Phóng to |
Bia đá đơn sơ Thái Sơn tại chân tháp Bút |
Tiếc thay, xử việc quỉ thần, người ta lại cẩu thả, vụ lợi và hình thức đặc kiểu dương gian và đã vẽ lên một nét sống không đẹp...
Hóa, anh bạn tôi, mới vừa xây nhà. Việc lớn của đời người khiến Hóa gầy rộc. Chạy tiền, lo giấy tờ, chọn vật liệu, sửa thiết kế rồi tham khảo các loại kiểu dáng, mẫu mã Tây Tàu, kim cổ theo ý vợ, quan điểm họ nội ngoại... vậy mà Hóa cũng hoàn thành.
Nhưng mặt anh vẫn nhăn nhó khó khăn lắm. Hóa ra xây nhà lớn bây giờ người ta còn một mục nữa: mời thầy địa lý xem nhà đất. Thầy sẽ giúp gia chủ giải tai ương, phòng chống sự phiền nhiễu của ma tà, yếm khí. Và để công danh, tài lộc, hạnh phúc thêm... nhiều cái nhà nữa.
Thế đất của Hóa, thầy Bính bảo “hổ vĩ” sẽ bị ma trêu. Cúng bái, lễ lạy, phù chú đủ rồi nhưng cũng chỉ để xoa dịu tạm thời. Muốn yên phải mời thần hộ vệ về nhà trấn giữ. Thần ấy ở núi Thái Sơn (Trung Quốc). Chỉ cần mua một hòn đá gọi là bia, có khắc chữ “Thái Sơn thạch cảm đương” (tức là Đá Thái Sơn trấn giữ ở đây) đem chôn phía trước nhà (cổng hay cửa thì tùy) là được xem như có thần đang đứng đó trông coi cho mình.
“Thành phố bùa”
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc cho biết bia đá Thái Sơn thạch cảm đương được chôn rất nhiều ở Trung Quốc do người xưa quan niệm Thái Sơn núi thiêng giữa đất trời, hằng năm vua chúa thường lên cúng tế. Mấy năm gần đây loại bia đá này xuất hiện nhiều ở Hà Nội như một trào lưu từ nhà dân đến công sở... Đây là một quan niệm mê tín lạc hậu lẽ ra cần xóa bỏ. |
Mặt tiền nhà Hóa bóng loáng toàn inox, đá màu granit, cửa kính trang hoàng theo lối kiến trúc hiện đại không thừa một li không gian. Đặt “đá thần” ở đâu nhìn cũng chướng. Ấy vậy mà thầy Bính trễ cặp kính lão khom khom đi lại rồi thẳng tay chỉ vào giữa chân cột ra vào và nói phải trấn ở đây. Thật lòng Hóa rất xót con mắt nhưng chuyện thiêng của chốn u huyền, anh như kẻ mù nên phải nhất nhất theo thầy...
Thầy Bính vậy mà vui chuyện. Hết mấy tuần bia, thầy kể: Bia này trông đơn giản nhưng linh nghiệm vô cùng. Khi gia thất, trạch đường chẳng may phải đặt vào chốn hung hiểm hoặc khi xây cất trót không hỏi ý thầy nên đã biến thành nơi đón rước ma tà, tụ tập chướng khí hay bị ngăn chặn mạch vận... khiến gia chủ, nhân mạng và cả sinh vật cư trú ở đó muôn phần nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe, tài lộc, danh phận... (của cả hiện tại và tương lai). Tai ương đó biến kẻ giàu có thành hành khất, người uy danh nên phận thấp hèn...
Phóng to |
Lửa ở đâu đem nước đó mà dập. Cách duy nhất là mời thần về trấn giữ. Thần vốn giản dị: đem tiền ra phố đặt thợ, sau 4-5 ngày thì có đủ mọi kích cỡ, sắc màu mà bê về... Có bùa rồi thì nguy thành an, hung hóa cát. Đây là một trong những “tuyệt kỹ” của thuật phong thủy. Người Trung Hoa xưa cho rằng núi Thái Sơn là anh cả của Ngũ nhạc (gồm năm hòn núi lớn: Thái Sơn, Cao Sơn, Hoa Sơn, Hoàng Sơn, Hằng Sơn) trấn giữ càn khôn. Vì vậy, biện pháp dùng đá khắc chữ Thái Sơn thạch cảm đương là hiệu nghiệm, dễ làm hơn cả.
Thầy tâm tình: mấy năm “mở cửa” gần đây, thầy đã giúp cả trăm người ở Hà Nội dựng bia làm bùa. Ngoài nhà dân, có cả công sở hành chính, khách sạn, trụ sở công ty... chốn nào ma quỉ, chướng khí cũng đến. Và vì vậy họ đều phải nhờ thầy. Thầy thú thật rằng bia Thái Sơn chôn ở các nơi không theo một khuôn mẫu, qui tắc nào hết. Theo những địa chỉ mà thầy tiết lộ, chúng tôi lượn một vòng quanh “thành phố bùa”.
Đầu tiên là ngôi nhà ở ngõ 6 phố Vạn Phúc (gần đường Kim Mã) gắn một tấm bia lớn, hoa văn tinh xảo, khắc chữ nổi “Thái Sơn thạch cảm đương” ngay trước cổng. Phía góc tường đối diện ngã ba đường lại chôn thêm một tấm bia nhỏ hơn, cũng dòng chữ ấy nhưng kiểu dáng, hoa văn có “cách điệu”. Gia đình đối diện có lẽ sợ ma tà bị đánh đuổi bên kia sẽ chạy sang nhà mình nên cũng dựng một tấm bia đơn giản, nhỏ gọn khắc chữ chìm gắn trên cổng bằng bốn đinh vít ghim vào tường!
Tại ngôi nhà sáu tầng của một công ty TNHH ở ngã năm Bà Triệu - Nguyễn Du lại chôn một tấm bia độc lập sừng sững ngay bên cổng. Ngoài mẫu mã bình thường, tấm bia này còn có thêm một búp sen ở trên đỉnh khiến người ngoài không rõ dụng ý gia chủ. Khách sạn C trên đường Trần Bình Trọng chôn bia theo cách lạ đời nhất. Bên phải trụ cổng là bia đá Thái Sơn không có hoa văn, khắc chữ chìm.
Bên trái là một tấm bia cùng kích cỡ khắc tên khách sạn bằng chữ quốc ngữ. Chung “môtip” đó, một cơ quan nhà nước đầu phố Tràng Thi cũng gắn hai bia đá hai bên cửa phòng làm việc trên tầng hai. Một bia là Thái Sơn và một bia ghi tên cơ quan... Thầy Bính “ghét” nhất là ngôi nhà ở phố Thụy Khuê chôn bia đá Thái Sơn song song với bia đá khắc chữ “Sơn hải trấn” (hình ba hòn đá) trước cửa. Thầy Bính mỉa: “Đã có “Sơn hải trấn” lại còn chôn “Thái Sơn” khác nào vừa chơi trăng vừa thắp đèn...”.
Rước thần hay đón quỉ?
Phóng to |
Lân la đến các cửa hàng làm đồ đá tại phố Hàng Bạc, nơi được xem là nguồn cung cấp bia đá Thái Sơn chủ yếu tại Hà Nội, chúng tôi nhận thấy các cửa hàng đều nhận làm loại bia này. Chỉ cần nói kích thước, kiểu dáng, mức độ chạm trổ hoa văn cửa hàng sẽ làm và hẹn ngày đến lấy. Giá xê dịch từ 50.000 - 600.000 đồng tùy qui mô, thiết kế.
Chủ cửa hàng và thợ đá phần lớn chỉ theo yêu cầu của khách chứ ít người am hiểu loại bia này. Khách thì giống như Hóa, hoàn toàn “trông cậy” vào thầy phong thủy.
Có thầy dạy đặt bia màu xám, có thầy muốn màu đen hay màu đỏ. Và có thầy thì dễ dãi hơn, bảo: “Tùy!”. Một chủ cửa hàng cho biết mỗi tháng bán được 3-5 chiếc.
Một nhà phong thủy cho rằng bia đá “Thái Sơn thạch cảm đương” còn chống đường đi xung với nhà: đường cái đâm thẳng vào nhà hoặc nhà đối diện ngã ba đường hình chữ đinh. Khi xúc phạm đến những thế đất cấm như hổ khẩu, hổ vĩ, Thái Tuế thì dùng đá Thái Sơn trừ tà. Những trường hợp này chôn bia đá “Thái Sơn thạch cảm đương” nặng 50-100 cân, cao 4 thước 8 tấc, rộng 1 thước 2 tấc, dày 4 tấc. Đá chôn sâu 8 tấc vào giờ Dần. Sách Kinh Lỗ Ban có ghi: đường cái đâm thẳng vào nhà là điều không tốt, giống như mũi tên vô hình đâm thẳng vào ngực, không có lợi cho chủ nhà. Muốn hóa giải phải dùng bia đá “Thái Sơn thạch cảm đương” cao 5 xích 9 (khoảng 1,65m) chôn sâu trước cửa. Cách khác là viết hoặc vẽ hình “Sơn hải trấn” (hình ba hòn đá) treo trước cửa. |
Nếu để ý thì thấy địa điểm mà các “thần” trấn cũng không theo một qui tắc nào cả. Nói như thầy Bính là “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Người ý tứ thì chôn bia chìm vào cổng nhưng có nhà chôn lấn ra lề đường, tiện thể nhờ “thần” lấn thêm ít đất...
Lý giải về việc mỗi khách hàng được dạy chôn một kiểu, đặt một cỡ bia, thầy Bính nói: “Theo nguyên tắc là phải làm từ một khối đá vạt một mặt để khắc chữ rồi chôn độc lập ở đúng điểm cần trấn. Nhưng phố phường, đất chật người đông, kiện cáo ỏm tỏi nên tùy nơi mà hướng dẫn người ta chôn bia. Làm sao nhất nhất phải theo các cụ được” (!).
Dù cái sự cần “thông cảm” đó đã được các thầy mở cửa hết cỡ nhưng vẫn có những chuyện mà ngay cả khi thầy Bính “lâng lâng” nhất cũng không thể tha thứ. Ấy là chữ “cảm” trên bia mang nghĩa dũng cảm khắc thành chữ “cảm” nghĩa tình cảm.
Mọi chuyện không ai để ý, cho đến khi gia chủ gặp chuyện ốm đau, làm ăn sa sút phải mời thầy khác đến xem. Thầy bắt đúng “huyệt” là bia sai chữ khiến thần không về mà toàn quỉ... Từ đó ông thầy chôn bia cả năm không dám đi qua đường cũ...
Tỏ ra “cắn rứt”, thầy Bính nói: “Nếu bắt bẻ vậy thì tất cả các gia đình gắn bia lên cổng đều sai vì đó là vị trí treo tượng môn thần (xuất xứ từ việc hai danh tướng Tần Thúc Bảo và Uất Trì Cung canh cổng bảo vệ giấc ngủ của vua Đường Thái Tông Lý Thế Dân trong buổi mới lên ngôi).
Còn chuyện một nhà dựng hai bia Thái Sơn và “Sơn hải trấn” để các thần “cạnh tranh” thì quả là thần thánh thời kinh tế thị trường mới bị...”. Có người tỏ ra am hiểu nói: gỗ, đá, vàng, đồng... muốn hóa nên thiêng khi dựng tượng, lập bia buộc phải có thủ tục “hô thần nhập tượng” để rước thần thánh đến ngự.
Với bia đá Thái Sơn còn phải theo kích cỡ chuẩn, chọn ngày giờ phù hợp với gia chủ rồi chôn bia niệm chú... ngay vị trí cần trấn. Nhưng ngày nay thường người ta chỉ chôn, dựng bia như một thiết bị xây dựng vậy.
Phóng to |
Chuyện bùa phong thủy, nhiều người nhớ đến công trình dinh Thống nhất (dinh Độc Lập) mà nhà cầm quyền chế độ cũ xây dựng với sự huy động tối đa những tinh hoa về bùa chú phong thủy đương thời. Nhất là giai thoại về phủ Đầu rồng lại có hồ Con Rùa trấn lên cái đuôi rồng để mọi sự hưng vượng, hanh thông.
Thế nhưng kết cục của nó đã ngược lại. Còn ngày nay rất nhiều đại gia tiền tỉ do buôn lậu, tham nhũng đã xây nên bao phủ, điện, dinh thự bề thế với hàng đoàn các thầy bà ngày đêm cúng tế...
Nhưng nghiệp chướng không tránh được quả báo. Nhiều đại gia ấy lại phải rời phủ suý và chui vào bốn bức tường với song sắt, khóa còng... Đời luôn có thần thánh nên có cả ma tà. Có ma tà nên phải có bùa phép. Nhưng ma tà thường sinh ở chốn chướng khí; tai họa hay phát tác từ hành vi, tập tính gây nghiệp chướng, tiền oan...
Khó có bùa nào giải được. Chỉ có cái “thiện căn” là tấm bia duy nhất sừng sững giữa cõi nhân sinh trấn giữ được ác họa của mỗi con người mà ai cũng có thể tự chôn dựng cho mình...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận