08/06/2016 16:31 GMT+7

Tiền xử phạt vi phạm giao thông dùng làm gì?

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN
VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN

TTO - Các ý kiến gây bão trên mạng bức xúc về việc lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng "nhận" những chiếc xe sang được mua từ tiền xử phạt vi phạm giao thông. Hàng loạt ý kiến thắc mắc: tiền xử phạt vi phạm giao thông, công an dùng làm gì?

Chiếc Lexus biển số 83A - 066.66 do văn phòng tỉnh ủy quản lý, sử dụng - Ảnh: H.MAI
Chiếc Lexus biển số 83A - 066.66 do văn phòng tỉnh ủy quản lý, sử dụng - Ảnh: H.MAI

Những chiếc xe này ban đầu được mua với mục đích dẫn đoàn khi có lãnh đạo trung ương về thăm địa phương, không dùng vào mục đích khác - theo chia sẻ của trung tướng Nguyễn Phúc Thảo, nguyên giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng, nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh (Bộ Công an).

Tuy nhiên, sau đó các xe này lại do Tỉnh ủy Sóc Trăng quản lý, sử dụng.

Xe sang chỉ để đón cán bộ trung ương?

Thông tin “Dùng tiền phạt giao thông mua Lexus cho lãnh đạo tỉnh” đã nhận được rất nhiều phản hồi từ bạn đọc báo Tuổi Trẻ.

Nhiều người đặt câu hỏi tại sao tiền phạt xử lý vi phạm giao thông lại được chi vào mục đích mua xe sang cho lãnh đạo tỉnh dùng, tại sao không mua những loại xe giá thành hợp lý hơn mà phải là xe sang (với giá thị trường trên 5 tỷ đồng/chiếc)?

Mặt khác, mua xe sang chỉ để sử dụng vào mục đích đón các đoàn lãnh đạo trung ương về địa phương thì có lãnh phí quá không, nhất là đối với một tỉnh còn nhiều khó khăn như Sóc Trăng?

“Nhiều chuyện nhập nhèm ở đây. Xe này thuộc diện miễn thuế nào? Mua về chỉ để dẫn đoàn trung ương mà không rõ một năm có bao nhiêu đoàn cấp cao về đây và họ có ý kiến thế nào khi được đón bằng loại xe ít tiền hơn? Hơn 20 tỷ đồng có thể góp phần cải tạo giao thông nông thôn Sóc Trăng một cách đáng kể”- độc giả Quang Anh nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, nhiều người nêu quan điểm tiền xử lý vi phạm giao thông nên đầu tư vào việc tuyên truyền nâng cao ý thức giao thông của người dân, thay vì dùng để mua xe sang mà mục đích, hiệu quả sử dụng không cao.

Mặt khác, sau khi đọc thông tin giao trả lại xe cho công an Sóc Trăng, nhiều ý kiến đặt vấn đề nên xử lý số xe sang này ra sao?

“Vấn đề còn lại là số xe Lexus này xử lý thế nào, chẳng lẽ để Công an Sóc Trăng xài sang như vậy sao? Theo tôi, nên bán số xe đó để sung vào công quỹ, chứ lấy tiền phạt vi phạm mà đi mua xe xài sang như vậy coi sao được. Kỳ lắm, dư luận xã hội không đồng tình đâu!”, bạn đọc Duy Hà nêu quan điểm.

Chiếc Lexus biển số 83A - 004.68 do lãnh đạo Công an tỉnh Sóc Trăng sử dụng - Ảnh: H.MAI
Chiếc Lexus biển số 83A - 004.68 do lãnh đạo Công an tỉnh Sóc Trăng sử dụng - Ảnh: H.MAI

Sử dụng tiền phạt vi phạm giao thông có đúng mục đích?

Thạc sĩ Xã hội học Lê Minh Tiến (ĐH Mở TP.HCM) cho rằng chuyện tỉnh ủy Sóc Trăng trả xe cho phía công an và việc công an tỉnh này mua xe không theo qui định cho thấy vẫn còn nhiều băn khoăn về nhận thức “sống và làm việc theo pháp luật” của một bộ phận cán bộ công chức.

“Rõ ràng là việc sử dụng tiền phạt từ vi phạm luật giao thông chưa được tuân thủ theo qui định. Đến khi bị dư luận lên tiếng thì mới khắc phục”, ThS Lê Minh Tiến nói.

TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, thẳng thắn nêu ý kiến rằng tiền phạt người dân không thể sử dụng vào những mục đích xa hoa như mua xe sang, phục vụ cho mục đích tiêu dùng của một cơ quan nào đó.

ThS Lê Minh Tiến cho rằng việc khắc phục không phải chỉ là hoàn trả lại mà phải xem lại nhận thức về việc tuân thủ pháp luật của giới cán bộ công chức, của các cơ quan công quyền hiện nay là như thế nào.

“Nếu những cán bộ công chức, các cơ quan nhà nước hành xử không đúng với qui định như thời gian vừa qua thì hệ quả khó lường”, ông Tiến nói.

Ths Lê Minh Tiến cũng đề nghị Bộ Tài chính và Chính phủ nên tổng rà soát lại toàn bộ việc mua và sử dụng xe công hiện nay và phải có những chế tài nặng hơn, chứ không chỉ bằng việc trả lại phần vượt qui định là xong hết mọi chuyện.

Tiền xử phạt phải dùng đúng mục đích

PGS.TS Bùi Hoài Sơn (phó viện trưởng Viện VH-NT quốc gia) cho rằng ngày nay người dân có đủ phương tiện và nhận thức để giám sát hành vi của những người thừa hành công vụ. Việc gì không minh bạch, người dân cũng sẽ phát giác và bất bình.

Ông Sơn cho rằng đây cũng là bài học để các cơ quan công quyền lưu ý mỗi khi đưa ra các quyết định của mình.

“Nếu công việc của họ đặt khẩu hiệu “thượng tôn pháp luật” lên hàng đầu sẽ không phải nhận được những phản ứng từ phía người dân”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.

Về hướng sử dụng tiền thu được từ xử phạt vi phạm giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng nhất thiết số tiền này phải quay lại phục vụ cho mục đích giao thông như: nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng, hoàn thiện công tác tổ chức quản lý, tăng tính an toàn cho người dân khi tham gia giao thông…

“Có thể dành một tỉ lệ nhỏ để bồi dưỡng cho những người làm công tác trong ngành giao thông, tùy vào hiệu quả, tính chất công việc chứ không thể dành phần lớn số tiền thu được vào mục đích này”, TS Nguyễn Xuân Thủy nói.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn đề xuất nên thành lập quỹ với cơ chế quản lý và chi tiêu rõ ràng.

Từ năm 2014, thực hiện theo quy định mới, toàn bộ số tiền xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông phải nộp 100% về cho ngân sách. Việc quản lý và sử dụng tiền xử phạt được thực hiện theo Luật xử lý vi phạm hành chính và các thông tư hướng dẫn.

Theo đó, số tiền thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATGT nộp về ngân sách trung ương, 70% chi cho lực lượng công an, 30% chi cho hoạt động của các lực lượng bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn.

TTO 

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:

PGS.TS Bùi Hoài Sơn

TS Nguyễn Xuân Thủy 

 

 

 

 

 

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục