Phát biểu trong cuộc họp báo tại thành phố Johannesburg ngày 24-7, Bộ trưởng Môi trường Nam Phi Edna Molewa cho biết từ tháng 1 đến nay, tổng cộng 529 cá thể tê giác đã giết hại bởi những đối tượng săn bắn trộm, giảm so với 542 con bị giết trong cùng thời kỳ năm ngoái.
Theo bà Molewa, mặc dù số lượng tê giác bị giết hại đã giảm nhẹ, nhưng vẫn đứng ở mức báo động. Đặc biệt, riêng Công viên quốc gia Kruger nổi tiếng của Nam Phi và châu Phi, đến nay số lượng loài động vật hoang dã quý hiếm này đã giảm 34%, so với cách đây 10 năm.
Trước đó, theo báo cáo của Tổ chức giám sát buôn bán động vật hoang dã thế giới (TRAFFIC), số lượng tê giác bị giết hại đã tăng mạnh từ 13 cá thể trong năm 2007 lên tới 1.215 cá thể vào năm 2014.
Chỉ riêng trong 8 năm gần đây, khoảng 1/4 tổng số tê giác trên thế giới đã bị giết ở Nam Phi - quốc gia chiếm 80% tổng số loài động vật hoang dã quý hiếm này trên toàn cầu đang sinh sống.
Theo TRAFFIC, Nam Phi đang phải đấu tranh quyết liệt với nạn săn bắt trộm loài tê giác bởi do nhu cầu sử dụng sừng của loài động vật hoang dã này gia tăng tại châu Á.
Cho đến nay, giới khoa học trên thế giới đã chứng minh sừng tê giác không phải là loại thuốc “chữa bách bệnh" như những đồn đại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận