Đó là nhận định chung của các đối tác phát triển tại phiên Đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ 6 tổ chức ngày 26-11 tại Hà Nội. Cơ quan Thanh tra Chính phủ cũng xác định một số dạng sai phạm cơ bản trong lĩnh vực y tế như dược, khám chữa bệnh, mua sắm trang thiết bị y tế...
Phóng to |
Toàn cảnh phiên Đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ 6 - Ảnh: Minh Quang |
Giá thuốc cao gấp 300% giá kê khai
Trong ngành y tế, có 3 lĩnh vực có thể coi là có nguy cơ tham nhũng cao. Thứ nhất là quản lý nhà nước trong ngành y tế, từ việc cấp phép, mua sắm, tuyển dụng và thăng chức tới quản lý tài chính. Lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng thứ hai là cung cấp dịch vụ tại các cơ sở y tế và mối quan hệ với các cán bộ trong ngành y tế. Có nhiều khả năng xảy ra tiêu cực trong lĩnh vực này như những khoản chi không chính thức, lạm dụng kiến thức nghề nghiệp, đối xử cực đoan và kê đơn quá nhiều loại thuốc vì ăn dơ giữa nhân viên y tế và các công ty dược. Lĩnh vực thứ ba là bảo hiểm y tế. Việc lạm quyền thông qua bảo hiểm y tế có thể thấy rõ trong quan hệ giữa nhà bảo hiểm và các bác sĩ cũng như nhà bảo hiểm và các bệnh nhân. |
Trong lĩnh vực dược, một số đại lý thuốc, quầy thuốc bán lẻ, nhà thuốc tư nhân chưa thực hiện nghiêm túc các quy định niêm yếu giá, bán theo giá niêm yết hoặc không đầy đủ, không đúng quy định. Một số cơ sở kinh doanh thuốc tân dược có dấu hiệu mua bán lòng vòng nhằm nâng giá thuốc cao hơn nhiều lần so với giá thuốc đã kê khai đăng ký lưu hành tại Bộ Y tế, có cơ sở nâng giá bán gấp 300% giá kê khai.
Trong lĩnh vực khám chữa bệnh, một số cơ sở chưa thực hiện đúng chế độ thanh toán chi phí điều trị bảo hiểm y tế; có hiện tượng lợi dụng chính sách miễn, giảm viện phí cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi... để chi sai chế độ. Một vài cơ sở khám chữa bệnh còn có hiện tượng cán bộ, nhân viên lấy thuốc, vật tư của Nhà nước đem ra thị trường bán chia nhau tiền. Một số cơ sở khám chữa bệnh quá tải dẫn đến cán bộ, nhân viên lợi dụng quyền hạn có biểu hiện vòi vĩnh, nhũng nhiễu để nhận phong bì người bệnh để điều trị sớm..
Có hiện tượng một số thầy thuốc lợi dụng nghề nghiệp kê đơn thuốc cho bệnh nhân với nhiều loại thuốc ngoại đắt tiền để hưởng hoa hồng hoặc nhận quà của các cơ sở kinh doanh dược phẩm; móc nối đưa bệnh nhân từ bệnh viện công ra các bệnh viện, phòng khám tư nhân; lợi dụng xét nghiệm trong chẩn đoán.. gây khó khăn lãng phí tiền bạc của người bệnh...
Đối với mua sắm trang thiết bị y tế, trong tổ chức đấu thầu, một số gói thầu không đảm bảo số lượng nhà thầu tham gia theo quy định của pháp luật. Việc ký kết hợp đồng một số gói thầu chưa chặt chẽ, dẫn đến giao hàng chậm, các bên chưa thực hiện phạt hợp đồng theo điều khoản đã ký kết. Một số gói thầu không có trong kế hoạch được phê duyệt hoặc kinh phí mua vượt dự toán; có đơn vị chia nhỏ gói thầu để mua thiết bị bằng hình thức trực tiếp hoặc chào hàng cạnh tranh, không tổ chức đấu thầu...
Tại một số bệnh viện, công tác quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, quản lý tài chính, tài sản, các loại quỹ, lệ phí còn có sai phạm. Việc quản lý sử dụng kinh phí, trang thiết bị vật tư... còn lãng phí.
Chi không chính thức, kê đơn quá nhiều loại thuốc phổ biến
Các khoản chi không chính thức (tiền phong bì, cảm ơn, hối lộ để được sử dụng dịch vụ nhanh...) của bệnh nhân đối với nhân viên chăm sóc y tế; một số y bác sĩ có những hành vi trong công tác nhằm bắt buộc bệnh nhân sử dụng thêm một dịch vụ cụ thể nào đó; kê khai đơn thuốc nhiều hơn thực tế mỗi bệnh nhân cần sử dụng để chữa trị... là những nội dung liên quan đến việc khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế được quan tâm nhất trong cuộc đối thoại.
Ông James Anderson, chuyên gia cao cấp về quản trị nhà nước của Ngân hàng Thế giới (WB), nhận định một trong các hành vi tham nhũng lớn trong ngành y tế là các khoản chi không chính thức của bệnh nhân đối với nhân viên chăm sóc y tế. Khoản chi không chính thức này thường là một món tiền hoặc quà sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, điều đáng nói là nhiều người bệnh không gọi việc nhận tiền này là hành vi tham nhũng, họ cho rằng đó là cám ơn.
Theo ông James Anderson, nguyên nhân này do ảnh hưởng của tập tục văn hóa truyền thống, về mặt bản chất đó là hành vi tham nhũng. Theo điều tra của WB, có tới 65% số người được hỏi cho rằng tham nhũng là vấn đề lớn cho gia đình họ, trong đó, tham nhũng trong lĩnh vực y tế từ địa phương đến trung ương chiếm 22-47%.
Cùng nội dung này, tiến sĩ Thaveeporn Vasavakul tư vấn tham luận về “Tham nhũng trong lĩnh vực y tế và tác động của nó đối với tình hình nghèo đói ở Việt Nam" chỉ ra nguyên nhân về tình trạng chi phí không chính thức. Đó là chế độ lương và viện phí thấp tạo ra động cơ muốn có thêm thu nhập của một số nhân viên chăm sóc y tế; bệnh nhân có thu nhập khá có khả năng trả thêm những khoản phụ thu không chính thức để được hưởng các dịch vụ ngoài nhanh hơn, thuận tiện hơn.
Ông Thaveeporn cho rằng không chỉ tồn tại những khoản chi không chính thức, một số y bác sĩ có hành vi nhằm bắt buộc bệnh nhân sử dụng thêm dịch vụ cụ thể nào đó của cơ sở y tế, kê đơn thuốc nhiều hơn số cần thiết cho việc chữa bệnh...
Phóng to |
Bảo hiểm y tế là một trong ba lĩnh vực có thể coi là có nguy cơ tham nhũng cao trong ngành y tế - Ảnh: Thanh Đạm |
Mở rộng dân chủ tối đa cần thiết ở bệnh viện để giảm tham nhũng
Các đối tác phát triển đồi hỏi phía Việt Nam phải có sự minh bạch trong các cơ sở y tế, giảm những khoản chi phí không chính thức, nâng cao hiệu quả của bảo hiểm y tế với người dân. Các đối tác phát triển cũng nêu những băn khoăn về việc khám chữa bệnh cho người nghèo, nhất là người dân tộc thiểu số được tiếp cận dịch vụ y tế công đến đâu... Trong đó, điển hình là việc mỗi gia đình phải chi phí đến 60% cho thuốc men trong tổng chi phí điều trị tại bệnh viện.
Đối thoại với các đối tác phát triển, ông Trần Hữu Tiến, Vụ phó Vụ Bảo hiểm y tế, cho biết để hạn chế các khoản chi không chính thức của người bệnh, các khoản dịch vụ hoặc thuốc men không cần thiết, ngành y tế tiến hành giám sát chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giám sát hoạt động thu chi; đồng thời tăng cường năng lực cán bộ y tế trong lĩnh vực khám chữa bệnh.
Ngoài ra, Bộ cũng cho thực hiện lựa chọn thanh toán theo nhóm chẩn đoán đảm bảo cho bệnh nhân không phải chi phí không chính thức. Trong khi đó, Giám đốc bệnh viện Việt Đức Nguyễn Tiến Quyết khẳng định việc chi 60% tiền thuốc hoàn toàn không đúng, bệnh nhân điều trị phải dùng thuốc không nhiều, ông dân chứng “chi phí thuốc của nhà tôi thấp vì tôi không ốm”. Ông Quyết dẫn chứng sự minh bạch trong hệ thống bệnh viện rằng các bệnh viện đều có hội đồng bệnh nhân và đối thoại trực tiếp với bác sĩ khi có vấn đề phát sinh từ hai phía. Theo ông Quyết, đó là sự mở rộng dân chủ tối đa cần thiết ở bệnh viện để giảm tham nhũng trong ngành y tế.
Về nội dung sử dụng thuốc và dịch vụ, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu thừa nhận một mặt trái, có nơi, có lúc việc chỉ định điều trị chưa đúng nhưng chỉ biểu hiện thiểu số trong hệ thống khám chữa bệnh. Việc đáng ra chỉ cần dùng 4 loại thuốc nhưng phải dùng đến 7-8 loại; cần làm 5 xét nghiệm thì phải xét nghiệp 7-8 lần cũng tương tự. Tuy nhiên, Bộ trưởng vẫn khẳng định người dân Việt Nam đang được thụ hưởng tốt các dịch vụ từ xã hội hóa y tế. Bộ trưởng đặt vấn đề liệu tăng viện phí có giảm được chi phí không chính thức không, hiện nay VN đang có cơ chế 2 giá, ở bệnh viện tư cả gói cáo gấp 3-4 lần bênh viện công, bệnh nhân được thụ hưởng mọi dịch vụ. Do đó, Bộ sẽ tiến tới cơ chế một giá, đảm bảo công bằng cho phát triển dịch vụ y tế. Đối với các vấn đề khác, Bộ cam kết triển khai thực hiện phòng chống tham nhũng và cải cách hành chính trong lĩnh vực. |
====================================================================
Ý kiến của bạn về vấn đề này ra sao? Hãy chia sẻ với bạn đọc Tuổi Trẻ Online qua email tto@tuoitre.com.vn hoặc trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây. Cám ơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận