28/01/2010 08:39 GMT+7

Vì sao kỷ luật chủ tịch tỉnh Bình Thuận?

SƠN ĐỊNH - Q.THANH - ANH THƯ
SƠN ĐỊNH - Q.THANH - ANH THƯ

TT - Ông Huỳnh Tấn Thành - phó bí thư tỉnh ủy, bí thư ban cán sự Đảng, chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận - vừa bị kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng theo công bố của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Cụ thể, ông Thành sai phạm về vấn đề gì?

6ok3zCk2.jpgPhóng to
Dự án BOT cảng cá La Gi đang gây nhiều dư luận ở tỉnh Bình Thuận - Ảnh: Q.Thanh
5CAER3kC.jpgPhóng to
Dự án khu du lịch Kê Gà ở Bình Thuận bỏ hoang do bị thu hồi đề làm dự án khác - Ảnh: L.H.

Theo công bố của Ủy ban Kiểm tra trung ương, ngoài một số vấn đề liên quan đến gia đình, ông Thành bị kỷ luật do có trách nhiệm tại các dự án cảng vận tải Phan Thiết, giao đất ở khu du lịch Đồi Dương - Thương Chánh (TP Phan Thiết).

Giao đất không qua đấu thầu

Từ năm 2001, UBND tỉnh Bình Thuận có quyết định giao hơn 50.000m2 đất tại bãi biển Thương Chánh (thuộc P.Hưng Long, TP Phan Thiết) cho Ban quản lý dự án công trình giao thông Bình Thuận (Sở Giao thông vận tải tỉnh) để đầu tư cảng vận tải Phan Thiết. Đơn vị này chia ra làm sáu gói thầu và thực hiện được hai gói thầu là bến cập tàu, kè bờ với trị giá khoảng 6 tỉ đồng. Trong thời gian làm thủ tục đấu thầu các gói thầu còn lại, tháng 2-2009 UBND tỉnh Bình Thuận lại có quyết định thu hồi dự án và giao cho Công ty TNHH thép Trung Nguyên với hình thức cho thuê đất trả tiền hằng năm, kéo dài 49 năm nhưng không tổ chức đấu thầu công khai việc khai thác, sử dụng, kinh doanh cảng theo quy định hiện hành.

Sau khi khu đất “vàng” được giao cho Công ty TNHH thép Trung Nguyên, Ban quản lý cảng vận tải Phan Thiết phải giải tán. Trước phản ứng của dư luận và trong khi cơ quan chức năng kiểm tra dự án thì ngày 30-10-2009, ông Huỳnh Tấn Thành đã ký quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án cảng vận tải Phan Thiết mà ông đã cấp cho Công ty TNHH thép Trung Nguyên với lý do “xã hội hóa đầu tư” dự án.

Tạm dừng dự án Trung tâm thương mại Phú Hài

Ngoài năm dự án yêu cầu làm rõ, Ban thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận còn đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư Tân Việt Phát (trụ sở tại TP Phan Thiết) tạm dừng thực hiện dự án Trung tâm thương mại Phú Hài, đồng thời nắm lại việc khiếu kiện của dân liên quan đến đất đai ở dự án này, không để quyền lợi của dân bị xâm phạm.

Dự án này mới được giao đất, chưa tổ chức hiệp thương đền bù cho các hộ dân nhưng Công ty cổ phần Tân Việt Phát đã cho người chặt cây của dân, đưa xe ủi vào ủi đất khiến dẫn đến xô xát...

Tương tự, nằm liền kề với dự án cảng vận tải Phan Thiết cũng là một khu đất “vàng” với 17.000m2. Năm 2004, khu đất này được giao cho Ban quản lý khu du lịch Đồi Dương - Thương Chánh (thuộc UBND TP Phan Thiết) để xây dựng khu du lịch cộng đồng Thương Chánh. TP Phan Thiết đã trích từ vốn ngân sách hơn 4 tỉ đồng để bồi thường cho gần 100 hộ dân bị giải tỏa.

Trong khi đơn vị đầu tư đang xúc tiến các thủ tục để xây dựng dự án thì ngày 19-5-2008, UBND tỉnh lại có quyết định thu hồi để giao cho Công ty TNHH thương mại và sản xuất Quản Trung (Bình Thuận) làm khu du lịch Đồi Dương - Thương Chánh. Dự án được giao cũng không qua đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.

Chưa hết, ngày 16-2-2009 UBND tỉnh Bình Thuận còn ký thêm một quyết định khác để bãi bỏ quyết định trước đó với lý do thay đổi diện tích và hình thức sử dụng đất của dự án, nâng diện tích đất thu hồi và cho Công ty TNHH thương mại và sản xuất Quản Trung lên hơn 19.000m2. Công ty này còn được giao hơn 1.200m2 đất (không thu tiền sử dụng đất) thuộc dự án cảng vận tải Phan Thiết để xây dựng một con đường sử dụng chung cho cả khu. Với quyết định điều chỉnh này, hai dự án giống như được gộp vào một và được tạo thêm một số lớn diện tích mặt tiền nằm đối diện nhau.

Theo cơ quan chức năng, với cương vị là chủ tịch UBND tỉnh, ông Huỳnh Tấn Thành phải chịu trách nhiệm chính về những sai phạm xung quanh hai dự án trên.

Còn nhiều chuyện “lùm xùm”

Ngoài hai dự án trên, hiện thường vụ Tỉnh ủy đang yêu cầu làm rõ năm dự án khác (cảng cá La Gi, cảng nước sâu Kê Gà, bờ kè Đồi Dương, rừng dầu Hồng Liêm, sân golf Sealink) để công khai trước dư luận.

Trong đó, đáng chú ý là dự án BOT cảng La Gi (thị xã La Gi) nguyên trước đây là chợ cá biển thuộc thị xã La Gi, được xem là bến tàu thuyền lớn nhất tỉnh. Từ năm 1995 tại cảng cá này, UBND tỉnh Bình Thuận đã nhiều lần chi ngân sách đầu tư với tổng vốn 52 tỉ đồng.

Thế nhưng tháng 8-2006, ông Huỳnh Tấn Thành ký quyết định thu hồi hơn 68.000m2 đất cảng La Gi để giao cho Công ty cổ phần địa ốc VSG (trụ sở tại TP.HCM) đầu tư theo hình thức BOT với thời hạn 31 năm. Sau đó, UBND tỉnh đã điều chỉnh dự án, tách một phần diện tích giao cho thị xã La Gi quản lý, phần còn lại giao cho nhà đầu tư khoảng 57.000m2. Trong phần diện tích giao cho nhà đầu tư có hơn 4.000m2 được giao với mục đích làm đất ở nằm dọc đường bến Chương Dương dẫn vào cảng, phần diện tích này đã phân lô bán nền và nhiều lô đất được cấp giấy tờ đất sử dụng lâu dài.

Ký hợp đồng BOT với UBND tỉnh Bình Thuận chưa bao lâu thì tháng 10-2006, VSG đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Bắc Sơn nhượng quyền khai thác dự án, thu lợi nhiều tỉ đồng. Đó là chưa kể VSG còn có một hợp đồng cho thuê mặt bằng với một công ty Hàn Quốc trị giá hơn 19 tỉ đồng. Tổng giá trị của hai hợp đồng này khoảng 67 tỉ đồng, trong khi đó vốn đầu tư của dự án là 22,6 tỉ đồng (sau điều chỉnh lên hơn 23 tỉ đồng). Ngoài ra, theo phê duyệt ban đầu, VSG phải xây nhà máy xử lý nước thải hơn 3 tỉ đồng tại cảng cá La Gi nhưng sau này UBND tỉnh Bình Thuận lại chấp nhận dùng ngân sách chi trả khoản đầu tư này.

Dự án cảng nước sâu Kê Gà cũng là một dự án tai tiếng. Từ năm 2000-2004, UBND tỉnh Bình Thuận đã cho các nhà đầu tư tại cảng này một số dự án du lịch, trong đó có nhiều resort xây dựng xong phần thô, một số resort khác đã khai trương đón khách.

Bỗng nhiên tháng 4-2008, Sở Kế hoạch - đầu tư Bình Thuận lại có văn bản thông báo đến các nhà đầu tư về chủ trương xây dựng cảng Kê Gà chồng lên ngay trên vùng đất mà các nhà đầu tư đang xây dựng. 12 dự án du lịch bị UBND tỉnh Bình Thuận thông báo buộc phải ngưng thi công. Chính chủ trương trước sau không nhất quán đã khiến nhiều nhà đầu tư dở khóc dở mếu. Hàng chục căn biệt thự đã xây dựng hoàn thành hiện bị bỏ hoang. Trong tình thế nước sôi lửa bỏng đó, UBND tỉnh Bình Thuận có văn bản gửi các nhà đầu tư chỉ vắn tắt: “rất cảm thông”.

Công bố kỷ luật chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Huỳnh Tấn Thành

SƠN ĐỊNH - Q.THANH - ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên