09/12/2016 07:01 GMT+7

Không diệt lăng quăng phạt 1,5 triệu đồng

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN
VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN

TTO - Thông tin xử phạt những hộ dân không diệt lăng quăng tại các quận, huyện của TP.HCM với mức phạt lên đến 1,5 triệu đồng làm nhiều người bất ngờ, phấn khởi. Để chó "làm bậy"ra đường, xả rác, không diệt lăng quăng sẽ bị phạt?

Hình ảnh một bãi rác nho nhỏ trên đường đi - Ảnh: Hữu Khoa

Thực tế, không chỉ không diệt lăng quăng bị phạt mà rất nhiều hành vi mà nhiều người tưởng là “chuyện nhỏ” như xả rác ra đường, để chó mèo phóng uế bừa bãi, vứt tàn thuốc lá không đúng nơi quy định, tè bậy… đều bị chế tài theo các quy định pháp luật.

LS Hồ Nguyễn Lễ cho biết việc để gia súc, gia cầm hoặc các loại động vật nuôi phóng uế ở nơi công cộng và nuôi gia súc, gia cầm, động vật gây mất vệ sinh chung ở khu dân cư sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng theo qui định tại khoản 1, điều 7 của Nghị định số 167/2013/NĐ-CP. Ngoài ra còn buộc người vi phạm phải khắc phục tình trạng ô nhiễm đã gây ra.

Bên cạnh đó, hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Hành vi tè bậy có thể bị phạt đến 3 triệu đồng.

Trong khi đó, đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố, vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc vào hệ thống thoát nước mặt trong khu đô thị mức phạt có thể lên đến 7 triệu đồng. 

Đâu chỉ nhà mình sạch

Cô Nguyệt (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) kể giữa nhà mình và nhà hàng xóm có một cái cây khá to, thường rụng rất nhiều lá. Sáng sớm cô đều ra sân quét và gom lá vào bao rác để đổ. Một ngày nọ, tình cờ dậy sớm hơn, cầm chổi ra sân thì thấy nhà hàng xóm đang dồn hết lá qua phần sân nhà mình.

“Hèn gì hôm nào mình ra quét sân cũng thấy sân nhà hàng xóm sạch sẽ, không một cọng rác nào. Đã dậy sớm quét sân thì dành ra 1,2 phút hốt rác đem bỏ có đáng gì, vậy mà họ cứ nghĩ nhà họ sạch là được, bao nhiêu cái dơ cứ lùa qua hàng xóm là xong”, cô Thu bức xúc.

Cái gì cũng cần có văn hóa. Nuôi súc vật cũng phải có văn hóa. Dám nuôi, thương như con thì hốt chất thải của vật nuôi chớ đừng đi "cho, tặng" khi người khác không muốn nhận. Rất vô văn hóa. Đề nghị lắp camera giám sát và phạt thật nặng chủ nuôi nếu vi phạm.

Bạn đọc Thang Vu

Tương tự, không ít lần chị Bảo Như (Q.8, TP.HCM) phát bực vì chó, mèo nhà hàng xóm cứ nhằm ngay cửa nhà chị mà phóng uế. Hôm nào chị ra “bắt tại trận”, nói với họ thì họ mới lấy xà phòng, nước… ra dọn. Hôm nào không tận mắt chứng kiến thì hàng xóm chối đây đẩy và chị phải tự dọn vì không thể chịu được mùi hôi và sự bẩn thỉu.

Một bạn đọc khác chia sẻ với TTO: Ở xóm tôi, mổi buổi sáng người nuôi dắt chó đến trước hiên nhà người khác phóng uế, chẳng có chút ngại ngùng gì.

Nâng cao ý thức trước khi xử phạt

Luật sư (LS) Nguyễn Thị Hồng Liên, phó chủ nhiệm Đoàn LS Thành phố đánh giá việc không tham gia diệt lăng quăng, để chó mèo phóng uế bừa bãi hay quét rác qua nhà hàng xóm… đều thể hiện ý thức chưa cao của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh chung cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

“Nhiều người xử sự ích kỷ và chỉ nghĩ tới lợi ích của riêng mình, miễn nhà mình sạch là được, còn xung quanh ra sao thì mặc kệ. Trong khi nếu nghĩ kỹ thì còn lăng quăng thì sẽ sinh muỗi, mà muỗi đâu chỉ đứng yên một chỗ, nó bay vòng vòng và có thể truyền bệnh cho bất kỳ ai. Nếu cả cộng đồng chung tay dọn dẹp thì ai cũng được bảo vệ”, LS Nguyễn Thị Hồng Liên nói.

Theo LS Trần Ngọc Quý, Đoàn LS TP.HCM, những quy định pháp luật về hành vi gây ô nhiễm môi trường đều đã có và rất cụ thể. Do nhiều người chưa biết những quy định này nên vẫn hành xử theo thói quen cảm tính như xả rác, dắt chó mèo đi phóng uế không đúng nơi quy định, không diệt lăng quăng…

Ở góc độ xã hội học, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, phó viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia VN cho rằng căn nguyên vấn đề vẫn do nhận thức của cá nhân và bối cảnh chung của xã hội. Việc nhiều người vi phạm nhưng chẳng ai bị phạt trong một thời gian dài đã hình thành tư tưởng “nhờn luật” trong một bộ phận người dân.

Vì thế, theo các chuyên gia, trước khi tiến hành xử phạt, cần có những biện pháp tuyên truyền sâu rộng để nâng cao ý thức và phổ biến kiến thức pháp luật đến người dân.

“Việc nâng cao nhận thức là rất quan trọng. Phải làm sao để người dân hiểu rằng chung tay bảo vệ cộng đồng cũng chính là bảo vệ sức khỏe, môi trường sống an toàn cho bản thân và gia đình mình. Nếu đã tuyên truyền, phổ biến mà vẫn vi phạm thì hãy tính đến bước xử phạt để răn đe”, LS Nguyễn Thị Ngọc Liên chia sẻ.

Theo LS Quý, khi ý thức đã hình thành trong mỗi người thì dù cơ quan chức năng chưa tiến hành xử phạt hay quy định pháp luật chưa quy định rõ để áp dụng thì người dân vẫn có ý thức cao trong việc bảo vệ môi trường chung.

Luật đã có, phải xử nghiêm

Các chuyên gia cho rằng việc xử phạt là rất cần thiết và phải thường xuyên tiến hành kiểm tra để xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm, tránh tình trạng có luật mà xử không nghiêm dẫn đến việc người dân vô ý thức vẫn vô tư xả rác, phóng uế, tè bậy, không bảo vệ môi trường chung…

Hơn nữa, theo các luật sư, muốn pháp luật đi vào cuộc sống thì cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục mọi lúc mọi nơi và bố trí người có thẩm quyền xử phạt kịp thời, công bằng đối với người vi phạm dù bất kỳ hành vi nhỏ nhặt hay ít nghiêm trọng. Nếu nhiều người cùng vi phạm mà chỉ một người bị phạt thì người dân sẽ thấy không công bằng.

“Vấn đề quan trọng là phải xử lý nghiêm, công bằng cho tất cả mọi người, không để tình trạng dân vi phạm thì phạt, nhà quan chức có lỗi thì bỏ qua. Phải bảo đảm tất cả mọi người bình đẳng trước pháp luật”, LS Nguyễn Thị Hồng Liên nhấn mạnh.

Theo LS Hồ Nguyên Lễ, trong trường hợp cần thiết có thể áp dụng thêm biện pháp thông báo về cơ quan, đơn vị, nơi cư trú của người vi phạm. Có như vậy mới nâng cao ý thức nghiêm túc thực hiện qui định pháp luật về giữ gìn và bảo vệ vệ sinh môi trường.

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục