Phóng to |
Trần Huỳnh Duy Thức |
* Trần Huỳnh Duy Thức: Tôi muốn làm bộ trưởng phụ trách kinh tế
Xuất phát từ những bức xúc trong việc kinh doanh và những vấn đề kinh tế - xã hội nên tôi hình thành những mong muốn thay đổi về kinh tế, chính trị hiện tại. Do vậy, cuối năm 2005, tôi lôi kéo các nhân viên của mình lập nhóm nghiên cứu tình hình kinh tế, chính trị, xã hội.
Chúng tôi gọi nhóm này là nhóm nghiên cứu “Chấn”. Qua nghiên cứu, nhóm rút ra rằng sự thay đổi của Việt Nam chỉ có thể từ sự thay đổi trong nội bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đó chúng tôi mới đưa ra kế sách “Đoài đánh Đoài” - tức là dùng những người cấp tiến loại trừ những người cơ hội đang ẩn nấp trong Đảng Cộng sản Việt Nam, mà chúng tôi cho rằng những phần tử cơ hội này đang tiếp tay cho nước ngoài tạo ra khủng hoảng kinh tế - xã hội cho Việt Nam.
Mặt khác, nhóm chúng tôi cũng xác định thời điểm khủng hoảng này xảy ra trầm trọng (khoảng tháng 10-2010) cũng là cơ hội để chúng tôi tham gia giải quyết các vấn đề của đất nước. Do vậy chúng tôi gọi năm 2010 là “lúc phất cờ” (hay LPC). Do nhóm này hoạt động không hiệu quả nên đến đầu năm 2007 thì không còn hoạt động nữa. Nhưng tôi vẫn tiếp tục sử dụng kế sách “Đoài đánh Đoài” để thực hiện tham vọng chính trị của tôi - tôi muốn trở thành một bộ trưởng phụ trách về kinh tế.
Để thực hiện kế sách “Đoài đánh Đoài”, tháng 4-2007 tôi lập ra blog Trần Đông Chấn để công bố các bài viết của tôi nghiên cứu về kinh tế vĩ mô, qua đó công kích, phê phán các chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ.
Qua đó sẽ tạo ra uy tín cho cá nhân tôi dưới cái tên Trần Đông Chấn. Blog này thu hút nhiều người xem sau khi đăng tải bài “Việt Nam đồng đang ở đâu và sẽ đi về đâu” và “Kỷ Sửu và vận hội mới của Việt Nam”, nên tôi chủ quan cho rằng sẽ có một lực lượng đáng kể ủng hộ tôi lúc ra công khai (tức “lúc phất cờ”).
Sau đó tôi lập blog Psonkhanh vào tháng 5-2008 để viết các bài ủng hộ blog Trần Đông Chấn, đến năm 2009 thì tôi dùng blog này mạo nhận là đảng viên để viết các bài gây giảm sút lòng tin của người đọc vào sự lãnh đạo của Đảng, tác động đến những người bất mãn.
Đến tháng 11-2008, tôi tiếp tục lập ra blog Change we need để viết các bài nhằm gây chia rẽ trong nội bộ tối cao của Đảng Cộng sản Việt Nam; xuyên tạc các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là của Chính phủ trong chính sách tiền tệ, khai thác bôxit Tây nguyên... Bên cạnh đó, tôi tăng cường mối quan hệ với giới truyền thông đại chúng để tác động đến họ nhằm truyền tải các suy nghĩ của tôi về sự cần thiết phải thay đổi kinh tế, chính trị của Việt Nam.
Vào cuối tháng 3-2009 tại Phuket, Thái Lan, tôi, Nguyễn Sỹ Bình và Trần Huỳnh Duy Thức đã bàn và thống nhất viết quyển sách dự định mang tên “Con đường Việt Nam” với nội dung kiến nghị thay đổi xã hội và Nhà nước Việt Nam. Với sự lôi kéo của Nguyễn Sỹ Bình, tôi đã tham gia Đảng Dân chủ Việt Nam và là thành viên ban thường vụ tổ chức này và đã tham gia các việc làm tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam. Tôi có dịp gặp gỡ và quan hệ với một số đối tác nước ngoài. Trong khi nói chuyện với họ, tôi hiểu rằng họ có ý ủng hộ những việc làm của tôi, trong đó có việc viết bài tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam. Đầu tháng 3-2009 tại Pattaya, Thái Lan, tôi đã bị tổ chức “Việt Tân” lôi kéo tham gia lớp huấn luyện “Đấu tranh bất bạo động”. Tôi hiểu ý định của tổ chức “Việt Tân” là muốn những người tham gia lớp này có thể tổ chức các cuộc biểu tình bất bạo động như vậy ở Việt Nam trong tương lai. |
Để viết được kế hoạch tổng thể nói trên (mà tôi gọi là quyển sách “Con đường Việt Nam”), tôi đã quan hệ với luật sư Lê Công Định và ông Nguyễn Tâm (tức Nguyễn Sỹ Bình - người đã từng bị bắt về tội chống phá Nhà nước Việt Nam).
Chúng tôi đã gặp nhau tại Phuket, Thái Lan vào cuối tháng 3-2009 để bàn bạc trao đổi về việc viết quyển sách “Con đường Việt Nam” và một số vấn đề khác. Cụ thể là tôi chịu trách nhiệm chung và phần kinh tế của quyển sách, ông Bình chịu trách nhiệm nghiên cứu về chính sách của nước ngoài đối với khu vực Đông Á (đặc biệt là Mỹ với Việt Nam), ông Định chịu trách nhiệm về cải cách pháp luật và hành chính.
Chúng tôi cũng thống nhất về kế hoạch năm người do tôi đưa ra, năm người này ứng với năm lĩnh vực là kinh tế, giáo dục, pháp luật, biển Đông và Tây nguyên. Năm người này sẽ đứng tên trên quyển sách và trình lên lãnh đạo cấp cao vào “lúc phất cờ”, tức cuối năm 2010 khi có khủng hoảng kinh tế trầm trọng.
Để hỗ trợ việc này, ông Bình sẽ vận động Chính phủ Mỹ và các nước ủng hộ cho chiến lược “Con đường Việt Nam” mà tôi đưa ra và nhóm năm người. Trong cuộc gặp này, chúng tôi có bàn bạc cần lập thêm hai đảng: Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Xã hội Việt Nam để thu hút lực lượng.
Tôi nhận việc lập ra blog mang tên “Đảng Xã hội Việt Nam” giúp ông Bình, còn blog “Đảng Lao động Việt Nam” là do anh Định chịu trách nhiệm. Sau đó ông Bình lập ra email dùng chung là “chihaichibachitu@gmail.com”, dùng chung mật khẩu để tiếp tục trao đổi bàn bạc về việc viết sách, về việc Nguyễn Tiến Trung sau khi xuất ngũ và về những vấn đề khác. Trên email này anh Định có nói rằng bôxit Tây nguyên là tử huyệt của chính quyền.
Tôi cũng chủ quan cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ “vong” vào năm 2010. Và đến năm 2020 sẽ bị “tận” vì lực lượng cấp tiến trong Đảng kết hợp với các nhân sĩ ngoài Đảng sẽ đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam hoặc sẽ thành lập nên một đảng chính trị mới, do vậy sẽ kết thúc vai trò lịch sử của Đảng Cộng sản VN vào 2020.
* Nguyễn Tiến Trung: Tôi đã quá tin họ
Ngày 8-5-2006, tôi là một trong những người thành lập Tập hợp thanh niên dân chủ. Ông Hoàng Minh Chính đã giới thiệu tôi với ông Nguyễn Sỹ Bình và ông Nguyễn Xuân Ngãi để trò chuyện, trao đổi thêm về đường lối phát triển của phong trào dân chủ, về vấn đề cải cách Việt Nam. Ông Nguyễn Sỹ Bình và ông Nguyễn Xuân Ngãi đã thuyết phục tôi tham gia tổ chức trên.
Ông Nguyễn Xuân Ngãi có giới thiệu tôi với một số chính khách nước ngoài, họ khích lệ, hứa hẹn ủng hộ phong trào dân chủ Việt Nam nói chung, Đảng Dân chủ Việt Nam và Tập hợp thanh niên dân chủ nói riêng. Trước khi tôi về nước ngày 7-8-2007, họ có dặn tôi là luôn ôn hòa, khoan dung, kiên trì, nhẫn nại, tử tế, dặn tôi giữ liên lạc với đại sứ quán nước ngoài để nếu có chuyện gì xảy ra thì có thể lên tiếng bênh vực.
Hiện tại, sau quá trình làm việc với cơ quan điều tra, tôi thấy các chính khách nước ngoài luôn vì quyền lợi của người dân nước họ. Nếu họ ủng hộ phong trào dân chủ Việt Nam thì cũng một phần là vì quyền lợi của người dân đất nước họ. Đó là sai lầm của tôi vì đã quá tin vào họ.
Khi về Việt Nam, tôi đã tiếp tục mời một số người tham gia Đảng Dân chủ Việt Nam như luật sư Lê Công Định. Tôi cũng giới thiệu ông Trần Huỳnh Duy Thức với ông Nguyễn Sỹ Bình. Tôi đã mời một số thanh niên tham gia Tập hợp thanh niên dân chủ. Tôi tiếp tục phụ trách về kỹ thuật (như website) cho Đảng Dân chủ Việt Nam.
______________
Sớm đưa vụ án ra xét xử TTXVN cũng đã phát bản tin “Sớm đưa vụ án đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia ra xét xử”. Theo đó, tính đến nay, các lực lượng chức năng đã bắt, triệu tập, mời làm việc 27 đối tượng, trong đó khởi tố, bắt tạm giam năm đối tượng: Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung, Trần Anh Kim về hành vi chống Nhà nước. Tổng cục An ninh đã xác định chủ blog “Trần Đông Chấn” chính là Trần Huỳnh Duy Thức - tổng giám đốc Công ty OCI, cũng chính là đối tượng lập ra blog “Change we need”, “Psonkhanh”. Theo cơ quan an ninh điều tra, Trần Huỳnh Duy Thức đã viết, sưu tầm, trao đổi qua thư điện tử 60 đầu tài liệu bao gồm 381 trang (19 bài trên blog “Change we need”, 23 bài trên blog “Trần Đông Chấn”, 16 bài trên blog “Psonkhanh”, 194 trang trên thư điện tử chihaichibachitu@gmail.com); Thức trực tiếp viết 53 bài gồm 14 bài công kích sự điều hành, chính sách kinh tế của Chính phủ; 21 bài xuyên tạc sự lãnh đạo của Đảng; 10 bài chia rẽ nội bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước. Lê Công Định đã viết, sưu tầm, trao đổi qua thư điện tử 60 đầu tài liệu gồm 413 trang, trong đó trực tiếp viết 33 bài tuyên truyền công kích chế độ, tuyên truyền các giá trị tư sản phương Tây, ca ngợi Hoàng Minh Chính; sưu tầm, tàng trữ 27 bài chỉ trích, phê phán đường lối chính sách tôn giáo, giáo dục, hoạt động tư pháp của Đảng, Nhà nước, đòi thay đổi hiến pháp mà các cá nhân, tổ chức phản động lưu vong gửi cho Định, trong đó có cuốn “Từ độc tài đến dân chủ” do tổ chức phản động lưu vong “Việt Tân” dịch gửi cho Định phân tích các cuộc đấu tranh bất bạo động lật đổ các thể chế chính trị diễn ra tại châu Á, châu Âu. Cũng theo kết quả điều tra, Nguyễn Tiến Trung lập blog cá nhân, viết, tán phát nhiều tài liệu, trực tiếp điều hành, quản lý diễn đàn “Thanh niên dân chủ” trên các trang web, báo điện tử nhằm lôi kéo, tập hợp nhiều thanh niên Việt Nam đang học ở Pháp, Mỹ tham gia, trong đó có Nguyễn Thị Hường, Trần Chiêu Việt, Ngô Thị Ngoan, Nguyễn Trác Việt, Trần Dũng Nghi, Nguyễn Quốc Nam, Nguyễn Bách, Trần Minh Răn, Nguyễn Thị Thanh Vân... được cử làm vai trò cốt cán trong tổ chức phản động “Tập hợp thanh niên dân chủ”; nhóm này đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn kế hoạch chống Nhà nước Việt Nam. Nhân vật Trần Anh Kim từng có tiền án 24 tháng tù giam về tội “cố ý làm trái nguyên tắc quản lý kinh tế”. Theo cơ quan điều tra, Trần Anh Kim tham gia “khối 8406” với vai trò trưởng ban đại diện của tổ chức này ở khu vực phía Bắc cùng với Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Xuân Nghĩa, Đỗ Nam Hải trong ban đại diện tổ chức có tên gọi “khối 8406”: chủ trương tập trung móc nối, lôi kéo những người khiếu kiện cực đoan để làm lực lượng nòng cốt đấu tranh nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trần Anh Kim đã viết 60 tài liệu nội dung phỉ báng Đảng, Nhà nước, xuyên tạc tình hình đất nước, đòi xóa bỏ điều 4 Hiến pháp, đòi đa nguyên, đa đảng, kêu gọi tập hợp lực lượng chống Nhà nước. Tất cả các tài liệu trên Trần Anh Kim đã đưa lên mạng Internet và tán phát cho các đối tượng trong máy tính và USB hàng trăm bài viết của các đối tượng phản động khác nhau để tuyên truyền, tán phát cho nhiều người khác. Lê Thăng Long đã tham gia “Nhóm nghiên cứu Chấn” của Trần Huỳnh Duy Thức, trực tiếp viết “kế hoạch của Sim” nhằm đi vào nội bộ để thu thập thông tin, tác động, lôi kéo vào “nhóm Chấn” theo phương thức dùng “Đoài đánh Đoài” (Cộng sản đánh Cộng sản); đã gặp, tiếp xúc 15 người để tác động, lôi kéo; ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XII nhằm mục đích nếu trúng cử tạo chỗ đứng trong cơ quan quyền lực cao nhất, tìm cách tiếp cận, lôi kéo và sử dụng ảnh hưởng của những người lãnh đạo cấp cao ủng hộ nhóm “Chấn” nhằm phục vụ âm mưu thay đổi chế độ chính trị vào thời điểm “lúc phất cờ” 2010-2011. Long còn soạn thảo, sưu tầm, tán phát 25 đầu tài liệu gồm 89 trang, trực tiếp viết 12 bài tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ, thay đổi thể chế chính trị, thể hiện rõ trong thư điện tử liên lạc với “nhóm Chấn” qua địa chỉ “simpleman01@gmail.com” và tuyên truyền “phong trào chấn hưng nước Việt”. |
Tin bài liên quan:
Khởi tố các ông Lê Công Định , Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng LongBắt Nguyễn Tiến Trung và Trần Anh KimBắt khẩn cấp luật sư Lê Công Định về hành vi tuyên truyền chống nhà nướcEU can thiệp vào công việc nội bộ của VNYêu cầu Hoa Kỳ không can thiệp vào vấn đề nội bộ của Việt NamLiên đoàn Luật sư VN lên án hành vi sai trái của luật sư Lê Công ĐịnhThu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư của ông Lê Công Định
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận