31/12/2006 06:32 GMT+7

Làm vỉa hè: dân tốn tiền, mất khách

PH.THANH - NG.ẨN
PH.THANH - NG.ẨN

TT - Nhiều phường ở TP.HCM đã vận động dân góp tiền làm vỉa hè. Dù không hài lòng, người dân cũng đành góp tiền để rồi phải chịu đựng những đống xà bần, cát đá nằm ngày này qua ngày khác trước mặt tiền nhà...

Hyl2lrjL.jpgPhóng to
Bảo vệ Ngân hàng ACB đường Lý Thường Kiệt, Q.Tân Bình phải tự san bằng vỉa hè đang thi công ngổn ngang và dẫn xe cho khách hàng vào giao dịch - Ảnh: Tự Trung
TT - Nhiều phường ở TP.HCM đã vận động dân góp tiền làm vỉa hè. Dù không hài lòng, người dân cũng đành góp tiền để rồi phải chịu đựng những đống xà bần, cát đá nằm ngày này qua ngày khác trước mặt tiền nhà...

Thi công ì ạch

Hàng chục hộ kinh doanh trên đường Lý Thường Kiệt (đoạn trước chợ Tân Bình) chỉ còn biết thở dài ngao ngán vì một rãnh sâu hoắm, nham nhở đất đá vừa được cày xới ngay trước nhà họ. Rãnh này làm một phần vỉa hè đang chờ xây mới nát bấy, lởm chởm gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Nhiều hộ phải bắc tạm những tấm ván qua rãnh cho xe ra vào. Chưa kể các vật liệu như đá, cát... để ngay mặt tiền các hộ kinh doanh.

Chủ một hộ bán kính mát thời trang tại đây than thở: “Từ ngày có đống cát choán hết mặt tiệm, doanh thu của chúng tôi giảm thấy rõ, nếu trước đây một ngày có hàng chục khách, bây giờ thi thoảng lắm mới có vài khách ghé qua. Đã làm thì làm nhanh cho dân nhờ, chứ ì ạch kiểu này khổ quá...”. Theo các hộ ở đây, mỗi hộ phải đóng hơn 7 triệu đồng để xây mới vỉa hè. Thế nhưng, thời gian thi công bao lâu cũng không thông báo cho dân biết để chuẩn bị.

Sở dĩ có phong trào làm vỉa hè do năm 2006 là năm cuối cùng các phường thu tiền lao động công ích của dân, nếu sử dụng không hết phải trả lại ngân sách. Một cán bộ Sở Giao thông công chính TP.HCM cho biết trong khi các quận “kêu” thiếu kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng thì lại chăm bẵm làm mới vỉa hè mà không chăm lo duy tu đường xuống cấp, cống nghẹt nước.

Tương tự, vỉa hè đường Lê Văn Sỹ (P.14, Q.3) đã nhỏ hẹp nay còn bị những đống đá, gạch, cát, bao ximăng... chiếm dụng khiến các hộ kinh doanh than trời: “Có một đoạn mấy trăm mét mà làm cả tháng chưa xong!”. Người dân đã kiến nghị phường dời thời gian xây vỉa hè qua tết để tiện buôn bán dịp cuối năm nhưng không được chấp nhận.

Theo ông Nguyễn Trường Sơn, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình quận Tân Bình, người dân đã gánh chịu thiệt hại do thi công vỉa hè nên ban quản lý sẽ thường xuyên nhắc nhở đơn vị thi công.

Còn ông Nguyễn Hùng Hậu - phó chủ tịch P.14, Q.3 và ông Nguyễn Hữu Bình - phó chủ tịch P.9, Q.3 - thừa nhận thi công vỉa hè dịp cuối năm làm ảnh hưởng nhiều đến các hộ kinh doanh. Nhưng hai vị này cho rằng công trình tiến hành vào cuối năm là do thủ tục phê duyệt kéo dài. Không có câu trả lời nào cho việc giải quyết thiệt hại của người dân.

“Vận động” = bắt buộc

Các địa phương cho biết vỉa hè xây dựng theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong đó Nhà nước góp 50-60% và người dân góp 50-40% . Tuy nhiên người dân ấm ức vì các địa phương không công khai vật liệu trong đơn giá và không cụ thể về chất lượng vỉa hè. Tại P.8, Q.Tân Bình, một công ty nhà nước đã không chịu nộp 17 triệu đồng làm vỉa hè vì phường không giải thích được tại sao giá làm mỗi mét vuông vỉa hè lên đến 404.000 đồng. Vì vậy, nhiều phường mới thu được tiền của 50-70% hộ dân làm vỉa hè.

Theo bà con, phường nói “vận động” dân tự nguyện góp tiền làm vỉa hè, thực chất là bắt buộc nộp tiền. Có phường gửi thông báo đến từng nhà ghi rõ “tổng kinh phí, ông (bà) phải đóng góp để tiến hành cải tạo vỉa hè đường là...”. Thậm chí P.4, Q.5 còn yêu cầu người dân đến nộp tiền trong bốn ngày.

Khi làm vỉa hè, người ta không xót của. Vỉa hè chung quanh công viên Âu Lạc trên đường Hùng Vương và Trần Phú (P.4, Q.5) trước đây được lát bêtông sỏi còn rất tốt và vỉa hè trên đường Lý Thường Kiệt (Q.Tân Bình), Lê Văn Sỹ (Q.3) do người dân lát gạch bông còn tốt nay bị đào bỏ để làm mới. Chính chủ đầu tư cũng biết sau này khi đường mở rộng đúng lộ giới sẽ đào bỏ vỉa hè đang làm nhưng vẫn cứ tiến hành.

Đã vậy, theo ban quản lý dự án, một số quận và UBND một số phường trong năm 2007 sẽ tiếp tục đập bỏ vỉa hè cũ và lát vỉa hè mới.

PH.THANH - NG.ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên