Xe hơi dừng theo chiều bị cấm và mở cửa khiến cô gái chạy xe máy phía sau loạng choạng, ngã ra đường, rồi bị xe buýt cán chết - Ảnh: ĐÌNH TRỌNG |
Đã có rất nhiều cái chết tức tưởi vì người ngồi trong xe hơi mở cửa không an toàn.
Điển hình là vụ tai nạn xảy ra vào chiều 31-7, một chiếc xe hơi dừng theo chiều bị cấm và mở cửa khiến cô gái chạy xe máy phía sau loạng choạng tay lái rồi ngã ra đường. Đúng lúc này, xe buýt chạy theo chiều ngược lại không thắng kịp đã cán qua người cô gái khiến cô chết tại chỗ.
Được biết, đoạn đường xảy ra tai nạn cho phép xe máy chạy hai chiều và chỉ cho ôtô chạy một chiều. Khi xảy ra tai nạn, xe hơi đang dừng theo chiều cấm lưu thông.
Nhiều bạn đọc bức xúc trước sự việc này, họ cho rằng cần có biện pháp xử lý nặng hơn nữa mới răn đe được những người đi xe ôtô thiếu cẩn thận gây tai nạn cho người khác khi mở cửa xe.
Làm rõ lỗi các bên liên quan
TS, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết cơ quan điều tra cần xác minh, làm rõ lỗi tài xế cho xe dừng chiều cấm lưu thông và lỗi chủ quan do không quan sát trước khi mở cửa.
LS Trạch cho biết thêm, đối với xe buýt cũng cần xác định tài xế xe buýt có bảo đảm an toàn, tuân thủ quy định tốc độ lưu thông, khoảng cách an toàn trong khu vực nội thành hay không để xác định trách nhiệm liên quan.
Cùng ý kiến, luật sư Trần Ngọc Quý (Đoàn luật sư TP.HCM) cho hay đối với xe buýt cũng phải xác minh làm rõ xe có chạy đúng làn đường, đúng tốc độ theo quy định luật giao thông đường độ tại tuyến đường đó hay không.
Trường hợp xe buýt chạy quá tốc độ trong nội thành thì trách nhiệm liên quan tiếp theo ở đây là trách nhiệm xe buýt.
Làm gì để tránh tai nạn bất ngờ?
Trên thực tế có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra mà xuất phát từ chính lỗi chủ quan của người tài xế như mở cửa xe không an toàn.
“Người tài xế cần nghiêm túc tuân thủ quy định của luật giao thông đường bộ. Việc tuân thủ pháp luật, cẩn trọng trong quá trình lưu thông, dừng đỗ là để bảo vệ cho chính người tài xế, những người khác cùng lưu thông trên đường” - luật sư Trạch nói.
LS Quý cũng cho biết để tránh những tai nạn bất ngờ xảy ra thì việc đầu tiên là người tài xế phải xem rõ đoạn đường chuẩn bị cho xe dừng, đỗ có thuộc đoạn đường cho phép hay không và hạn chế dừng những đoạn đường quá hẹp. Tiếp theo, khi mở cửa xuống xe thì phải quan sát trước sau thật kỹ bằng mắt và gương chiếu hậu, nên mở cửa xe từ từ tránh gây nguy hiểm cho chính mình và cho cả những phương tiện khác đang lưu thông.
Ý thức - nhận thức của người tài xế phải được nâng cao, phải luôn đặt sự an toàn của chính mình, hành khách và những người cùng lưu thông trên đường.
Quy định dừng, đỗ, mở cửa xe? Căn cứ quy định tại điểm đ, khoản 3, điều 18 Luật giao thông đường bộ năm 2008, người điều khiển phương tiện không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn. Căn cứ quy định tại điểm g, khoản 2, điều 5 nghị định số 46/2016/NĐ-CP, hành vi mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn sẽ bị xử phạt hành chính từ 300.000 - 400.000 đồng, và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng. Cần kiểm tra tính hợp pháp của việc dừng xe để có biện pháp xử lý phù hợp theo quy định tại điều 5 nghị định số 46/2016/NĐ-CP. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển ôtô thực hiện hành vi vi phạm trên mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng (điểm c, khoản 12, điều 5). |
Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:
>> TS.LS Nguyễn Hữu Thế Trạch
>> Luật sư Trần Ngọc Quý
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận