uẩn tiếp tục phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng khác ở địa phương. Việc buông lỏng quản lý của UBND xã Ngũ Thái đã để ban quản lý các thôn tùy tiện sử dụng, giao đất ở, đất cho thuê hàng ngàn mét vuông không đúng với quy định pháp luật. Đồng thời việc quản lý thu, chi tài chính cũng có nhiều sai phạm ở cả cấp thôn lẫn xã.

Đặc biệt, năm 2005, ban quản lý thôn Liễu Ngạn và UBND xã Ngũ Thái còn tạo lập một hồ sơ xây dựng đường giao thông nông thôn với tổng giá trị 978.510.000 đồng và xin ngân sách tỉnh hỗ trợ công trình 100 triệu đồng. Nhưng thực tế, trong năm này ban quản lý thôn Liễu Ngạn chỉ thi công 10 ngõ xóm với tổng giá trị 197.483.400 đồng.

rzG1MdNh.jpgPhóng to
Ông Uẩn được Văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng khen thưởng vào cuối năm 2009

“Cuộc chiến” của ông nông dân già

Thấy ông phanh phui những vấn đề phức tạp liên quan đến các đối tượng có quyền thế trực tiếp ở thôn xã, bạn bè khuyên: “Thôi, châu chấu đá xe làm chi bác ạ. Không chừng có ngày xe đè chết mình đấy”. Ông chỉ cảm ơn, nhưng không lắc cũng không gật. Tính ông không làm thì thôi, nhưng đã xác định được điều mình làm là đúng, có ích cho bà con xóm giềng thì ông quyết làm đến cùng. Sau này có dịp ngồi lại với họ, ông mới ưu tư nói: “Làng quê mình thuần nông, đất chật, người đông. Trai tráng không đủ việc làm phải phiêu bạt tứ xứ kiếm kế sinh nhai. Những sai phạm này đều liên quan đến miếng cơm manh áo của bà con mình”.

Đầu năm 2010, Tòa án Bắc Ninh đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án tham ô tài sản và tuyên Nguyễn Văn Sự 4 năm tù giam, Nguyễn Văn Tráng 3 năm tù treo. Trước đó, UBND huyện Thuận Thành đã ra quyết định kiểm điểm và xử lý kỷ luật, cách chức một số cán bộ xã Ngũ Thái và các ban quản lý thôn Bùi Xá, Liễu Ngạn, trong đó có chủ tịch UBND xã Lê Xuân Hào về các sai phạm trong quản lý đất đai, xây dựng giao thông và thu chi tài chính...

Nhiều tháng ròng, ông Uẩn lặng lẽ thu thập chứng cứ để khiếu tố chính xác. Nhiều khi ông ở vai nông dân chất phác, tò mò chuyện địa phương. Có lần ông lại như người chuẩn bị đóng góp để tiếp cận chứng từ thu, chi.

Sau này việc khiếu tố đã được tiến hành công khai, ông còn lật bài ngửa để tiếp cận chứng cứ: “Nhân dân đã cho tôi chứng cứ sai phạm của các anh rồi. Nhưng tôi muốn kiểm tra lại từ các anh xem có chính xác, oan sai gì không. Nếu không, tôi sẽ sử dụng chứng cứ của tôi”.

Để có chi phí đi lại, thu thập chứng cứ, ông Uẩn cặm cụi nuôi chim bồ câu. Chúng kịp lớn, ông phải bán đi lấy vài chục ngàn đồng photocopy tài liệu, mua tem thư bưu điện. Mùa bệnh dịch, ông cũng chẳng bán được bao nhiêu đồng. Để hành trình tìm công lý không bị trở ngại, ông sống cực kỳ tiết kiệm.

Mỗi ngày ông chỉ nấu cơm một lần và thức ăn chính thường chỉ là hũ cà muối nên người ông càng ngày càng quắt queo hơn. Bà con ái ngại, xót ông nhưng ông chỉ cười trả lời: “Ăn vậy quen rồi, cũng thấy ngon miệng. Mà ăn nhiều, mập mạp, nặng nề quá làm chi để đi lại vất vả tốn thêm tiền tàu xe”. Hành trình khiếu nại, tố cáo của ông thường rất xa, ở mãi TP Bắc Ninh, thậm chí lên đến tận Hà Nội. Nhưng ông đều lóc cóc tự đạp xe đến nơi. Đó là chiếc xe đạp nhìn cũ kỹ, mục nát đến mức ông cứ để đại vệ đường mà chẳng ai thèm lấy, thi thoảng chỉ có bà đồng nát nhìn thấy lại hỏi mua.

Những lần phải đạp xe lên Hà Nội gửi đơn thư, ông dậy rất sớm để nấu cơm nắm mang theo cùng chai nước. Quá trình khiếu tố được ông làm tỉ mỉ, cẩn thận đến mức một công an điều tra Bắc Ninh nửa thật nửa đùa: “Bác làm nghiệp vụ y như bọn cháu”. “Không cẩn thận thế sao được? Mỗi dòng chữ khiếu nại, tố cáo của tôi đều liên quan đến sinh mệnh chính trị, số phận cuộc đời con người. Tôi gần đất xa trời rồi, nhỡ gây oan sai cho ai thì làm sao nhắm mắt được” - ông trầm ngâm trả lời.

71f8luQx.jpgPhóng to

Ông Nguyễn Công Uẩn với những tài liệu để đấu tranh đòi công bằng cho bà con chòm xóm - Ảnh: Quốc Việt

Đêm buồn và ngày của công lý

Từ tố cáo của ông, tỉnh Bắc Ninh và huyện Thuận Thành cử thanh tra về xã làm việc. Ông rất vui khi nhiều sai phạm bị lôi ra ánh sáng. Còn những vấn đề chưa được sáng tỏ, ông lại tiếp tục quyết liệt làm đơn khiếu tố lên cấp cao hơn. Đối tượng sai phạm bị ông tố cáo chính xác năn nỉ thỏa hiệp với ông. Bị ông từ chối thẳng, họ quay lại đe dọa lấy “một mắt còn lại của thằng già chột để hết thọc mạch chuyện người khác”.

Tối 24 tháng chạp Mậu Tý, ông đang ở nhà một mình thì trưởng thôn Nguyễn Văn Sự - người bị ông tố cáo sai phạm quản lý đất đai, tài chính - xông vào nhà ông. Sự chửi bới, kẹp cổ lôi xềnh xệch ông già ra sân, rồi vật ông ngã xuống, máu me đầm đìa mặt. Sau đó Sự còn đè ông xuống để tiếp tục đánh. Vừa đánh Sự vừa hăm sẽ giết ông. Cố vùng thoát được, ông bỏ chạy ra đồng. Sự điên cuồng lao theo nhưng đêm tối nên không tìm thấy ông.

Mãi đến nửa đêm ông Uẩn mới lẻn về nhà, dắt chiếc xe đạp đi trốn. Thật lòng ông không sợ chết nhưng vì cuộc đấu tranh của ông chưa đến cùng nên ông không thể dừng lại ở đây. Trời khuya, đường quê không điện, ông chỉ còn một mắt kèm nhèm nên phải thất thểu dắt xe đi bộ. Đến khi tới được nhà bạn lánh nạn thì trời đã gần sáng. Ông đói, mệt lả đi vì hồi tối chưa kịp ăn cơm thì Sự đã xông vào. Cả tết năm đó ông không về nhà...

Hôm tòa xét xử vụ án, ông Uẩn bị con trai Sự phun nước miếng, nhưng nhiều người dân địa phương lại đến bắt tay ông và chân tình nói: “Khi nào ông chết, chúng tôi sẽ xây đền thờ”. Vừa rồi, được Văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng vinh danh, ông tâm sự: “Tôi chỉ là một công dân nhỏ bé ở làng quê, và tôi chỉ cố làm tròn trách nhiệm công dân bình thường đối với đất nước”.

NGUYỄN CÔNG UẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên