15/12/2016 18:14 GMT+7

Xếp hàng không phải thói quen của người Việt?

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN
VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN

TTO - Xếp hàng là chuyện "năm nào cũng nói" nhưng có vẻ như chẳng mấy cải thiện khi mà đâu đâu ngoài đường cũng dễ bắt gặp hình ảnh người ta chen lấn, giành nhau từng nửa vòng bánh xe, giành nhau mua vé ở ga tàu...

Hình ảnh chen lấn, xô đẩy tại lễ hội khai ấn đền Trần đầu năm 2016 - Ảnh tư liệu
Hình ảnh chen lấn, xô đẩy tại lễ hội khai ấn đền Trần đầu năm 2016 

Anh Văn Long (TP Cần Thơ) kể lại chuyện mình từng chứng kiến hai cô gái cố chen lấn, liên tục khua tay múa chân tìm sự thông cảm từ những người nước ngoài đứng trước để được mua vé lên ngắm nhìn cảnh Singapore về đêm ở Marina Bay Sands (Singapore).

Những ánh nhìn khó chịu của mọi người vẫn không làm họ chùn bước. Đến khi lên được đầu hàng, gặp người bán vé, hai cô được yêu cầu phải đi xuống cuối hàng và chờ đến lượt mình.

Lúc này hai cô gái tỏ ra khó chịu và nói với nhau bằng tiếng Việt: "Lên tới đó rồi thì bán vé đi, làm gì dữ vậy?".

“Nghe nói chuyện mình mới biết họ là người Việt. Có lẽ người bán vé đã nhìn thấy cách hai cô gái này chen ngang, không chịu xếp hàng nên đã không bán vé trước cho họ”, anh Long nói.

Không quen với việc xếp hàng…?!?

TS Nguyễn Ngọc Thơ, ĐH KHXH&NV TP.HCM, phân tích từ trong truyền thống, chúng ta chưa có kinh nghiệm tốt trong việc bố trí xếp hàng có trật tự và cũng chưa có sự chuẩn bị tốt cho việc hướng dẫn người dân đi ngay hàng thẳng lối bằng những bảng chỉ dẫn, hệ thống barrier, đánh số thứ tự, kể cả biện pháp chế tài nghiêm khắc…

Bản thân người dân cũng không quen với việc xếp hàng. Lối sống nông nghiệp truyền thống không bắt buộc người dân phải xếp hàng và tuân thủ các quy tắc công nghiệp và môi trường đô thị, quá trình chuyển đổi chắc hẳn phải mất rất nhiều thời gian để chấn chỉnh, học tập.

Mặt khác, nhiều nơi lại có hiện tượng ưu tiên, dành phần cho những người quen, người thân hay người có địa vị dù họ xếp hàng sau. Điều này gây nên tâm lý khó chịu cho những người đến trước, làm mất lòng tin vào việc xếp hàng: “chắc gì đến trước đã được trước đâu!”.

Bên cạnh đó, sự bùng nổ của đô thị TP.HCM với hơn 10 triệu dân và tăng trưởng kinh tế làm nảy sinh tâm lý ai mạnh chen chân trước, ai yếu thế chậm lại phía sau. Đó là chưa kể đến yếu tố xuất thân, mỗi người đến từ một quê hương với những lề thói rất khác nhau, khi gặp nhau không còn những mối quan hệ tương tác để cùng nhau giữ kẻ, giữ nề nếp…

Giáo dục chung của xã hội chưa có những định hướng rõ ràng khẳng định việc xếp hàng là quyền lợi của mỗi người, là sự công bằng và sẽ nếu làm được như vậy tất cả chúng ta đều là người chiến thắng.

ThS Bùi Thị Kim Phượng (ĐH Duy Tân) cho rằng dù nhà trường có giáo dục kỹ đến mức nào mà khi ra đường, về nhà, trẻ cứ phải nhìn thấy những hành vi xấu như lấn đường, chen ngang, không xếp hàng… của bố mẹ thì cũng rất khó để trẻ hình thành ý thức người đến trước được phục vụ trước và những cách ứng xử văn minh nơi công cộng.

Sao chỉ xếp hàng khi có người giám sát?

Theo ThS Bùi Thị Kim Phượng, dù đã có những thay đổi khá tích cực ở những môi trường như trường đại học, ga tàu,… nhưng có vẻ như nếu thiếu đi sự nhắc nhở, không có lời cảnh báo hay vắng người bảo vệ, giám sát là việc xếp hàng sẽ không diễn ra suôn sẻ.

“Vì ý thức xếp hàng không được hình thành từ nhỏ nên khi ra khỏi những môi trường được nhắc nhở, được giám sát, nhiều người sẽ bỏ quên luôn thói quen xếp hàng, lại chen lấn, xô đẩy để được nhanh hơn người khác một chút”, ThS Bùi Thị Kim Phượng nhận xét.

Nhiều người vẫn có suy nghĩ xếp hàng là chuyện nhỏ, chen lên cùng lắm chỉ mất của người khác 30 giây, 1 phút nhưng thực tế hệ lụy của hành vi này to lớn hơn rất nhiều.

“Du khách nước ngoài khi đến Việt Nam ngạc nhiên và hỏi lý do tại sao có cảnh chen lấn, xô đẩy. Những người Việt có ý thức cảm thấy rất xấu hổ vì những người xung quanh”, bà Phượng chia sẻ.

Nên giáo dục về lòng tự trọng

Về biện pháp, TS Nguyễn Ngọc Thơ cho rằng có thể áp dụng đồng thời giải pháp tạm thời và giải pháp lâu dài.

Giải pháp tạm thời là đề ra quy định, hướng dẫn thực hiện về việc xếp hàng ở những nơi công cộng, nhà trường, công sở… Thực tế cho thấy khi ra nước ngoài tiếp cận các dịch vụ nơi công cộng với hướng dẫn và chế tài nghiêm khắc, người Việt ta lại xếp hàng rất văn minh.

Bên cạnh việc ra quy định và bố trí cách xếp hàng cũng cần phải có biện pháp chế tài rõ ràng và nghiêm khắc, đủ mang tính răn đe.

Một ví dụ ở Nga cho thấy một người nước ngoài chạy xe đạp dừng đèn đỏ chen lấn hàng ôtô bị cảnh sát phạt 5 rúp, anh ta thanh minh, cảnh sát tăng hình phạt lên 10 rúp và nói rằng nếu anh còn tranh cãi sẽ tăng tiếp lên 15 rúp!

Giải pháp lâu dài chính là giáo dục đánh vào lòng tự trọng để nâng cao nhận thức của mỗi người.

“Có thể lồng ghép nhũng nội dung về văn hóa xếp hàng vào các chương trình nghệ thuật đang được yêu thích, kịch, phim… hoặc những phương tiện mới như smartphone, mạng xã hội… để tác động đến lòng tự trọng và tính gương mẫu của công dân, nhất là những người làm ông bà, bố mẹ. Sự tác động vào lòng tự trọng để tự thân từng công dân thay đổi hành vi có ý nghĩa hơn là các biện pháp xử phạt tạm thời bởi nhiều người vẫn có quan niệm có người xử phạt đứng đó thì mới tuân thủ, không thì thôi”, TS Nguyễn Ngọc Thơ nói.

Theo ông Thơ, trồng cây thì mất mười năm, trong khi trồng người phải mất trăm năm, dù các biện pháp có được thực hiện hiệu quả đi chăng nữa cũng mất một khoảng thời gian để văn hóa xếp hàng thấm vào ý thức của từng công dân. Vì thế, phải thật sự kiên trì trong thực hiện để thấy được sự chuyển biến xã hội. Có hao tốn công sức và tiền của đầu tư đi nữa thì cái giá ấy vẫn quá rẻ so với việc phải giải quyết hậu quả một xã hội không biết xếp hàng gây ra.

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục