21/01/2006 05:01 GMT+7

Ếch Thái không hái ra tiền

QUỐC THANH
QUỐC THANH

TT - Háu ăn, thậm chí ăn thịt lẫn nhau; bụng to, đùi nhỏ, lại khá lười biếng... là những đặc điểm dễ thấy nhất ở ếch Thái Lan. Chúng đã ồ ạt “đổ bộ” vào VN và phong trào nuôi ếch Thái nổi lên khoảng gần một năm nay. Nhưng...

CyNCJ6jB.jpgPhóng to
TT - Háu ăn, thậm chí ăn thịt lẫn nhau; bụng to, đùi nhỏ, lại khá lười biếng... là những đặc điểm dễ thấy nhất ở ếch Thái Lan. Chúng đã ồ ạt “đổ bộ” vào VN và phong trào nuôi ếch Thái nổi lên khoảng gần một năm nay. Nhưng...

Nuôi 100, hao hụt 57!

Năm 2005 là thời điểm đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của phong trào nuôi ếch Thái ở nhiều tỉnh, thành. Nếu năm 2004 tại TP.HCM chỉ lác đác một số ít hộ nuôi loại ếch này mang tính thử nghiệm, thì đến cuối năm 2005 qua thống kê sơ bộ đã có đến khoảng 300 hộ nuôi ếch Thái với các qui mô khác nhau.

“Đây là tốc độ phát triển rất nhanh đối với loại vật nuôi còn rất mới” - các nhà chuyên môn của Trung tâm Nghiên cứu khoa học kỹ thuật và khuyến nông TP.HCM nhận định. Không những vậy, phong trào nuôi ếch Thái nhanh chóng lan ra nhiều tỉnh, thành cả nước và khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng là một trong những nơi có số lượng nuôi lớn.

Ông Đặng Ái Việt - chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM - cho biết chỉ trong năm 2005 lượng ếch giống nhập qua cửa khẩu TP.HCM khoảng trên 4 triệu con và ếch bố mẹ trên 8.000 con. Còn ở 17 trại ếch giống khu vực TP.HCM đã xuất bán ra thị trường khoảng 2,5 triệu con, gồm giống sản xuất tại chỗ và nhập khẩu.

Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, đánh giá nhiều khía cạnh..., Trung tâm Nghiên cứu khoa học kỹ thuật và khuyến nông TP.HCM chính thức phát “tín hiệu” không mấy lạc quan: hiệu quả của mô hình nuôi ếch công nghiệp ở TP.HCM trong năm 2005 là rất thấp.

Kết quả của đợt khảo sát thực tế ở các hộ nuôi ếch theo mô hình nuôi công nghiệp tại thành phố này cho thấy chỉ có 73 hộ nuôi (chiếm 36,5%) là hòa vốn hoặc có lãi. TS Trần Viết Mỹ - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học kỹ thuật và khuyến nông TP.HCM - nói qua nghiên cứu thực tế đã cho thấy trung bình cứ nuôi 100 con ếch là hao hụt 57 con (tương đương 57%), một tỉ lệ hao hụt lớn.

TS Mỹ cho biết thêm ngay khi thả giống đã hao hụt khoảng 26%, rồi hao hụt do bệnh tật khoảng 10%, các nguyên nhân khác như môi trường, chăm sóc... khoảng 21%. Trong khi đó, các nhà chuyên môn tính toán tỉ lệ ếch sống bình quân thấp nhất phải đạt 55% mới có khả năng đảm bảo có hiệu quả kinh tế.

Đó là chưa kể đến yếu tố đầu ra của ếch Thái đang “bí”. Chính vì ếch Thái có cặp đùi nhỏ so với trọng lượng cơ thể nên việc tìm đường xuất sang thị trường các nước không phải là chuyện dễ dàng. Nói chung việc tiêu thụ sản phẩm ếch công nghiệp có khó khăn, giá cả biến động và thấp, chưa đánh giá được khả năng tiêu thụ.

Chớ nên chạy theo phong trào

Một nhà khoa học Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cho rằng trước mắt không nên khuyến khích người dân thả nuôi rộng rãi, chỉ có thể nuôi ở mức độ nhất định. Quan tâm đến góc độ chất lượng con giống, Trung tâm Nghiên cứu khoa học kỹ thuật và khuyến nông TP.HCM lưu ý: ếch công nghiệp là con giống lai nên dễ xảy ra tình trạng thoái hóa giống, ếch con chậm lớn, thích nghi kém với môi trường dẫn đến chết hàng loạt, gây thiệt hại cho người nuôi.

Cũng với thái độ cẩn trọng, TS Nguyễn Tuần - Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 - bày tỏ quan điểm: ở thời điểm này không nên phát triển ồ ạt ếch Thái và người dân cũng không nên chạy theo phong trào nuôi ếch công nghiệp.

Theo ông Tuần, nếu việc nuôi ếch Thái được khuyến khích phát triển mạnh, rộng rãi thì chỉ làm giàu cho những người bán giống mà thôi! Lý do: đây là vật nuôi còn mới mẻ, chưa có những nghiên cứu sâu để hiểu rõ về những vấn đề nuôi ếch Thái... và hiệu quả kinh tế bước đầu cho thấy là không cao, có thể người dân sẽ gặp khó khăn khi nuôi với qui mô lớn. Mặt khác loài ếch này ăn thịt lẫn nhau làm tỉ lệ hao hụt khá lớn trong quá trình nuôi.

Trong khi đó, Trung tâm Nghiên cứu khoa học kỹ thuật và khuyến nông TP.HCM cũng khuyến cáo nếu nuôi ếch Thái Lan trong ao và trong vèo lưới thì vấn đề phát tán giống nuôi ra môi trường bên ngoài rất khó kiểm soát.

Theo trung tâm này, nên hạn chế phát triển nuôi ếch trong ao và trong vèo lưới; cần có biện pháp đảm bảo an toàn, đồng thời tuyệt đối không để giống nuôi thất thoát tràn lan ra môi trường xung quanh.

QUỐC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên