25/09/2009 08:11 GMT+7

Chở trẻ đi xe máy nhớ mang giấy khai sinh

T.PHÙNG
T.PHÙNG

TT - Theo thượng tá Trần Sơn - phó trưởng Phòng tuyên truyền và hướng dẫn luật Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, nếu nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được ban hành theo dự kiến trong tháng 10-2009, khi trẻ em được chở trên xe máy không đội mũ bảo hiểm có thể dưới hay trên 6 tuổi cảnh sát giao thông cũng đều sẽ lập biên bản.

Chở trẻ đi xe máy nhớ mang giấy khai sinh

TT - Theo thượng tá Trần Sơn - phó trưởng Phòng tuyên truyền và hướng dẫn luật Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, nếu nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được ban hành theo dự kiến trong tháng 10-2009, khi trẻ em được chở trên xe máy không đội mũ bảo hiểm có thể dưới hay trên 6 tuổi cảnh sát giao thông cũng đều sẽ lập biên bản.

Phụ huynh có trách nhiệm phải chứng minh tuổi của trẻ em đó. Sau khi chứng minh được trẻ dưới 6 tuổi thì cảnh sát giao thông sẽ hủy biên bản đã lập. Đó là một trong những thông tin được đưa ra tại cuộc gặp gỡ báo chí chiều 24-9, do Bộ Giao thông vận tải, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Y tế thế giới tổ chức tại Hà Nội.

ImageView.aspx?ThumbnailID=363602
Chở trẻ em trên xe máy - Ảnh: N.C.T.

Cũng theo thượng tá Trần Sơn, đã có nhiều ý kiến gợi ý là căn cứ vào chiều cao, cân nặng... để xác định độ tuổi của trẻ không đội mũ bảo hiểm đối với những trường hợp quên mang giấy tờ chứng minh độ tuổi. Nhưng việc phát triển thể trạng của trẻ em có sự chênh lệch. Vì vậy, thượng tá Trần Sơn cho rằng nếu người lớn không muốn bị phạt thì tốt nhất nên mang theo giấy khai sinh khi chở trẻ em ra đường trên xe máy.

Theo bà Trịnh Minh Hiền - vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GTVT), Luật giao thông đường bộ bắt buộc mọi người phải đội mũ bảo hiểm. Nhưng pháp lệnh xử phạt hành chính đã cho người vi phạm được hưởng quyền miễn trừ hoặc giảm trừ xử phạt theo các khung tuổi khác nhau. Do đó, bà Hiền cho rằng: “Nếu muốn được hưởng quyền miễn trừ, giảm trừ đó thì người vi phạm phải có trách nhiệm, nghĩa vụ chứng minh độ tuổi của mình”.

Đồng thời theo pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính được ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, trong các lĩnh vực khác cũng phải có chứng minh độ tuổi để được miễn giảm hay miễn trừ xử phạt vi phạm hành chính chứ không chỉ riêng lĩnh vực giao thông. Vì vậy, các lĩnh vực khác chứng minh độ tuổi thế nào thì áp dụng với giao thông như vậy.

Đối với những ý kiến về việc nảy sinh rắc rối khi thực hiện quy định xử phạt như kể trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng cho biết có thể trong thông tư hướng dẫn sẽ đưa vào điều khoản: khi xảy ra tranh cãi về độ tuổi trẻ em, cơ quan chức năng chỉ lập biên bản tạm giữ giấy phép lái xe chứ chưa vội xử phạt bằng tiền. Nếu người vi phạm chứng minh được thì không bị xử phạt.

Còn theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, từ năm 2006 đến nay có hơn 2.900 trường hợp trẻ em tuổi từ 0-15 bị tử vong do tai nạn giao thông đường bộ, tương đương mỗi ngày có tới 8 trẻ em tử vong vì nguyên nhân đã nêu.

T.PHÙNG

>> Ý kiến bạn đọc:

Biện pháp xử lý còn lúng túng

TTO - Trẻ em dưới 6 tuổi còn đang trong độ tuổi học mẫu giáo, theo tôi, nếu có thể Bộ GTVT phối hợp với Sở GD-ĐT các địa phương đề nghị các trường cấp cho các em thẻ học mẫu giáo, trong đó có ghi tên phụ huynh.

Trong trường hợp này nếu thực hiện được sẽ có hai điều thuận lợi. Thứ nhất, phụ huynh đi đón các em có thẻ này thì thầy cô sẽ yên tâm hơn. Thứ hai, trên đường chở các em đi, phụ huynh sẽ dùng thẻ này để chứng minh được trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo (có nghĩa là dưới 6 tuổi) và tránh tình huống phụ huynh phải mang giấy khai sinh theo.

VU NGOC

* Việc mang giấy khai sinh (không có hình) là quá dễ. Nếu không muốn cho con mình đội mũ bảo hiểm thì phụ huynh cứ việc lấy một giấy khai sinh của em bé A, B, C nào đó, miễn là trong giấy có ghi năm sinh, tính đến thời điểm hiện tại trẻ dưới 6 tuổi là được chứ gì. Hướng xử lý như vậy có hợp lý không?

PHẠM TẤN TRIỂN

* Theo tôi, nếu đã quy định đội mũ bảo hiểm thì không kể người lớn hay trẻ nhỏ, trừ khi em bé còn quá nhỏ phải bồng trên tay mà thôi. Như vậy sẽ đỡ rườm rà khi làm các thủ tục như xuất trình giấy khai sinh để chứng minh trẻ em dưới 6 tuổi. Thiết nghĩ đội mũ bảo hiểm là bảo vệ tính mạng cho mỗi cá nhân khi tham gia giao thông, và nếu không may tai nạn xảy ra, trẻ em có đội mũ được bảo vệ hơn là không đội mũ.

NGUYỄN VĂN HỒNG

* Nếu chỉ lập biên bản tạm giữ giấy phép lái xe chứ chưa xử phạt tiền thì chắc ai cũng có thể chứng minh được là mình chở trẻ em dưới 6 tuổi cả. Đơn giản là cứ về nhà lấy giấy khai sinh của bất cứ trẻ nào dưới 6 tuổi là được. Làm sao cảnh sát nhớ mặt trẻ và làm sao biết giấy khai sinh đó là của trẻ đó? Đâu nhất thiết chỉ có cha mẹ mới chở trẻ ra đường, cô chú ông bà chở cháu con thì làm sao?

LE HOANG HAI

Sao ngành giao thông không chọn chiều cao (thể trạng) làm chuẩn? Vừa khỏe cho CSGT vừa đỡ rắc rối cho phụ huynh. Hệ thống Metro hay Megastar đều lấy chiều cao làm chuẩn, cho phép trẻ em vào hay để tính tiền vé xem phim. Sao chúng ta không chọn giải pháp đó mà lại đi theo cách phức tạp để rồi lúng túng không biết thực hiện theo kiểu gì?

XUÂN LAN

T.PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên