24/11/2016 11:17 GMT+7

Đòn roi của cha mẹ không giúp trẻ khôn lớn?

VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG - MAI NGUYỄN
VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG - MAI NGUYỄN

TTO - Nhiều ý kiến trái chiều về chuyện dạy con thế nào cho tốt. Có bạn đọc cho rằng trẻ con ngày trước ngoan hơn bây giờ nhờ những trận đòn roi của cha mẹ.

Ảnh minh họa - Ảnh tư liệu
Ảnh minh họa - Ảnh tư liệu

Trong bài viết gửi TTO, bạn đọc Thanh Vân nhấn mạnh: “Tôi nghĩ thời nào thì giáo dục con cái bằng đòn roi vẫn là một phương cách có giá trị của riêng nó. Thế hệ tuổi thơ của tôi hơn 40 năm về trước rất “quen” với đòn roi từ cha mẹ, thầy cô…

Và hiệu quả là điều không thể phủ nhận: thế hệ tuổi thơ chúng tôi ngày trước ngoan hơn ngày nay nhiều, không có những “ông trời con”, không “phát huy” quá đáng cái tôi, cá tính…”.

Có nên tạo tâm lý sợ hãi cho con trẻ?

Anh Tuấn Anh (ngụ Q.Thủ Đức,TP.HCM) cho rằng: “Trẻ con ngày xưa ngoan hơn là vì khi ấy mỗi gia đình có đông con nên ít ai lo lắng và bênh con thái quá. Trẻ con ngày xưa cũng không được tiếp xúc nhiều với phim ảnh, mạng xã hội, game online…”.

Bạn đọc Duy Hùng cho biết: “Đánh trẻ sẽ giúp chúng vâng lời nhưng nhiều người không biết điều đó có thể tạo ra tâm lý sợ hãi cho bọn trẻ. Từ đó trẻ mất sự tự tin. Trẻ con vốn rất ngây thơ, vậy tại sao không từ tốn dạy các bé mà phải đánh, chửi, mắng các em?”.

Anh Duy Khương cũng đồng quan điểm: “Trẻ bây giờ khôn ngoan lanh lợi hơn trước vì không bị đòn roi làm ảnh hưởng tâm lý”.

Chị Hoàng Lam (Bến Tre) nêu ý kiến: “Đòn roi thể hiện bố mẹ đang bất lực và thiếu kiên nhẫn? Trẻ con rất giỏi quan sát, chúng sẽ nhìn theo những cách xử lý này và áp dụng cách giải quyết vấn đề bằng bạo lực lên mọi người xung quanh”.

Một bạn đọc bình luận: “Nuôi dạy con cái cần khoa học, phải hiểu về quá trình phát triển tâm lý, sinh lý của đứa trẻ để có cách dạy đúng, Không thể chỉ nhìn vào vài ví dụ rồi lấy về áp dụng sẽ chỉ tạo ra những đứa trẻ yếu đuối trước cường quyền, bạo lực”.

Nghiêm khắc không đồng nghĩa là phải đòn roi

Theo chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ, trong cách dạy con, hạn chế càng ít đòn roi càng tốt vì một khi sử dụng roi vọt tức là vấn đề đang được giải quyết trong tình trạng không ổn định ở cả người lớn lẫn trẻ con.

Bà Huệ phân tích: “Bố mẹ đang tức giận và con cái thì không đủ bình tĩnh để nhìn nhận vấn đề. Khi ấy đứa trẻ không thể tự rút kinh nghiệm và bố mẹ thì không thể giải thích trọn vẹn với con về những gì con đã làm sai, những thứ con cần sửa”.

Chuyên gia Minh Huệ cho rằng nghiêm khắc không đồng nghĩa là phải dùng đòn roi. Ngược lại, đòn roi có thể ảnh hưởng đến cơ thể bé nhỏ của trẻ. Với trẻ lớn hơn, đòn roi không những làm các con đau mà còn làm chúng xấu hổ nhưng không có nghĩa là chúng biết rút kinh nghiệm và sửa sai.

“Nhiều phụ huynh khi nóng giận thì đánh con, lúc bình thường lại nuông chiều con làm trẻ không biết được lúc nào mình thật sự được cha mẹ quan tâm và yêu thương. Trong sự bình tĩnh mà đưa con vào khuôn khổ gia đình vẫn tốt hơn là bức xúc và nghiêm khắc tạm thời với con bằng đòn roi”, bà Huệ nhận định

Ở góc nhìn giáo dục, giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo nhân dân Nguyễn Võ Kỳ Anh - viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người - cho rằng: “Đánh trẻ con và coi đó là hình phạt để mong muốn trẻ tốt hơn là một sai lầm và đôi khi kết quả lại đi ngược so với mong muốn ban đầu.

Trong giáo dục trẻ nhỏ, có nhiều cách để tác động đến trẻ thay vì dùng đòn roi: Muốn trẻ ngoan thì trước hết người lớn phải gương mẫu, phải khuyên nhủ, phân tích để trẻ hiểu những việc nên làm, những việc không được,…

Ông Kỳ Anh cho biết việc lạm dụng đòn roi làm trẻ bị chấn thương về tâm lý và tinh thần. Những hành ảnh người mẹ, người bố hậm hực, thiếu sự yêu thương sẽ khiến trẻ nhớ suốt đời. Nhiều trường hợp trẻ có những phản ứng tiêu cực hơn, đối phó lại với những hành vi mà bố mẹ đang “trừng trị” chúng.

Mềm nắn, rắn buông

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

GS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh thừa nhận: “Ông bà xưa thường dùng đòn roi nhưng chỉ dùng tượng trưng, “giơ cao đánh khẽ” là chính chứ không lạm dụng. Việc sử dụng đòn roi ở một mức độ nhẹ, mang tính nhắc nhở trong phạm vi gia đình như một cách nhắc nhở nhằm giúp trẻ kịp thời điều chỉnh nhận thức, hành vi của mình cũng nên thật hạn chế vì khi sử dụng đòn roi thường xuyên sẽ làm trẻ bị “nhờn” và không còn biết đúng sai, phải trái”.

Giáo dục con trẻ cần sự phối hợp của cả gia đình, nhà trường và xã hội. Đặc biệt là những trường con trẻ ương bướng, hư hỏng, quậy phá. Muốn con ngoan thì cha mẹ phải làm gương, gia đình phải có những nguyên tắc, quy định chung của gia đình.

“Nuông chiều con quá là không tốt nhưng nghiêm khắc bằng việc đánh con cũng không tốt. Cần phải biết dung hòa để yêu thương và dạy dỗ các con”, GS Kỳ Anh chia sẻ.

Chuyên gia Minh Huệ cũng cho rằng biện pháp giáo dục tốt nhất là tình yêu thương và sự thấu hiểu. Bản thân bố mẹ phải đủ bình tĩnh để thiết lập những nguyên tắc phù hợp với lứa tuổi, tính cách của trẻ, văn hóa của gia đình và xu hướng chung của thời đại.

Khi đưa ra những quy định ấy phải được sự thống nhất của tất cả thành viên trong gia đình, kể cả đứa trẻ. Vì chúng ta không thể áp đặt trẻ chấp nhận những điều mà nó không hiểu rõ.

Bà Huệ cũng chia sẻ một kinh nghiệm bà đang áp dụng tại gia đình mình là khi con trẻ sai phạm sẽ cho phép con ngồi một khoảng thời gian nhất định để bé đủ bình tĩnh và suy nghĩ về những gì mình đã làm, sau đó bố mẹ sẽ đến nói chuyện với con.

“Những đứa trẻ có hành vi ngang ngược, quậy phá là những đứa trẻ chưa được quan tâm chia sẻ. Chúng nghĩ rằng người khác không hiểu mình nên làm mọi thứ để được họ chú ý đến. Nếu từ đầu đứa trẻ được sống trong một gia đình tràn đầy yêu thương thì chắc chắn sẽ không thể có những hành vi đó”, bà Huệ cho hay.

Chiều con hay đánh con đều là thất bại trong cách dạy con

TS xã hội học Phạm Thị Thúy cho rằng đánh con là thể hiện sự bất lực trong cách giáo dục. Hầu hết cha mẹ không muốn đánh con, nhiều người đánh xong xót con và hối hận chỉ vì họ không biết kiềm chế cảm xúc hoặc không biết cách nào tốt hơn để thay thế đòn roi.

Cha mẹ nuông chiều con, không dám la mắng con cũng là bế tắc, thất bại trong cách dạy con. Đứa trẻ được nuông chiều sẽ không biết đâu là giới hạn được làm và không được làm. Lâu ngày trẻ sẽ trở nên vô phép tắc, bướng bỉnh hơn, dễ gây gổ khi không được như ý… Những trẻ được nuông chiều thường ích kỷ và dễ nổi loạn khi ra đời gặp trắc trở, bất hòa trong các mối quan hệ xã hội.

Cha mẹ cần dùng kỷ luật tích cực: nghiêm trong thái độ, không chiều con mà đặt ra khuôn phép để con tự do làm những gì được phép, khi con xảy ra lỗi kiên quyết phạt con theo quy định đã thống nhất trước đó. Phạt con không được làm điều con thích như không được xem tivi, chơi trò chơi, ... 

Mời bạn đọc nghe các phát biểu:

>> Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ

>> GS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh

 

VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG - MAI NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục