01/03/2006 03:52 GMT+7

Đảng viên hay ông chủ?

NGUYỄN HỮU VINH(giám đốc một doanh nghiệp tư nhân tại Hà Nội)
NGUYỄN HỮU VINH(giám đốc một doanh nghiệp tư nhân tại Hà Nội)

TT - Tôi đã xúc động khi đọc bài của GS Nguyễn Đức Bình trên báo Nhân Dân và Tuổi Trẻ. Đó là một bài báo rất thẳng thắn, mạnh dạn nêu những vấn đề hết sức nhạy cảm từ một cựu lãnh đạo tư tưởng cao cấp của Đảng Cộng sản VN, đồng thời như một trong những cây bút lý luận của Đảng. Riêng việc ông không đồng ý để đảng viên được làm kinh tế tư bản tư nhân đã lôi tôi vào cuộc, muốn được tâm sự về cảnh ngộ của mình.

(Thư ngỏ của một doanh nhân - cựu đảng viên cộng sản - gửi GS Nguyễn Đức Bình)

5JTO3yxN.jpgPhóng to

Thời cơ vàng: Vận hội mớiThời cơ vàng: Vượt qua cái bóng của mìnhThời cơ vàng và hiểm hoạ đenHướng đến chân lý sẽ vượt qua cái bóng của mìnhNgười tài chưa được trọng dụng hay bị đố kỵ?

Người dân đòi hỏi phải có sự bứt phá mới

Vui với những điều mình làm được

Cách đây hơn sáu năm, tôi quyết định rời cơ quan nhà nước ra mở công ty tư nhân. Quyết định đó xuất phát từ cảm giác bức bối muốn được sống có ích, làm những gì mình hằng ấp ủ, được kiếm những đồng tiền thật sự sạch. Trong khi trước đó tôi luôn cho rằng mình hoàn toàn không hợp với nghề kinh doanh, nhưng cái cảm giác như một cầu thủ còn sung sức mà bao năm cứ phải đá “cuội” đã giúp tôi chiến thắng nỗi lo sợ sắp phải đối mặt với thương trường.

Suốt nhiều tháng chuẩn bị, rồi từ sau khi ra kinh doanh đến giờ, tôi đã sống như trong một cuộc đời khác, mà cho đến hôm nay vẫn thấy như mơ. Hằng đêm đi ngủ với cuốn sổ và cây bút bên mình, có khi tỉnh giấc, nghĩ một ý hay là tôi choàng dậy viết liền. Đi chơi cũng vậy, mỗi khi bạn bè góp ý hay nghi ngại, tôi cũng cố viết ra để về suy nghĩ.

Không phải chỉ vì tôi đã bỏ những đồng tiền cuối cùng chắt bóp được vào “canh bạc” này, mà chủ yếu là được cảm giác hoàn toàn thật, rằng mình chính là mình, không còn nói dựa ăn theo, không còn xoay xở tìm cách kiếm sống bằng những đồng tiền sao cho đỡ bẩn nhất...

Những nụ cười, lời khen ngợi của khách hàng, bạn bè như nguồn động viên vô giá mỗi khi gặp khó khăn. Nhưng ngược lại là một cảm giác cô đơn như một kẻ lạc loài. Nó còn khủng khiếp hơn vì tôi chưa hề dự liệu. Đó là tôi vốn được sinh ra trong một gia đình, dòng họ nội ngoại cứ như là làm “nghề” cán bộ - đảng viên “gia truyền”; quanh tôi, bạn bè, người thân đều là “người nhà nước”, là đảng viên.

Sáng chiều họ đi về với cơ quan, còn tôi chỉ quanh quẩn trong căn nhà cũng là trụ sở công ty. Mỗi khi gặp gỡ, người quen hay bạn mới thường hỏi những câu muôn thuở: “đồng chí công tác ở đâu, cơ quan nào?”. Tôi, khi cay nghiệt, lúc lại tự hào, mà nhẹ nhàng: “Tôi chỉ tư tác thôi”, còn trong bụng thầm nghĩ: “Tôi không còn là đồng chí của đồng chí nữa mất rồi”. Đôi khi vui, bạn bè tán thưởng: “Khi nào tao về hưu thì cho một chân nhé”. Thật chua xót! Họ nghĩ thương trường là chốn của những kẻ cùng đường hay sao?

Cùng với quyết định nghỉ công tác, tôi nhận giấy chuyển sinh hoạt Đảng về địa phương. Nhưng tôi đã không sinh hoạt Đảng từ đó đến nay (nên đương nhiên, dù chưa có thủ tục gì, giờ này tôi không còn là đảng viên nữa). Lý do chính: là một đảng viên, tôi không thể đồng thời là ông chủ, “bóc lột” sức lao động của công nhân, theo như lý luận của học thuyết Marx-Lenin, và đương nhiên đi ngược với lý tưởng của Đảng. Thậm chí tôi khác nào kẻ “nằm vùng” trong Đảng!

Tôi vững tâm hơn khi được sự ủng hộ của cha tôi, một lão thành cách mạng - cựu ủy viên BCH T.Ư đảng. Nói chính xác hơn thì ông rất ủng hộ việc tôi ra kinh doanh, nhưng không có ý kiến gì khi không thấy tôi về sinh hoạt cùng chi bộ hưu trí với ông. Một người chú trong họ - lúc đó là ủy viên BCT - có vẻ thận trọng hơn, ông im lặng trong một thời gian dài và rồi cuối cùng cũng vui vẻ thăm hỏi tôi “chuyện làm ăn” mỗi khi gặp mặt.

Mặc dù luôn bị mang cái “mác” bóc lột, nhưng tôi tự hào là vừa tạo được công ăn việc làm cho nhiều bạn trẻ, nhưng cũng vừa bằng con đường nào đó luôn tìm đến lý tưởng công bằng xã hội mà chủ nghĩa Marx nhắm đến với nhiều cách, trong đó có việc dần dần để tất cả nhân viên cùng tham gia cổ phần của công ty. Nghĩa là họ sẽ cùng tôi được tự bóc lột chính sức lao động của mình. Chúng tôi vừa là chủ, vừa là tớ.

Tôi chợt muốn khóc...

Năm 2002 tôi quyết định tự ứng cử đại biểu Quốc hội. Nghe tôi thưa chuyện, cha tôi hết sức ủng hộ. Bên giường bệnh, ông còn mời một vị đứng đầu trong MTTQTƯ đến hỏi ý kiến, rồi rất vui khi biết rằng từ nhiệm kỳ này khuyến khích hơn việc doanh nhân và cá nhân tự ứng cử.

Thế nhưng, ngay trong buổi hiệp thương vòng đầu, khi lý giải việc không tham gia sinh hoạt Đảng như nói ở trên, tôi đã bị nhiều ý kiến phản ứng dữ dội. Đơn giản là mọi người không chấp nhận cái kiểu “lý sự cùn” đó của tôi, mà theo họ như vậy thực chất tôi là một đảng viên mất phẩm chất, bỏ Đảng.

Cho đến hôm nay tôi vẫn không sao quên được cảm giác lúc đó. Đầu óc quay cuồng, mồ hôi ra như tắm. Tôi như bị lăng nhục, tựa một buổi đấu tố. Trước mặt tôi là những đảng viên trung kiên, họ nhìn tôi như kẻ lạc loài, một “con chiên ghẻ”. Tôi đã thất bại ê chề, và nhớ lại lời khuyên của người bạn có trách nhiệm trong việc tổ chức bầu cử: “Cậu đừng khai là đảng viên, khai là hỏng.

Tay X cũng ra kinh doanh, vào từ khóa trước, là đảng viên mà nó lờ đi có khai đâu”. Tôi không nghe theo, nếu được làm lại từ đầu tôi cũng sẽ vẫn hành động như vậy. Bởi vì một trong những phẩm chất quan trọng nhất của một con người, một đại biểu của dân, một đảng viên là trung thực.

Sẽ có rất nhiều điều phải bàn quanh ý kiến “có cho đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân hay không”. Không thể đơn giản bằng một từ “không” hay “có” ở đây nếu như không đặt lại rất nhiều luận điểm quan trọng trong học thuyết Marx.

Nếu muốn, tôi có nên xin quay lại Đảng nữa không? Nếu quay lại thì tôi phải từ bỏ vị trí ông chủ, xin làm công nhân, nhân viên hay sao ? Có sự lựa chọn nào đau đớn hơn thế không ? Sẽ nảy sinh một luận đề mới: đảng viên và ông chủ ở hai đầu chiến tuyến. Vậy mà chúng tôi đang ngày càng được tôn vinh, có được ngày kỷ niệm cho mình, những doanh nhân làm giàu cho đất nước. Cũng là một nghịch lý phải không?

Còn một điều tôi muốn tâm sự thêm là cảnh ngộ của người dân thường yếu ớt hoàn toàn không có chỗ dựa chính trị, một khi làm ăn, kiếm sống sẽ phải khốn khổ đến đâu. Bởi vì chỉ nhìn vào bản thân mình, nào “con dòng cháu giống”, rồi được tôi luyện dạn dày qua những cơ quan quan trọng, mặc dù không dựa “ô dù cha chú” nhưng cũng có chút gì bóng vía để kẻ khác e dè.

Tôi cũng có những kinh nghiệm ứng xử với cán bộ đảng viên, có cả “lý luận chính trị” để tranh đấu, ấy vậy mà tôi cũng đã phải rất vất vả “chiến đấu” trên thương trường. Không phải tôi chiến đấu với đối thủ cạnh tranh, mà là với những điều phi lý từ chính sách, pháp luật và những người thực hiện.

Nhưng nỗi gian lao của tôi so với những người dân thấp cổ bé họng thật chẳng đáng gì (kể khổ ở đây mà phát ngượng). Trên thương trường, tôi chỉ là lính mới, họ mới thật sự là lính xung kích, là “đầu rơi máu chảy”. Họ chỉ mong tìm chỗ dựa, chí ít là của kẻ cùng cảnh ngộ. Đó có thể sẽ là những nhà tư sản có chân trong Đảng hay không?

Ngày vào Đảng, tôi đã không khỏi nghẹn ngào. Khi cất tờ giấy chuyển sinh hoạt Đảng vào tủ, mắt tôi ráo hoảnh. Nhưng hôm nay, góp ý cho Đảng sao tôi chợt muốn khóc... Thế hệ trẻ sẽ nghĩ gì khi những bậc cha chú, những người đã, đang là “đội quân tiên phong” dẫn lối đưa đường còn mải mê tranh cãi tìm con đường sao cho đến một ngày nào đó, cuộc sống của họ được bằng những nước tư bản phát triển.

Ý kiến của bạn:

NGUYỄN HỮU VINH(giám đốc một doanh nghiệp tư nhân tại Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên