07/11/2015 06:00 GMT+7

Nên hay không cầu hôn giữa phố?

ĐẶNG TƯƠI - THƯƠNG HOÀNG - MỸ NƯƠNG - MAI NGUYỄN
ĐẶNG TƯƠI - THƯƠNG HOÀNG - MỸ NƯƠNG - MAI NGUYỄN

TTO - Màn cầu hôn lãng mạn giữa phố xá hơn nửa tiếng đồng hồ của chàng ca sĩ Quang Anh với cô sinh viên Nguyễn Thu Hằng, hoa khôi sinh viên Hà Nội 2015, tối 5-11 khiến cư dân mạng chú ý.

Bạn Nguyễn Thị Thu Thảo, sinh viên năm 3 trường CĐ Văn hóa nghệ thuật

Khi Thu Hằng vừa xuất hiện trên đường Đinh Tiên Hoàng (Hoàn Kiếm, Hà Nội, gần đài phun nước Hồ Gươm), Quang Anh vừa cầm hoa, vừa cầm micro hát trên nhạc nền và tiến đến bên người bạn gái. Sự "ồn ào" đã khiến nhiều người đi đường chú ý và tập trung lại xem.

"Lùm xùm" quá không

Nói về màn cầu hôn này, bạn Huỳnh Thảo (Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) cho rằng: “Mình thấy màn cầu hôn rất là dễ thương, bạn nam thật dũng cảm khi dám công khai cho mọi người biết”.

Tuy nhiên, có rất nhiều ý kiến không tán thành với những cách làm của chàng trai.

Bạn Nguyễn Thiện (Hậu Nghĩa, Long An) chia sẻ: “Mình chỉ tán thành khi nó không làm phiền người khác. Ở đây nó làm ùn tắc giao thông. Đây là một hình thức phô trương, muốn nổi tiếng, cũng có thể là cách PR cho bản thân.”

Cùng ý kiến, bạn Nguyễn Thị Thu Thảo (SV năm cuối, CĐ Văn hóa Nghệ thuật) cũng chia sẻ: “Mới quen nhau sáu tháng mình nghĩ chưa nhất thiết phải cầu hôn. Chàng trai này có thể là đang dùng cách này để “giữ” bạn gái. Cá nhân mình nghĩ cầu hôn có nhiều cách, mình không thích thể hiện kiểu này”.

Khi được hỏi về màn cầu hôn này, nhiều bạn trẻ nói trong tình yêu ai cũng thích lãng mạn, nhưng việc thể hiện sao cho phù hợp rất quan trọng, tránh trường hợp bị “lố” và phản tác dụng. 

Bạn Nguyễn Trần Song Mi (SV năm cuối, Trường CĐ Y tế Đồng Nai) ý kiến: “Mình không thích những việc làm gây sự chú ý của người khác như vậy. Thay vì làm “lùm xùm” lên, bạn trai có thể dẫn về nhà, ra mắt gia đình, giới thiệu và có những việc làm thiết thực hơn. Chỉ cần giản dị nhưng chân thành là được”.

Bạn Trần Trọng Nhân - sinh viên năm 2 trường ĐH Tân Tạo (Long An) cho rằng tỏ tình nơi công cộng như vậy có thể là một hình thức rất tuyệt vời để thể hiện tình cảm nhưng cần sự khôn khéo trong cách thể hiện sao cho không làm ảnh hướng tới người khác.

“Cá nhân mình không thích bày tỏ tình cảm bằng cách này. Tuy nhiên nếu bạn nam vẫn muốn tỏ tình theo cách đó trước hết phải biết cách lựa chọn địa điểm, có thể là công viên, cà phê hay một nơi nào đó một nơi vừa kín đáo vừa lãng mạn. Thứ hai là cũng phải biết cách sắp xếp, tổ chức cuộc tỏ tình”, bạn Nhân cho biết. 

Thích lãng mạn, nhưng nhẹ nhàng thôi

Nguyễn Thị Hằng, sinh viên năm 3, ĐH Luật Huế

Bạn Nguyễn Thị Hằng (sinh viên năm 3, ĐH Luật Huế) cho rằng: “Giới trẻ thường hay bị ảnh hưởng bởi các trào lưu, cũng có thể từ nhiều phim ảnh… Đối với mình, tình yêu chỉ cần gì đó nhẹ nhàng thôi, làm như thế tốn kém, nhưng chưa chắc được mọi người ủng hộ”.

Cũng tương tự như màn cầu hôn ở Hà Nội, vào ngày 28-8, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM) hàng trăm bạn trẻ có dịp chứng kiến màn cầu hôn của cặp đôi Trương Thanh Trung và Trần Duy Ngọc kéo dài 10 phút, với 50 người nhảy flashmob, 999 hoa hồng và 10 xe môtô.

Chiều 2-9, tại trung tâm thương mại gần sân bay Tân Sơn Nhất (Q.Tân Bình, TP.HCM) diễn ra màn cầu hôn lãng mạn của chàng trai Mã Siêu trong trang phục phi công và nữ tiếp viên hàng không Lan Anh xinh đẹp.

Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ khẳng định rất thích lãng mạn, nhưng chỉ cần nhẹ nhàng là đủ.

Chị Đoàn Thương Thương (nhân viên truyền thông Công ty TNHH MTV Công Nghệ Phần Mềm Việt Nam Liberty,Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) cũng cho biết: “Khi yêu ai cũng thích lãng mạn. Nhưng chỉ cần người đó thể hiện một cách gọi là vừa phải đủ để gia đình, người thân, bạn bè hai bên biết là được rồi. Không nhất thiết phải cả thế giới biết đâu".

Theo Tiến sĩ (TS) Lý Tùng Hiếu (khoa Văn hóa học, ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM), cách bày tỏ tình cảm này là khác biệt nếu không muốn nói là trái ngược với cách bày tỏ tình cảm của người Việt truyền thống. Vì vậy nó có thể gây dị ứng cho nhiều người.

“Người phương Tây vẫn thượng tôn chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tự do, nhưng không để sự tự do của mình làm ảnh hưởng đến người khác. Vậy nên họ mới có cách bày tỏ tình cảm ở nơi công cộng như vậy.

Khi hiện tượng này du nhập vào Việt Nam, đôi lúc nó lại thành trò “lố”. Đó là do người ta không biết những nguyên tắc và ý nghĩa của cách bày tỏ tình cảm ở phương Tây. Vì không biết rõ nên người ta lạm dụng nó một cách lệch lạc, đặc biệt là giới trẻ nơi đô thị. Trong văn hóa giao tiếp của phương Tây thì điều đó là bình thường nhưng khi du nhập vào VN thì chúng ta phải xem xét xem liệu việc đó có phù hợp với bối cảnh hay không”, TS Hiếu phân tích.

Cũng theo TS Lý Tùng Hiếu, việc bày tỏ tình cảm nơi công cộng không có gì đáng nói nhưng người thực hiện phải biết cách tính toán, cân nhắc sao cho phù hợp với bối cảnh, đối tượng và phải làm sao đạt được mục đích của sự bày tỏ. Nếu làm cho đối tượng sượng sùng, ngạc nhiên hay thậm chí là bực bội thì có thể không đạt được mục đích và phản tác dụng.

“Đặc biệt, trong trường hợp này, việc bày tỏ tình cảm gây ách tắc giao thông không chỉ trái với phong tục, văn hóa mà còn phạm đến những nguyên tắc của cộng đồng dân cư đô thị”, TS hiếu nói thêm.

Thạc sĩ (ThS) tâm lý Lê Thị Minh Hoa đưa ra những lý giải cho hành vi thích tỏ tình nơi công cộng: “Ngoài việc muốn làm cho đối phương hiểu được tình cảm của mình, muốn làm sự kiện trở nên thật đáng nhớ thì các bạn còn có tâm lý thích thể hiện, thích chạy đua theo phong trào”.

Phân tích kỹ hơn về tâm lý những người chọn cách tỏ tình nơi công cộng, ThS Minh Hoa cho rằng nhiều người nghĩ phải tỏ tình thật hoành tráng thì mới bày tỏ được tình cảm to lớn của mình dành cho “đối phương”.

“Như vậy là sai lầm bởi vì cái to lớn đó chỉ là hình thức. Điều quan trọng phải là nội dung lời tỏ tình. Hơn nữa, tâm lý bạn nữ dễ mắc cỡ. Cũng sẽ có nhiều bạn khi đón nhận lời tỏ tình như thế sẽ cảm thấy vui. Nhưng ngược lại cũng có nhiều trường hợp thấy mắc cỡ, không thoải mái, thậm chí tức giận.

Vài trường hợp các bạn nữ sẽ “nhận đại” tình cảm của các bạn nam chỉ để cả hai đỡ khó xử trước sự quan sát của nhiều người. Vài trường hợp khác có thể từ chối luôn vì cảm thấy quá tức giận hay mắc cỡ. Đẩy đối phương vào trạng thái bị động như thế là không đạt được mục đích tỏ tình rồi”, ThS Hoa phân tích.

ThS Hoa cũng nhấn mạnh đến tác động của dư luận đối với những trường hợp tỏ tình nơi công cộng. Nhiều trường hợp các bạn không chịu nổi cái nhìn soi mói và những lời ra tiếng vào của mọi người xung quanh.

"Đây là những hậu quả mà các bạn không nghĩ đến trong lúc thực hiện việc tỏ tình như thế", ThS Hoa nhận xét.

Clip màn cầu hôn của Quang Anh với cô sinh viên Nguyễn Thu Hằng - Nguồn: Youtube

 

Mời bạn đọc nghe các biểu trong bài:

>> Bạn Lê Lưu Kỳ Hà:

>> Bạn Tần Trọng Nhân:

>> TS Lý Tùng Hiếu:

>> ThS Lê Thị minh Hoa:

ĐẶNG TƯƠI - THƯƠNG HOÀNG - MỸ NƯƠNG - MAI NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục