11/06/2010 07:30 GMT+7

Dân đu dây qua sông, "ông" giao thông không biết

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng

TT - "Riêng cầu trên sông Pô Kô thì đúng là địa phương không đề cập. Khi sự việc được báo nêu, chúng tôi hỏi Sở Giao thông vận tải thì các đồng chí cũng chưa biết, chưa nắm được chuyện này”, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng nói.

Hôm qua (10-6), đăng đàn trong phiên chất vấn đầu tiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh bình tĩnh trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đến nhiều vấn đề “nóng” của nền kinh tế, song không ít lần bị Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhắc vì trả lời quá dài. Và Chủ tịch Quốc hội cũng nhắc: “Nhiều cái chúng ta chờ đến tết này xem sao” sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng hứa nhiều việc “đến tết này” sẽ xong.

Đu mình trên dây thép để qua sông đến trường Thêm "sáng kiến" vượt sông Pô Kô dựng tóc gáy!Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: “Chúng ta sử dụng nợ công hiệu quả”Phiên chất vấn buổi chiều: vấn đề nào cũng nóng

AGqfA8D3.jpgPhóng to
Ông Trần Khắc Chín và em Trần Khắc Trường (xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi, Komtum) đến trường bằng dây cáp treo - Ảnh: Trần Thảo Nhi
A62gXfWw.jpgPhóng to

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng

"Quốc lộ 1A từ Cần Thơ đến Cà Mau đã nâng đúng cấp 3 đồng bằng và đi lại rất thuận tiện, thoải mái, nhân dân ở vùng đó đều xác nhận như vậy. Tuy nhiên các dự án cầu thì có chậm... Anh em có hứa tết này là cơ bản thông tuyến"

Hôm nay (11-6), Quốc hội dành cả buổi sáng để chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát. Buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Hoàng Tuấn Anh đăng đàn trả lời.

Sáng tạo không ngờ tới

“Cử tri và đồng bào cả nước rất xúc động trước hình ảnh đồng bào một số địa phương ở Kon Tum đu dây cáp để vượt sông Pô Kô. Tôi xin hỏi bộ trưởng là những ai phải chịu trách nhiệm việc chậm khắc phục hậu quả cơn bão số 9 cuối năm ngoái để xảy ra như thế? Từ khi báo chí nêu thì bộ trưởng đã cử người đi kiểm tra chưa và sẽ áp dụng các biện pháp thế nào để khắc phục tình trạng này?” - GS Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) chất vấn vào buổi sáng 10-6.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng trả lời: “Các cây cầu bị cuốn trôi thì đã làm cầu phao nhanh, cầu tạm rất nhanh, nhanh đến mức mà các đồng chí ở địa phương tổ chức ăn mừng. Bây giờ đang chuẩn bị các dự án làm cầu kiên cố. Riêng cầu trên sông Pô Kô thì đúng là địa phương không đề cập. Khi sự việc được báo nêu, chúng tôi hỏi Sở Giao thông vận tải thì các đồng chí cũng chưa biết, chưa nắm được chuyện này”.

Mời bộ trưởng cùng đi thực tế

Đã từng “kêu” về tiến độ các dự án giao thông quan trọng tại đồng bằng sông Cửu Long ở những kỳ họp trước, lần này đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) tiếp tục hỏi: “Dự án Nam Sông Hậu lẽ ra năm 2008 phải hoàn thành nhưng đến nay rất chậm, dân sống trong cảnh nắng bụi mưa bùn. Trước đây bộ trưởng nói là do địa phương giải phóng mặt bằng chậm, đến nay địa phương đã giải phóng mặt bằng rồi nhưng thi công rất chậm. Xin hỏi bộ trưởng đến khi nào thì xong?”.

Bộ trưởng Dũng đáp: “Tuyến Nam Sông Hậu cơ bản có thể thông tuyến được, tôi đi kiểm tra thì chỉ còn một số cầu ở Sóc Trăng đang tiếp tục giải phóng mặt bằng. Chương trình là năm nay phải xong toàn tuyến. Còn có một số điểm như phản ảnh của đại biểu là đúng. Chúng tôi xin ghi nhận, tiếp tục chỉ đạo để hoàn thành”.

Không đồng tình, đại biểu Hoa Ry truy tiếp: “Việc thông tuyến đường Nam Sông Hậu là bộ trưởng nghe báo cáo hay bộ trưởng đi thực địa? Bộ trưởng nói là cơ bản đã thông xe được, nhưng không biết là xe bốn bánh hay hai bánh? Nếu bộ trưởng có thời gian, tôi sẵn sàng đi cùng với bộ trưởng để chứng minh vấn đề tôi nói, tôi không bịa đặt tí nào cả”.

Ông Dũng trả lời: “Tôi đã đi trực tiếp trên các tỉnh có tuyến Nam Sông Hậu. Chúng tôi đi từ Cần Thơ đến Sóc Trăng bằng xe bốn bánh chứ không đi xe hai bánh trên tuyến dài này. Và tôi cũng thấy nó chưa hoàn thiện, nhưng trong chương trình thì chúng tôi sẽ cố gắng thông xe trong năm nay”.

EvxWSk27.jpgPhóng to

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu)

"Con đường đó không được như bộ trưởng báo cáo như vậy đâu. Tôi rất mong bộ trưởng quan tâm để tôi không phải chất vấn bộ trưởng tại diễn đàn Quốc hội lần nữa"

Bức xúc... Vinashin

Xung quanh chuyện Vinashin đầu tư con tàu Hoa Sen hơn 1.000 tỉ đồng nhưng chỉ chạy được một vài lần rồi “đắp chiếu”, đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) cho rằng so sánh hơi khập khiễng nhưng số tiền đó đem làm đường giao thông nông thôn theo cách Nhà nước và nhân dân cùng làm thì phải được... 20.000km, nên “dân nghe đến con số 1.000 hay 500 tỉ dân chua xót lắm”.

Bộ trưởng Dũng nói Vinashin quyết định đầu tư là có sự hợp lý. Tuy nhiên, khi Vinashin mua tàu gặp thời điểm khó khăn, suy thoái kinh tế, nhu cầu vận tải giảm rất nhiều. Doanh nghiệp lại chưa tính hết sự kết nối các phương thức vận tải... “Đây là một doanh nghiệp và phương án đầu tư do hội đồng quản trị quyết định, họ chịu trách nhiệm trước phương án đầu tư của mình” - ông Dũng nói.

Tuy nhiên, đại biểu Lê Quốc Dung (Thái Bình) cho biết có thông tin nói rằng “tàu Hoa Sen chạy một chuyến rồi hỏng chứ không hẳn là hiệu quả kém”. Ông Dung cũng bày tỏ bức xúc trước tình trạng tập đoàn này được đầu tư vốn rất lớn mà làm ăn dàn trải, không hiệu quả, nợ đầm đìa.

Các đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre), Chu Sơn Hà (Hà Nội) chất vấn việc tại sao cầu vượt đường sắt đường Láng - Hòa Lạc lại chọn phương án làm cầu chui tốn kém, thay vì làm cầu vượt. Bộ trưởng Dũng cho biết đó là sự lựa chọn phương án kỹ thuật, mỹ thuật vì giữa thành phố làm cầu vượt không đảm bảo mỹ quan.

Đại biểu Phong phản đối: “Bộ trưởng nói vậy thì không thuyết phục được nhân dân vì nhiều nơi trên thế giới người ta làm cầu vượt nhưng vẫn đảm bảo mỹ quan”. Đại biểu Hà đặt nghi vấn: “Đi qua cầu chui thì vào khu du lịch sinh thái Thiên Đường Bảo Sơn tiện hơn, đẹp cho khu này hơn, liệu có đồng chí nào có cổ phần ở đó không?”. Bộ trưởng Dũng quả quyết: “Chúng tôi không có động cơ gì. Còn trong hàng ngũ chúng tôi có ai có động cơ đó, nếu có thông tin chúng tôi sẽ xử lý”.

Bộ Tài chính không duyệt lương cho tập đoàn

FRIXGu4q.jpgPhóng to

"Với tư cách bộ trưởng, tôi không giấu nợ làm gì. Giấu mà sau này vỡ nợ thì tôi là người chịu trách nhiệm đầu tiên"

Là người chất vấn đầu tiên, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) hỏi về vấn đề lương thưởng cao ở Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) - nơi ông Ninh kiêm vị trí chủ tịch hội đồng quản trị. Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết trong kết quả kiểm toán SCIC có nhầm lẫn khiến dư luận hiểu lầm.

Cụ thể, có khoản không phải tiền lương nhưng đã được cộng vào như: tiền làm thêm giờ, tiền đồng phục, tiền ăn trưa... Tiền thưởng, theo ông Ninh, cũng không thuộc đơn giá tiền lương vì sau khi đã làm xong nghĩa vụ với ngân sách, việc trích thưởng của doanh nghiệp là được phép tùy kết quả kinh doanh.

Đặc biệt, với tiền điện thoại, ông Ninh lấy ví dụ: “Trước tôi gọi hết bao nhiêu tiền, cơ quan trả. Nay khoán, tôi được 600.000 đồng/tháng, gọi quá tôi phải tự bỏ tiền trả. Khoán như thế là để tiết kiệm, nhưng cũng được tính cả vào tiền lương là không hợp lý”... Ông Ninh khẳng định tiền lương và thu nhập ở SCIC theo đúng các quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, ông công nhận có vi phạm ở SCIC là để cán bộ công nhân làm thêm giờ quá nhiều (trên 200 giờ) rồi thanh toán tiền là chưa đúng, sẽ chấn chỉnh...

Chưa đồng tình, ông Thuyết chất vấn tiếp về tính hợp lý của lương SCIC và các tập đoàn nhà nước nói chung. Theo ông Thuyết, không phải lương bao nhiêu, theo quy định nào mà căn cứ có hợp lý không, thực hiện có nghiêm không. Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định Bộ Tài chính không phải cơ quan duyệt lương cho các tổng công ty, tập đoàn.

Về tính hợp lý của lương các tập đoàn, ông Ninh cho biết việc này đã được giao cho Bộ Lao động - thương binh và xã hội xem xét. Đại biểu Thuyết đề nghị Chủ tịch Quốc hội cho tổng kiểm toán phát biểu những vấn đề ông Ninh nói nhưng tổng kiểm toán đã không được yêu cầu phát biểu.

Thuốc bị làm giá từ bên ngoài

KCuqf1t6.jpgPhóng to

"Nợ Chính phủ từ năm 2007 đến nay tăng rất nhanh. Nợ công nếu gồm cả nợ Chính phủ bảo lãnh, như nợ cho Vinashin, trái phiếu đô thị... thì lớn hơn con số bộ trưởng công bố nhiều"

Nêu bức xúc dư luận về giá cả, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) hỏi: “Vì sao xăng dầu tăng giá nhanh với mức cao, giảm thì rất chậm và mức thấp? Giá thuốc chữa bệnh bị làm giá nhẫn tâm, giá cao hơn giá thực 4-5 lần, hiện có phải bị bỏ qua?”. Ông Ninh công nhận có nhiều doanh nghiệp thép, ximăng chưa đăng ký, niêm yết giá.

Ông Ninh cho rằng UBND các địa phương cũng phải có trách nhiệm kiểm tra vì “họ đăng ký giá với địa phương chứ không phải với bộ”. Về mức phạt, ông Ninh băn khoăn: “Chúng tôi cũng thấy mức phạt nhẹ. Khung phạt trong pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính như vậy nên phải theo”.

Với giá thuốc chữa bệnh, Bộ trưởng Ninh cho biết có tình trạng giá thuốc bị gian lận ngay từ khâu nhập khẩu. “Đối tác bên ngoài đã làm giá với nhau rồi. Chúng tôi đang phối hợp kiểm tra từ khâu nhập khẩu”.

Dù sau đó được mời trả lời nhưng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cũng không đưa ra những giải pháp cụ thể mà chỉ nói: “Giá thuốc bốn tháng đầu năm 2010 so với năm 2009 chỉ tăng 3,1%, trong khi mười mặt hàng thiết yếu khác tăng 8,6%. Trong 22.000 loại thuốc, đúng là có thứ thuốc tăng dữ dội. Cử tri bức xúc vì có biệt dược tăng 200-300%. Điều này là có thật. Bộ Y tế, Tài chính, Công thương đã ban hành thông tư điều chỉnh, thanh tra liên ngành cũng kiểm tra và tăng cường quản lý. Giải pháp đã được Ủy ban về các vấn đề xã hội cùng Bộ Y tế tính toán đưa ra, rất tích cực...”.

Với giá xăng tăng nhanh và giảm chậm, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh giải trình do ổn định vĩ mô, đầu năm đáng ra giá phải tăng không chỉ 2 lần nhưng Nhà nước đã không cho tăng nên khi giá thế giới giảm, giá trong nước không giảm ngay. Vừa qua, giá thế giới giảm tiếp thì giá trong nước đã giảm. Ông Ninh nói: “Chúng tôi luôn kiểm soát chặt chẽ, luôn luôn đứng về lợi ích người tiêu dùng chứ không phải bao che, chỉ đứng về phía doanh nghiệp”.

Ông Lương Lâm (Q.6, TP.HCM):

Tiền nào cũng của dân

Tôi theo dõi phần trả lời chất vấn của bộ trưởng Bộ Tài chính mà thấy không an tâm. Kinh tế chúng ta có phát triển nhưng chúng ta đi vay nợ ngày càng nhiều, thiếu nợ năm sau cao hơn năm trước và nhiều người cảnh báo đã tiến sát đến ngưỡng báo động rồi. Đành rằng cần phải vay để đầu tư những dự án lớn, nhưng đừng làm lớn quá, mạnh quá. Cái gì chắc ăn thì hãy làm. Chúng ta đã thấy nhiều bài học rồi, vay tiền làm công trình rồi tiền mất giá, công trình làm vừa nghiệm thu xong thì hư hỏng, kết quả là công trình xài không được mà nợ thì không thể không trả. Và cũng nên nhớ, dù đầu tư bằng vốn ngân sách hay đi vay thì cũng phải làm cho hiệu quả, vì tiền nào cũng do dân đóng góp, nợ nào cũng do dân trả.

Ông Trần Thanh Nam (Q.Gò Vấp, TP.HCM):

Nghe mà lo!

Nói thật tôi không yên tâm với nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng. Ngay khi trả lời câu hỏi của đại biểu Vũ Hồng Anh (Hà Nội) và đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) về công tác quản lý dự án và chất lượng công trình giao thông, bộ trưởng đã rất thành thật khi chỉ ra nguyên nhân yếu kém của tất cả các khâu, từ khảo sát thiết kế đến nhà thầu thi công, tư vấn giám sát. Nghĩa là khâu nào cũng có yếu kém. Những dự án hàng chục, hàng trăm hay cao nhất là hàng tỉ USD mà như vậy, thử hỏi làm sao yên tâm cho được nếu nghĩ đến siêu dự án đường sắt cao tốc hơn 56 tỉ USD sắp tới.

Cũng như chuyện con tàu Hoa Sen, bộ trưởng khẳng định việc mua con tàu là phù hợp quy hoạch nhưng rốt cuộc thì sao? Rốt cuộc là chẳng tìm đâu ra khách, chở ôtô cũng không có xe để chở. Cái này bộ trưởng lý giải là do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, của việc không kết nối được các phương thức vận tải.

Riêng chuyện đua xe, cả Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng lẫn Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh đã trả lời. Nhưng xin mời hai vị bộ trưởng vào TP.HCM và thử dạo một vòng bằng xe máy về đêm thì sẽ biết giải pháp của các vị được thực thi như thế nào!

________________________________________

“Tôi tiếc thời gian của Quốc hội”

* Ông có nhận xét gì về phần trả lời của hai bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng và Vũ Văn Ninh?

- Hai vị đều trả lời tốt. Tôi cho rằng Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng trả lời khá ngắn gọn, giải trình cụ thể, nhận trách nhiệm rõ ràng và có xin tiếp thu. Về phía Bộ trưởng Vũ Văn Ninh thì còn hơi dài dòng.

* Vì sao ông đăng ký tái chất vấn Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nhưng lại không yêu cầu trả lời trực tiếp?

- Tôi tiếc thời gian của Quốc hội. Nếu làm cho rõ tại hội trường thì mất thời gian lắm! Không muốn mất thời gian của đại biểu khác nên tôi yêu cầu trả lời bằng văn bản để sau này căn cứ vào đó chất vấn tiếp.

* Ông có nghĩ nên cải tiến việc chất vấn ở Quốc hội hơn nữa?

- Lâu nay Quốc hội đã có nhiều cải tiến trong hoạt động chất vấn, nhưng tôi cho rằng cách trả lời như vậy chưa đạt như mong muốn của đại biểu. Tôi đề nghị không nên quá o ép về mặt thời gian. Dự kiến mỗi kỳ họp có 4-6 thành viên Chính phủ trả lời chất vấn, nhưng nếu thấy bộ trưởng nào còn nhiều nội dung thì nên để đại biểu đối thoại tiếp với bộ trưởng cho hết vấn đề, tranh luận sao cho dứt điểm.

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên