Một buổi họp mặt gia đình nhiều thế hệ trong ngày tết cổ truyền đơn giản nhưng hạnh phúc - Ảnh: M.C. |
Bạn đọc nick name VCuong viết: "... Năm nay là cái tết đầu tiên tôi không còn được ăn tết cùng ba mẹ, giờ có đổi bao nhiêu tiền đi chăng nữa cũng không có được niềm hạnh phúc đó...".
Có xa rồi mới nhớ, bạn đọc này viết tiếp: "Điều an ủi cuối cùng là tôi mừng vì mình luôn ở nhà ăn tết cùng ba mẹ khi ông bà còn sống. Các bạn may mắn còn cha mẹ thì đừng bao giờ bỏ lỡ khoảnh khắc quý báu được ăn tết cùng cha mẹ mình. Du lịch thì còn nhiều cơ hội, cha mẹ thì không chờ ta được lâu...".
Trong khi đó, hoài niệm về cái tết không có người thân bên cạnh, bạn đọc Phú Sanh kể: "Có một cái mà tôi nhớ mãi, đó là cái tết năm 1999. Năm đó tôi không về nhà đón tết. Tối trước giờ giao thừa, dãi nhà trọ đìu hiu, chỉ có mỗi mình tôi ở lại.
Buồn và thèm cái không khí tết ở nhà, thèm và nhớ cái mùi của khói nhang lan tỏa trong giờ phút giao thừa nên tôi chạy vội ra tiệm tạp hóa mua một ướp nhang thơm.
Khi biết tôi mua nhang đốt để... ngửi, chị chủ nhà trọ cười ngất và bảo: "Giao thừa qua chị xông đất, chị đốt một bó nhang cho ngửi đã luôn".
Với tôi tết nó dung dị vậy đó. Chỉ cần một bó nhang trầm, một cành mai và mấy chậu vạn thọ đặt trước sân nhà là đã có tết rồi. Cái mùi khói nhang đêm giao thừa nó bảng lảng, hòa quyện vào thời khắc giao hòa giữa đất trời khiến cho con người càng thư thái, nhẹ nhàng".
Mùa xuân vạn vật nở hoa - Minh Nhật Trương |
Trước xu thế thay vì tết truyền thống về với gia đình, một số bạn trẻ lại tận dụng ngày nghỉ xách balô khám phá mọi miền đất nước, bạn đọc tên Khanh viết: "Tại sao lại phải đi du lịch ngày tết, mình là người VN mà, ngày tết là ngày gặp mặt của con, cháu, anh em sau cả năm đi làm ăn xa. Tết vui vẻ, thắp hương tổ tiên, nội ngoại...
Đã là truyền thống sao bỏ được, nên dành thời gian cho gia đình trong mấy ngày tết, còn nhiều dịp trong năm đi du lịch cũng tốt chứ sao".
"Dù có đi xa cũng gắng về với gia đình bạn nhé, dù muộn nhưng còn hơn là không về. Tết là để sum vầy - bạn đọc Tằng Hiến Vinh nhắn nhủ.
Kể về câu chuyện của gia đình, bạn đọc nick name Do Ha viết: "Gia đình mình thì vẫn giữ lại thói quen cả nhà bên nhau vào mùa tết. Ba mẹ, em gái và mình đi chúc tụng họ hàng, quây quần ở nhà chứ không hay đi nhậu nhẹt, ngồi chén chú chén anh.
Đối với nhà mình, tết là thời gian cho nhau. Do đó, tết với mình vẫn là một thứ rất đẹp, rất đáng quý, trước giờ chưa khi nào thay đổi".
Và, kết thúc lời chuyện kể, bạn đọc Do Ha kết luận: "Văn hóa, phong tục là do con người cả thôi. Dù chỉ một người giữ thì nó vẫn còn".
Cũng với tâm thế của một người hoài cổ, bạn đọc Lê Thanh Tùng tâm sự: "Cảm ơn bài viết và cảm ơn báo Tuổi Trẻ đã mở ra diễn đàn này để mọi người cùng trao đổi. Rất mong quý phụ huynh cho con em mình xem để còn lưu giữ lại những hình ảnh về ngày tết của quê hương mình.
Mong quý lãnh đạo ngành giáo dục suy nghĩ và đưa vào chương trình giảng dạy nhiều bài học về phong tục tập quán của ông bà, tổ tiên quê hương mình".
Lấy nick name thật "Tây" nhưng bạn đọc Robert suy nghĩ rất "truyền thống" khi viết: "Theo tôi, những ai có điều kiện mà còn cha còn mẹ nên thu xếp về đoàn tụ ngày tết. Đời người ngắn lắm, cơm áo gạo tiền luôn buộc lấy con người nhưng tình thân thì khó giữ lắm. Như tôi giờ ba mẹ mất hết rồi tết chả biết về đâu, tết cũng được mà không tết cũng xong"!
Dù chỉ là số ít nhưng cũng có ý kiến cho rằng không nên quan trọng hóa vấn đề, bởi ngoài cái Tết Nguyên đán ra, vẫn còn nhiều dịp khác về chung vui với gia đình. Hơn nữa, những ngày tết tàu xe tăng giá, người lại đông, ai cũng tranh nhau về thêm góp phần gây ùn tắc giao thông.
Ủng hộ quan điểm này, bạn đọc nick name Ali viết: "Tết là gì? Chúng ta đừng làm quá, ủy mị quá về ngày này... báo hiếu. Chăm sóc người còn sống hay đã qua đời là chuyện làm hằng ngày và trong tâm mỗi người! Tết mà về quê tay không có vui không? Chi bằng dành thời gian đó kiếm việc làm lương ngày tết gấp 3-4 lần mà trang trải, phụ giúp cha mẹ thì hay hơn các bạn trẻ à".
Đón Tết Nguyên đán như thế nào là tiết kiệm, văn minh, đồng thời không mất đi lễ nghĩa, truyền thống của dân tộc, chuyên mục Cùng làm báo chờ đón những chia sẻ, câu chuyện, ý kiến của mọi người. Mời bạn gởi ý kiến của mình trong phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email về địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn! |
Với mình, bạn chọn xu hướng nào? Mời bạn điền vào ô thăm dò dưới đây:
[poll width="450px" height="250px"]256[/poll]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận