15/02/2017 06:21 GMT+7

Mọc barie vỉa hè, tại anh hay tại ả?

THIÊN NGA
THIÊN NGA

TTO - Vỉa hè theo cách hiểu phổ thông trong dân chúng là phục vụ chủ yếu cho người đi bộ.

Vậy mà lâu nay nhiều người có thói quen đi xe trên lề đường,  với một phần lý do là lượng xe đi đông, đường hẹp nên leo xe lên lề đường “thoát” cho nhanh, riết thành thói quen.

Thói quen này do đâu mà có?

Tình trạng kẹt xe diễn ra hiện nay khiến nhiều người phải leo xe máy lên vỉa hè. Trong ảnh: xe máy leo vỉa hè trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM chiều 11-2 - Ảnh: Q.ĐỊNH
Một xe máy leo vỉa hè trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM chiều 11-2 - Ảnh: Q.ĐỊNH

Trước hết là do tính thượng tôn pháp luật với những người này hầu như không có. Với họ, có vẻ luật sinh ra là để “lách” chứ không phải để tuân thủ. Ai cũng vì cái lợi riêng của mình mà tùy tiện làm theo ý mình, riết rồi kỷ cương, phép nước không tuân theo nữa.

Bằng chứng ư? Có thể thấy nhan nhản trong các giờ cao điểm ở các thành phố lớn Hà Nội, Sài Gòn. Chỉ cần lấy smartphone ra thì tha hồ mà quay mà chụp được bằng chứng.

Đường có đông, có hẹp thì tìm đường khác mà đi. Đã đi đường là phải tuân thủ tuyệt đối luật đã quy định. Không có lý do, “lý trấu” gì cho việc phạm luật hết.

Cái nữa là do các nhà chấp pháp chưa làm tròn hết chức phận của mình. Cương quyết, nghiêm khắc hơn thì đâu dễ sinh ra sự nhờn luật của một số đông bộ phận người dân ở thành thị như hiện nay.

Ở các nước tiến bộ như Mỹ, Đức, Úc… luật giao thông và người chấp pháp rất nghiêm khắc với những người lái xe phạm luật, khiến người vi phạm từ bỏ ý định coi nhẹ việc chấp hành luật pháp.

Khi phạm luật giao thông, người vi phạm sẽ phải nộp tiền phạt ở mức cao, theo tư tưởng “phạt cho chừa” ngay từ lần đầu, lần vi phạm tiếp theo sẽ tăng theo cấp số cộng hoặc số nhân so với lần vi phạm trước.

Nhà nước được phép thu thêm các phí liên quan khi phải xử phạt các lỗi vi phạm giao thông như: phí thử nồng độ cồn trong máu, tiền chở xe về nơi cất giữ kèm theo khoản phí trông giữ và phí lấy xe ra. Nói chung các chi phí có liên quan đều bắt buộc người vi phạm “móc hầu bao”. 

Người lái còn phải đóng phí bảo hiểm bắt buộc ở mức cao gấp 2-3, thậm chí 10 lần cho mỗi chiếc xe đăng ký tên.

Ngoài các hình phạt nói trên, người vi phạm còn phải học một khóa về ý thức tham gia giao thông với kỳ thi rất khắt khe, cả lý thuyết lẫn thực hành.

Nếu tái phạm người lái xe sẽ bị tạm giam, và thậm chí bị coi là tội phạm, bị tước một số quyền công dân cơ bản. Bị cấm lái xe suốt đời nếu vi phạm nhiều lần.

Bình thường, có cảm giác luật của nước mình không nghiêm bằng nước người ta. Thế nhưng, khi “có chuyện” xảy ra mới biết có nhiều khi luật cũng quy định nghiêm ngặt, thậm chí còn ngặt nghèo hơn người ta nữa. Nhưng không hiểu sao vẫn có cảm giác người dân vẫn coi thường luật mà không sợ như nước người.

Đơn cử như cái vỉa hè bị dân chạy xe tràn lan vào giờ cao điểm, phá nát vỉa hè (vì chỉ dành cho đi bộ chứ nào có làm cho xe chạy bao giờ đâu, chịu sao thấu với mật độ xe như vậy).

Vỉa hè đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.1) được trồng cây xanh để làm đẹp cảnh quan và ngăn xe  leo lên lề  nhưng vẫn có người chạy xe chen giữa người đi bộ - Ảnh: DUYÊN PHAN
Vỉa hè đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.1) được trồng cây xanh để làm đẹp cảnh quan và ngăn xe leo lên lề nhưng vẫn có người chạy xe chen giữa người đi bộ - Ảnh: DUYÊN PHAN

Việc chạy xe sai luật rành rành này chỉ có một điểm tích cực duy nhất là đánh động các cơ quan nhà nước cần phải xem lại trách nhiệm quản lý đô thị của mình khi để xảy ra tình trạng vi phạm kéo dài này.

Chính quyền thay vì tăng cường áp dụng hình thức “phạt nguội” với những lỗi phổ biến của người tham gia giao thông ở những nơi không có cảnh sát mà đã lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông (như luật đã định) thì lại dùng barie rào chắn, khác gì đối phó với cái sai của người phạm luật - một cách làm thụ động, trong khi có thể dùng những biện pháp hành chính khác chủ động hơn.

Cái ý “muốn chấn chỉnh thì phải chấp nhận áp lực khi tái lập trật tự đô thị” có lẽ chỉ là cách nói bao biện cho việc thả lỏng luật khiến cho dân chúng phạm luật trong một thời gian dài mà thôi.

Thay vì một hơi chụp hình, ghi phạt cả đám người vi phạm leo xe vỉa hè như vậy, vừa danh chính ngôn thuận tăng thu cho kho bạc nhà nước, vừa răn đe được những người vi phạm, thì chính quyền lại tăng sự nguy hiểm cho người đi bộ khi đi trên vỉa hè (vốn chủ yếu phục vụ cho người đi bộ) có gắn barie chặn… xe.

Nhiều thanh barie được lắp trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 để ngăn xe máy chạy lên vỉa hè - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhiều thanh barie được lắp trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 để ngăn xe máy chạy lên vỉa hè - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Luật cũng đã cho phép phạt 300.000 - 400.000 đồng với tội (mới đúng, không phải lỗi) chạy xe trên vỉa hè rồi còn gì. Cứ thế mà dùng thôi.

Dù sao, cũng cảm ơn cái barie vỉa hè đã giúp cho dân và chính quyền thấy rõ được trách nhiệm của cả hai phía dành cho vỉa hè.

THIÊN NGA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên