08/05/2017 17:42 GMT+7

Người dân lâm nguy trước nạn 'cát tặc'

VÕ HƯƠNG - XUÂN MAI
VÕ HƯƠNG - XUÂN MAI

TTO - Nỗi ám ảnh của những hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề do sạt lở bờ sông vẫn chưa thể nguôi ngoai thì tình trạng khai thác cát trái phép vẫn cứ hoành hành. Tại sao vấn đề này vẫn cứ tiếp diễn?

Khai thác mua bán cát trái phép tại lưu vực sông Đồng Nai - Ảnh: Hà Mi
Khai thác, mua bán cát trái phép tại lưu vực sông Đồng Nai - Ảnh: Hà Mi

Mới đây, thông qua báo cáo của lực lượng chuyên trách quản lý đê điều, đối với các tuyến sông, có đến 93 khu vực lòng sông, bãi sông, trong phạm vi khoảng 118km đê xảy ra tình trạng hút cát. Qua báo cáo của các địa phương, cả nước có 737 điểm sạt lở với tổng chiều dài 1.257km.

Nổi bật nhất là tại sông Vàm Nao (An Giang) đã xảy ra vụ sạt lở bờ sông nghiêm trọng vào ngày 22-4. Đến thời điểm hiện tại, vụ sạt lở đã làm 15 căn nhà và 2 nền nhà bị nhấn chìm với chiều dài đoạn sạt lở khoảng 70m, lấn sâu vào bờ hơn 35m, cắt đứt đường giao thông liên xã và phải di dời khoảng 20.000 hộ dân sống ven sông tỉnh An Giang. Đến thời điểm này, ước tính tổng thiệt hại trên 90 tỉ đồng.

Những hậu quả do sạt lở bờ sông chưa “lắng xuống” thì các vụ khai thác cát trái phép lại “nổi lên”.

Điển hình, tại sông Mã, 8 chiếc tàu “tranh thủ” hút cát trái phép vào dịp lễ 30-4 và 1-5 vì nghĩ cơ quan chức năng không làm việc. Ngày 2-5, Phòng cảnh sát đường thủy (PC68) Công an TP Cần Thơ bắt giữ 2 sà lan chở cát không có hóa đơn chứng từ trên sông Hậu.

Luật sư Lê Thị Minh Nhân (Đoàn luật sư TP.HCM) nói: “Lỗi là ở khâu quản lý. Theo tôi, việc khai thác cát tràn lan hiện nay là có sự lỏng lẻo trong quản lý khai thác tài nguyên. Khi một sà lan đến một địa điểm nào đó để hút cát thì công an môi trường, chính quyền địa phương sẽ dễ dàng thấy. Nếu trường hợp chính quyền địa phương biết mà làm ngơ thì chính quyền địa phương đó phải chịu trách nhiệm đầu tiên, có như vậy mới nâng cao trách nhiệm quản lý tại địa phương.

Để hạn chế tình trạng trên thì chỉ có chính quyền “mạnh tay” xử phạt theo quy định. Đồng thời, đội ngũ cảnh sát giao thông đường thủy, nội địa và cảnh sát tài nguyên môi trường phải nâng cao trách nhiệm quản lý". 

Khu vực bờ sông Vàm Nao (Chợ Mới, An Giang) bị sạt lở - Ảnh: Duyên Phan
Khu vực bờ sông Vàm Nao (Chợ Mới, An Giang) bị sạt lở - Ảnh: Duyên Phan

Sông cũng như một cơ thể sống

Một tiến sĩ chuyên ngành hóa môi trường, độc học sinh thái - ĐH Tài nguyên và môi trường Hà Nội - nhấn mạnh lưu lượng dòng chảy là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng của một dòng sông.

Khi khai thác cát quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến độ sâu của đoạn sông bị hút cát và đặc biệt sẽ ảnh hưởng đến lưu lượng dòng chảy. Mỗi dòng sông có một độ sâu nhất định để chứa nước và các chất khi đi qua.

Tiến sĩ này ví von lưu lượng dòng sông cũng như cơ thể con người, đều có hệ thống tuần hoàn và hệ thống kháng thể. Với một dòng sông “khỏe mạnh” thì sẽ có cơ chế tự làm sạch khi nước chảy đi, chảy về và "miễn nhiễm" khi có những chất ô nhiễm đi qua.

Tuy nhiên, khi khai thác cát không đúng quy định thì sẽ lấy đi lượng cát nhất định, điều này làm thay đổi tính chất địa lý tự nhiên của dòng sông. Khi đó dòng sông trở nên "cực kì nhạy cảm" và không thể tự điều tiết nên rất dễ bị xâm nhập khi các chất ô nhiễm đi qua.

TS này giải thích thêm, khi khai thác cát sẽ gây ra một chuỗi hậu quả. Tức là ngoài việc sẽ làm thay đổi địa hình đoạn sông bị khai thác thì khu vực gần đê điều cũng bị ảnh hưởng bởi “dư chấn” này. Vì vậy, sạt lở đê điều là cả một hệ lụy chứ không phải bó gọn trong khu vực khai thác cát.

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòe (khoa môi trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội): "Khi khai thác cát quá mức sẽ gây xói lở bờ sông, đê điều. Bởi vì độ thủy lực của dòng sông cân bằng với độ bồi tích, lúc này độ bồi tích của dòng sông bị mất thì động lực nước sẽ cao lên. Vì vậy, sạt lở bờ sông, sạt lở đê điều, đặc biệt ở đồng bằng sông Cửu Long là điều hiển nhiên".

Bồi tích là nơi phát triển bùn dư thực vật, là nơi đáp ứng thức ăn cho cá, là nơi làm tổ của động vật đáy… bây giờ khai thác thì hệ thống thủy sinh cũng sẽ thay đổi.

Cảnh khai thác cát ở trạm Z diễn ra một cách công khai - Ảnh: Đ.N. - H.K.
Cảnh khai thác cát ở trạm Z diễn ra một cách công khai - Ảnh: Đ.N. - H.K.

Có nguyên liệu thay thế cát tự nhiên

Chuyên gia xây dựng Hoàng Văn Nhượng (Hội VLXD Việt Nam) cho hay có một nguyên liệu thay thế cát vàng tự nhiên là cát nghiền. Cát nghiền bắt nguồn từ các loại đá, sau khi trải qua khâu chọn lọc, đập nát rồi nghiền.

Theo ông, bên cạnh đó có thể dùng cát đen. Tuy nhiên cát đen không được dùng làm nguyên liệu để đổ bêtông. Vì vậy chỉ có cát nghiền mới thay thế được cát vàng tự nhiên. “Chúng ta cũng có thể thay thế cát tự nhiên bằng tro, tuy nhiên tro chỉ thay thế được một phần”, ông Nhượng nói.

Ông giải thích thêm, ở nước ngoài do hàm lượng than trong tro thấp nên được sử dụng để thay thế cát tự nhiên, còn ở nước ta hàm lượng than trong tro tương đối cao nên khi sử dụng tro thay thế cát tự nhiên phải qua tuyển chọn. Trong các bêtông đầm lăn thì dùng được tro nhiệt điện, tức là tro đã trải qua tuyển chọn và giảm bớt thành phần than.

Mời bạn đọc nghe các phát biểu:

>> Luật sư Lê Thị Minh Nhân

>> PGS.TS Nguyễn Đình Hòe

>> Chuyên gia xây dựng Hoàng Văn Nhượng

VÕ HƯƠNG - XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục