Hội thảo đã thu hút sự tham dự của đông đảo các nhà khoa học, các doanh nhân, giảng viên, nghiên cứu sinh hoạt trong lĩnh vực du lịch, trong đó có đến hơn 40 đại biểu quốc tế đến từ nhiều nước khác nhau trên thế giới. Báo cáo “Mô hình Đo lường Chất lượng Dịch vụ của Sun Wheel - Tp. Đà Nẵng” của ĐH Duy Tân cũng đã được Hiệp hội Du lịch Văn hóa Thế giới trao giải “Best Paper” trong tổng số 76 nghiên cứu khoa học được trình bày tại Hội thảo.
Các nhà lãnh đạo, nhà khoa học phát biểu và thảo luận tại Hội thảo |
Những vấn đề “nóng” nhất trong phát triển du lịch và du lịch văn hóa hiện nay đã được trình bày, thảo luận, và đề xuất giải pháp ngay tại Hội thảo. Trong đó, các vấn đề phát triển nguồn nhân lực du lịch, bảo tồn di sản văn hóa, đẩy mạnh du lịch văn hóa,… đã mang đến những góc nhìn mới về tính bức thiết trong phát triển loại hình Du lịch Văn hóa, bên cạnh các loại hình du lịch truyền thống khác như Du lịch Sinh thái, Du lịch Khám chữa bệnh,…
Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Hiệu trưởng ĐH Duy Tân đã nhấn mạnh tại Hội thảo: “Du lịch là một ngành công nghiệp không khói. Ngày nay, những người đi du lịch không chỉ dừng ở việc chiêm ngưỡng cảnh đẹp, thưởng thức ẩm thực mà quan trọng hơn là đi tìm hiểu văn hóa, con người của từng địa phương, từng quốc gia mình đặt chân đến. Từ những kết nối đầy ý nghĩa thông qua du lịch, tình hữu nghị và hòa bình trên thế giới càng thêm bền chắc hơn bởi sự thấu hiểu, cảm thông và trân trọng lẫn nhau giữa các nền văn hóa. Bởi vậy, Hội thảo cần ghi nhận những ý kiến đóng góp thiết thực nhất để góp phần xây dựng các chiến lược hỗ trợ và thúc đẩy phát triển du lịch Đà Nẵng nói riêng và Du lịch Thế giới nói chung trong tương lai.”
Cùng ý kiến với Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ, GS. TS. Sung - chae, Jung (Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Du lịch Hàn Quốc) khẳng định: “Với chủ đề ‘Xây dựng sự đặc trưng và yếu tố đa văn hoá trong Du lịch’, Hội thảo sẽ chia sẻ những ý tưởng và đề xuất các chiến lược để đẩy mạnh phát triển Du lịch Văn hóa. Các thông tin thu được sẽ rất hữu ích cho việc quản lý và tiếp thị du lịch. Tôi muốn nhân cơ hội này cảm ơn ĐH Duy Tân, cảm ơn tất cả các thành viên trong Ban Tổ chức đã tạo ra một diễn đàn trao đổi thẳng thắn và hiệu quả cũng như đã nỗ lực làm việc để mang thành công đến Hội thảo này.”
Đại diện Hiệp hội Du lịch Văn hóa thế giới trao giải “Best Paper” cho ThS. Cao Thị Cẩm Hương và Lê Hữu Luật của ĐH Duy Tân |
Bên cạnh các báo cáo của các nhà nghiên cứu đến từ quốc tế như: “Du lịch y tế. Sự tương hợp và không tương hợp khi các dịch vụ y tế được cung cấp cùng với các dịch vụ du lịch” của tác giả Polyxeni Moira - ĐH Khoa học Ứng dụng Pirae, Hy Lạp; “Phát triển cộng đồng và vai trò của Du lịch” của TS. Sunil, Khoa Thương mại, ĐH Delhi, Ấn Độ; “Du lịch Triều Tiên: Một phương cách thúc đẩy văn hóa quốc gia” của tác giả Simon Potter, Khoa Sau Đại học Ngôn ngữ và Văn hoá, ĐH Nagoya, Nhật Bản,… các đại biểu cũng thực sự quan tâm đến các đề tài nghiên cứu du lịch Việt Nam.
Trong đó có các vấn đề rất cụ thể như: Du lịch Lễ hội và Hành Hương trong xu thế toàn cầu hóa, Các giá trị của Di sản văn hóa miền Trung Việt Nam trong Chiến lược Phát triển Du lịch cho Hành lang Kinh tế Đông -Tây, Văn hóa ẩm thực xứ Quảng trong xu thế hội nhập của thế kỷ 21, Đền Bà chúa Xứ - Sản phẩm du lịch của điểm đến văn hóa tâm linh,…
Với 7 nghiên cứu và đề xuất về phát triển du lịch, các báo cáo của ĐH Duy Tân đã được các nhà khoa học tại Hội thảo đánh giá cao. Trong đó phải kể đến đề tài “Mô hình Đo lường Chất lượng Dịch vụ của Sun Wheel - Tp. Đà Nẵng” của nhóm tác giả gồm Cao Thị Cẩm Hương, Lê Thái Phương, Hồ Sử Minh Tài và Lê Hữu Luật.
Ngay sau khi được Hội đồng các nhà khoa học thẩm định, đề tài đã được Hiệp hội Du lịch Văn hóa thế giới trao giải “Best Paper”. ThS. Cao Thị Cẩm Hương - Giảng viên Khoa Du lịch ĐH Duy Tân, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Khi chất lượng cuộc sống được nâng lên thì ngay trong phát triển du lịch, các vấn đề về dịch vụ, chất lượng sản phẩm du lịch được du khách đặc biệt quan tâm. Tạo ra sự khác biệt, ấn tượng ngay tại điểm đến du lịch chính là yếu tố sống còn cho sự tồn tại và phát triển của loại hình du lịch đó. Khi Khu vui chơi Sun Wheel ngày càng thu hút đông đảo du khách đến tham quan thì các nghiên cứu về mức độ hài lòng của khách du lịch là thực sự quan trọng. Bởi vậy, nhóm đã khảo sát rất nhiều các yếu tố khác nhau như tính hiện đại của trang thiết bị, cơ sở vật chất, sự tương tác giữa nhân viên và du khách, những thuận tiện trong vị trí, di chuyển,... để xây dựng một mô hình đo lường chất lượng dịch vụ chuẩn, giúp Sun Wheel có thể điều chỉnh và nâng cấp theo nhu cầu của khách hàng.”
Những ý kiến đóng góp tại Hội thảo không chỉ giúp các chuyên gia, doanh nhân trong ngành nắm rõ xu thế để có những chiến lược phát triển hiệu quả hơn cho ngành Du lịch trong tương lai mà cụ thể hơn, ngay tại các trường đại học đào tạo du lịch như ĐH Duy Tân, Hội thảo là cơ hội để nhà trường hoàn thiện hơn nữa chương trình đào tạo của mình nhằm nâng cao và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng tốt nhất cho phát triển Du lịch Việt Nam hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận