16/09/2008 07:54 GMT+7

Vụ Vedan "giết" sông Thị Vải: "Thành công" suốt 14 năm

H.MI - M.LUẬN - Q.THANH
H.MI - M.LUẬN - Q.THANH

TT - Thật bất ngờ, chính một cán bộ của Công ty Vedan thừa nhận rằng hệ thống đường ống được lắp đặt để xả chất lỏng nguy hại ra sông Thị Vải đã được vận hành…14 năm nay!

* Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà: Áp dụng chế tài cứng rắn nhất

C7eas5gh.jpgPhóng to
Sơ đồ đường ống kỹ thuật bơm dịch thải lỏng của Vedan trực tiếp ra sông Thị Vải - Đồ họa: v.cường

Đi vào cảng Gò Dầu A (ấp 1, xã Phước Thái, huyện Long Thành, Đồng Nai) người ta dễ dàng bắt gặp phía bên phải cổng phụ Công ty Vedan dãy bồn chứa mật rỉ đường sừng sững. Rất khó để nhận ra công ty này đã chứa nước bẩn trong dãy bồn được “mạo danh” chứa mật rỉ đường này để rồi sau đó tìm cách xả ra sông Thị Vải.

Bắt quả tang Vedan xả nước thải ra sông Thị VảiVedan đã phản bội người tiêu dùng!Vedan “giết” sông Thị VảiHoa hậu nhặt rác và dòng nước thải từ VedanSông Thị Vải không còn... thở

Theo đoàn kiểm tra Bộ Tài nguyên - môi trường, tại 12 bồn chứa mật rỉ đường có dung tích 15.000m3, đoàn phát hiện bồn thứ hai (hàng thứ hai) có dấu hiệu bất thường như phủ rêu xanh, bám bụi, thành bể mát lạnh trong khi các bồn khác nóng và không bám bụi. Giải thích với đoàn bồn này chứa chất gì, đại diện công ty tỏ ra lúng túng, nói không biết nhưng sau đó vội “đính chính” đó là bồn chứa… dung dịch sau lên men.

Ngụy trang... “kiểu Vedan”

Nghi ngờ có hành vi gian dối, đoàn kiểm tra yêu cầu Vedan vận hành đường ống từ bồn này ra phía cầu cảng. Ông Yeh Sheau Yeh (giám đốc văn phòng tổng giám đốc) phải miễn cưỡng mời ông Lin Mao Fu (cán bộ vận hành dung dịch sau lên men của nhà máy) bật cầu dao điện cho vận hành máy bơm. Lúc này, đoàn kiểm tra phát hiện dịch lỏng có màu nâu đỏ và mùi hôi mật rỉ chảy ra miệng xả được nối thông với hai trụ bơm cắm sâu xuống nước 7-8m, đặt trong một thùng sắt tại cầu cảng số 2 thuộc khu vực cảng Gò Dầu A. Điều đáng nói là hai trụ bơm này cũng được ngụy trang như hai máy bơm để hút nước từ sông Thị Vải vào nhà máy.

Tiếp tục kiểm tra hệ thống hai trụ bơm trên, đoàn phát hiện thêm tại khu vực bể bán âm chứa dịch thải sau sản xuất lysin và bột ngọt (dung tích 6.000-7.000m3) có ống hút máy bơm đặt trong bể, đầu ra chia làm ba hướng với ba đường ống khác nhau. Trong đó có một đường ống chính nối với hai trụ bơm của cầu cảng số hai. Khi đoàn kiểm tra yêu cầu mở tất cả các van khóa đường ống ra phía cầu cảng, đồng thời khóa các van còn lại và vận hành máy bơm tại bể bán âm chứa dịch thải thì cũng phát hiện dịch lỏng màu nâu đỏ, có mùi hôi mật rỉ chảy ra và xả thẳng ra sông Thị Vải.

Theo lời khai của ông Lin Mao Fu, mỗi ngày hệ thống này bơm chất thải ra sông Thị Vải khoảng hai giờ. Bất ngờ hơn khi ông Fu thừa nhận hệ thống bơm và đường ống kỹ thuật do Vedan lắp đặt vận hành đã 14 năm nay. Ngoài ông Fu, hệ thống bí mật này chỉ có một người Đài Loan khác được biết và vận hành là ông Wang Chin Tien.

Đoàn kiểm tra kết luận: Vedan thiết kế và lắp đặt hệ thống bơm, đường ống kỹ thuật để bơm dịch thải lỏng của nhà máy sản xuất lysin, nhà máy bột ngọt, nhà máy sản xuất PGA từ bể bán âm dung tích 6.000-7.000m3 và bồn chứa 15.000m3 để bơm và xả trực tiếp vào sông Thị Vải. Việc lắp đặt hệ thống xả dịch thải của Vedan trái với quy trình kỹ thuật xử lý chất thải (nước thải, dịch thải lỏng), không đúng với nội dung báo cáo môi trường đã được phê duyệt và vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi vì sao các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai nhiều lần kiểm tra hệ thống xử lý nước thải của Vedan nhưng không phát hiện sự việc gian dối này? Ông Hoàng Văn Thống, chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Đồng Nai, nói: “Đây là một hệ thống kỹ thuật rất tinh vi và phức tạp, ở cấp độ địa phương Đồng Nai không đủ người, nghiệp vụ và phương tiện kỹ thuật để phát hiện hành vi gian dối này”.

Vedan thải gì ra sông Thị Vải?

yOAO6h1O.jpgPhóng to
Họng cống đưa nước thải từ nhà máy Vedan ra sông Thị Vải (tại ấp 1, xã Phước Thái, Long Thành, Đồng Nai) - Ảnh: Hà Mi
Lĩnh vực hoạt động của Công ty Vedan là sản xuất bột ngọt, tinh bột, nước đường, xút (NaOH), axit (HCl), phân bón… Theo các nhà chuyên môn, trong quá trình sản xuất các sản phẩm này, nước thải (hay chất thải nói chung) của công ty có chứa nhiều chất gây ô nhiễm môi trường, song đáng ngại nhất là chất độc cyanure.

Năm 2006, đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên - môi trường từng “hỏi thăm” đột xuất Công ty Vedan. Vào thời điểm này, Công ty Vedan có ba hệ thống xử lý nước thải khác nhau: hệ thống xử lý nước thải chế biến tinh bột biến tính bằng công nghệ UASB (gọi tắt là hệ thống UASB), xử lý nước thải chế biến tinh bột bằng hệ thống hồ sinh học tự nhiên, hệ thống xử lý nước thải sinh học sản xuất lysin từ mật rỉ đường.

Nước thải sau xử lý của hệ thống UASB còn lưu lại hàm lượng cyanure ở mức vượt tiêu chuẩn cho phép thấp nhất là bảy lần và cao nhất 34 lần, trong khi tiêu chuẩn VN giới hạn hàm lượng loại chất độc hại này có trong nước thải sau xử lý phải nhỏ hơn 0,1 mg/lít.

Mức độ nguy hại cho môi trường chưa dừng lại ở đó. Trong nước thải sau xử lý của hệ thống hồ sinh học ở Công ty Vedan, cơ quan chức năng còn phát hiện có mẫu nước thải mà hàm lượng chất cyanure chứa trong đó vượt tiêu chuẩn VN đến 5.600 lần - một mức gây ô nhiễm độc hại rất lớn. Trong nước thải sau hệ thống xử lý này, nhiều chất ô nhiễm khác như BOD (nhu cầu oxy sinh học), COD (nhu cầu oxy hóa học), amoniac… đều vượt tiêu chuẩn cho phép rất nhiều lần. Riêng tiêu chuẩn về vi sinh vật gây bệnh vượt tiêu chuẩn (mức cao nhất) đến 1.460 lần. Ngoài ra, nước thải sau xử lý của hệ thống xử lý nước thải sản xuất lysin còn hàm lượng cyanure, BOD, COD… vượt tiêu chuẩn một vài lần.

Từ thực tế này, tháng 8-2006 Bộ Tài nguyên - môi trường đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình trạng ô nhiễm ở sông Thị Vải. Theo bộ này, có nhiều nguồn gây ô nhiễm sông Thị Vải được liệt kê như khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 và 2, Gò Dầu... và cả Công ty Vedan.

Tất cả các kết quả kiểm tra, phân tích mẫu nước thải và đánh giá mức độ gây ô nhiễm ở Công ty Vedan đều được gửi đến lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cũng như các cơ quan chức năng của tỉnh này.

Cũng tại đợt kiểm tra trong năm 2006 của Bộ Tài nguyên - môi trường, đoàn kiểm tra đã phát hiện ở Công ty Vedan có hiện tượng xả trực tiếp nước thải không qua xử lý vào sông Thị Vải. Sau khi phân tích nước thải tại cống thoát nổi thuộc bộ phận sản xuất phân vi sinh của Công ty Vedan, cơ quan chức năng đánh giá tuy khối lượng nước thải nhỏ nhưng hàm lượng các chất ô nhiễm rất cao. Như cyanure vượt tiêu chuẩn 76 lần, trong khi nhiều chất gây ô nhiễm khác vượt tiêu chuẩn từ vài chục đến hàng trăm lần…

GS.TS Đặng Kim Chi (chủ tịch Hội đồng khoa học kỹ thuật Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN):

Vedan làm trái cam kết

Vedan từng là đơn vị có “lịch sử” liên quan việc xả nước thải chưa qua xử lý ra sông. Nếu đúng như báo chí nêu thì việc làm của doanh nghiệp này đã vi phạm nghiêm trọng Luật bảo vệ môi trường. Đây là việc làm cố tình, vì khoảng tháng 8-2007 tại hội đồng thẩm định báo cáo xin cấp phép xả thải được tổ chức tại Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên - môi trường), Vedan đều cam kết xả nước thải đã qua hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn cho phép rồi mới được xả thải ra nguồn tiếp nhận. Nhưng tại thời điểm này, việc Vedan bị bắt quả tang xả nước thải không qua xử lý tức là Vedan đã bỏ qua tất cả những điều đã cam kết.

Các đoàn thanh tra, kiểm tra thường đạt hiệu quả không cao vì doanh nghiệp vẫn bằng cách nào đó để biết trước và chủ động tìm cách đối phó. Chính vì vậy, cần phải xây dựng thiết bị quan trắc tiên tiến làm việc tự động tại các cửa xả thải. Hệ thống quan trắc tự động này sẽ giám sát chặt chẽ tình trạng ô nhiễm, đồng thời phát hiện ngay đơn vị cố tình vi phạm.

X.Long ghi

Vedan từng được đề nghị khen vì “nỗ lực bảo vệ môi trường”

Cuối năm 2004, ông Lê Viết Hưng, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Đồng Nai, đã ký văn bản gửi Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh đề nghị khen thưởng Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam (Công ty Vedan). Văn bản nêu rõ: “Trong những năm qua, với chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Sở Tài nguyên - môi trường đã kiểm tra giám sát việc tuân thủ pháp luật về lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty Vedan Việt Nam”.

Có ba lý do để Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Đồng Nai đề nghị khen thưởng. Một trong số đó là “từ một công ty mới đầu tư có gây ảnh hưởng lớn đến môi trường nước khu vực sông Thị Vải những năm 1994-1999, nay đã cố gắng khắc phục, xử lý cơ bản nước thải sản xuất, các mẫu nước thải qua kiểm tra gần đây đạt tiêu chuẩn môi trường loại B - tiêu chuẩn VN”.

Q.T.

Áp dụng chế tài cứng rắn nhất

Trao đổi với báo chí tối 15-9, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà cho biết:

- Trong hai năm 2005-2006, bộ đã chỉ đạo kiểm tra liên tục đối với Vedan. Qua những lần kiểm tra này phát hiện những vấn đề về môi trường, bộ đã yêu cầu có lộ trình khắc phục. Đợt kiểm tra tháng 8-2008 nằm trong kế hoạch kiểm tra tiếp theo của năm 2005 đối với đơn vị này.

* Với những vi phạm của Vedan, quan điểm bộ ra sao?

- Trường hợp của Vedan, quan điểm của Bộ Tài nguyên - môi trường và các bộ có liên quan từ năm 2005 đến bây giờ vẫn kiên trì kiểm tra và yêu cầu khắc phục. Tuy nhiên đến thời điểm này không thể chỉ đưa ra những hình thức xử phạt hành chính đơn thuần bằng tiền, kèm theo đó phải áp dụng những chế tài cứng rắn nhất, mạnh nhất.

* Như vậy, có khả năng đơn vị này bị đóng cửa, thưa ông?

- Điều đó phụ thuộc vào quá trình xem xét cụ thể và các biện pháp khắc phục hậu quả của doanh nghiệp này. Đối với bộ, bản thân việc đóng cửa doanh nghiệp không phải là mục tiêu của chúng tôi. Mục tiêu đề ra là làm sao để doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu về môi trường. Nhưng nếu doanh nghiệp không có những nỗ lực trong thời gian ngắn, có nghĩa là phải tạm thời đình chỉ hình thức hoạt động của đơn vị này.

Xuân Long ghi

H.MI - M.LUẬN - Q.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên