08/10/2015 06:00 GMT+7

Chiếc camera có che giấu được lương tâm bảo mẫu?

ĐẶNG TƯƠI - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN
ĐẶNG TƯƠI - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN

TTO - Việc bảo mẫu tìm một góc hòng tránh camera của trường mầm non để trói tay chân bé 15 tháng, nhét giẻ mới đây làm dư luận hết sức bất bình. Câu hỏi là camera có che giấu được lương tâm nghề chăm trẻ?

Dù chưa dừng hoạt động nhưng nhiều phụ huynh đã đến đón con về sau khi thông tin loan ra

Phẫn nộ, giận dữ, lo lắng là những chia sẻ của phụ huynh khi chuyện con trẻ bị hành hạ ở trường mầm non cứ xuất hiện. 

Sao độc ác với trẻ con quá

Chị Kim Đoan (TP.HCM) cho biết mình chỉ dám đọc tin, thấy có cả video nhưng không dám xem vì “thấy người ta độc ác với con trẻ quá”.

Là một người mẹ cũng có con nhỏ, chị Kim Đoan cho biết mình không bao giờ chấp nhận bất kỳ lời giải thích, biện minh nào cho hành động tàn nhẫn, bạo lực của các cô bảo mẫu với một đứa trẻ không biết gì, không có khả năng tự vệ.

Theo chị Đoan, đây không thể gọi là “sơ suất nghề nghiệp và chuyện tương tự cũng đã nhiều lần xảy ra”.

“Đây được gọi là hành vi bạo hành trẻ con, cần phải xử lý nghiêm để các phụ huynh có thể yên tâm gửi gắm con, để phụ huynh có niềm tin vào chất lượng giáo dục của trường”, chị Đoan nói.

Nhiều phụ huynh bày tỏ nỗi lo khi gửi con vào trường vì các con còn quá nhỏ, chưa biết tự vệ là gì.

“Camera thực ra chỉ là để phụ huynh yên tâm phần nào thôi vì nếu muốn đánh các con có rất nhiều cách, có thể vào góc chết của camera, đưa con vào nhà vệ sinh. Và phụ huynh cũng thể nào xem con qua camera 24/24 được”, một phụ huynh bày tỏ.

Chị Kim Dung (Q.7, TP.HCM) thì tự hỏi nếu người mẹ không xem camera thì em bé còn chịu chấn thương tâm lý và thể chất thêm bao lâu nữa.

“Nếu làm bảo mẫu mà không có tình yêu trẻ, làm chỉ vì tiền thì chắc chắn sẽ có chuyện. Một phần vì quan niệm và cách giáo dục nên mới xảy ra chuyện. Nhiều phụ huynh và trường mầm non thì nghĩ trẻ ăn nhiều mới tốt nên mới xảy ra tình trạng bảo mẫu dùng mọi cách ép ăn, ép ngủ”, chị Dung bày tỏ.

ThS. Xã hội học Phạm Thị Thúy thể hiện sự bức xúc, đau lòng khi đọc thông tin trên báo chí.

“Tôi thấy rất may là bố mẹ của đứa trẻ trong trường hợp này đã phát hiện sự việc sớm. Nếu bố mẹ thờ ơ, để sự việc kéo dài, e là tâm lý của đứa trẻ sẽ có những tổn thương không thể chữa lành được”, ThS. Xã hội học Phạm Thị Thúy nói.

Cùng tâm trạng với bà Thúy, bà Phạm Thị Minh Hằng, phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển chia sẻ sau sự phẫn nộ ban đầu thì “tôi cảm thấy bất lực, bởi vấn đề này đã có từ rất lâu rồi mà tình trạng vẫn không thay đổi, sự việc vẫn như thế”, bà Hằng nói.

Lương tâm của người bảo mẫu

Ảnh bé bị trói chân tay được chị Hằng chia sẻ trên trang cá nhân 

Một giảng viên trường ĐH Sư Phạm Hà Nội cho biết tầm quan trọng của việc hiểu tâm lý người học là ưu tiên hàng đầu trong công tác đào tạo giáo viên mầm non.

“Trong quá trình đào tạo, sinh viên không chỉ học lý thuyết về kỹ năng kiềm chế cảm xúc bản thân mà còn được thực hành ngay tại các cơ sở mầm non để được hướng dẫn một cách trực quan cách nắm tâm sinh lý của trẻ. Dù là giáo dục trung cấp hay đại học, cao đẳng thì mô hình giáo dục giáo viên cũng đều như thế”, giảng viên này cho hay.

Câu hỏi được đặt ra rằng, tại sao được đào tạo bài bản như vậy nhưng những hiện trạng đau lòng kể trên vẫn xảy ra. ThS. Phạm Thị Thúy cho rằng vấn đề ở đây là lương tâm của người bảo mẫu.

“Nếu các bảo mẫu chỉ muốn cháu ăn, ngủ ngoan mà không kiên nhẫn, từ bi với trẻ thì sẽ dẫn đến những hành động bạo hành kinh khủng. Không thể dùng cái lý do áp lực hay khó khăn vất vả để ngụy biện cho những hành động vô nhân đạo như vậy”, ThS. Phạm Thị Thúy thẳng thắn nói.

Bà Thúy cũng cho rằng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho các chương trình giáo dục vì lương tâm và lòng nhân ái của con người phải được trau dồi từ bé. Tuy vậy, bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo các kỹ năng như kiềm chế, quản lý cảm xúc cho các giáo viên ở các trường sư phạm.

Không phải ai cũng có thể làm bảo mẫu

Bên trong cơ sở mầm non Sơn Ca

Giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội nói trên cũng cho rằng vấn đề cốt lõi là sự lỏng lẻo trong sàng lọc và sử dụng lao động tại các cơ sở mầm non, chứ không thể đổ tội cho các trường sư phạm.

“Bởi vì có một thực tế là rất nhiều người không thể xin được việc trong lĩnh vực được đào tạo rồi chuyển hướng xin làm bảo mẫu, chăm sóc trẻ”, giảng viên này nêu ý kiến.

ThS. Tâm lý Lê Thị Minh Hoa cho rằng có những vấn đề chuyên môn mà nếu người giáo viên không được giáo dục một cách bài bản thì có thể sẽ gây nguy hiểm về tâm lý, thể chất cho trẻ.

“Chẳng hạn như khi phạt trẻ, giáo viên phải biết cách để trẻ hiểu được tại sao mình phải chịu hình phạt đó. Còn nếu giáo viên không kiểm soát được cơn giận dữ, la mắng hay quát tháo trẻ thì sẽ phản tác dụng. Đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là những trẻ chưa biết nói, không có khả năng tự vệ thì những hành động như thế sẽ ghi lại dấu ấn rất nặng trong tâm lý, có thể ảnh hưởng đến cả quá trình học tập sau này của trẻ, cứ nhắc đến việc đi học trẻ sẽ sợ”, ThS Minh Hoa nhận định.

Bà Hoa khẳng định không phải ai cũng có thể trở thành bảo mẫu. Bà cho rằng nhiều người cứ nghĩ việc chăm sóc trẻ em là đơn giản mà không nghĩ đến những hậu quả có thể xảy ra nếu không biết làm việc ấy đúng cách.

“Đối với một số người, dù là cha mẹ của đứa trẻ nhưng dạy trẻ ra sao, kiềm chế nóng giận thế nào họ còn làm chưa được, huống gì bảo mẫu còn là nghề phải chăm sóc, yêu thương con người khác.

Do vậy, người bảo mẫu phải đem tình thương ra dạy trẻ, trẻ phải cảm nhận được tình thương đó thì mới phát triển được. Nhiều người nghĩ bảo mẫu chỉ là cho ăn, cho uống, cho đi vệ sinh chứ chưa ý thức được hết vai trò quan trọng của người bảo mẫu”, ThS Lê Thị Minh Hoa kết luận. 

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:

>> ThS Phạm Thị Thúy

>> ThS Lê Thị Minh Hoa

>> Bà Phạm Thị Minh Hằng

ĐẶNG TƯƠI - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục