Những bát cháo nóng miễn phí được các bạn trẻ trao tận tay từng người trên giường bệnh cùng với nụ cười của mình - Ảnh: Tư liệu TTO |
Trên đây là chia sẻ của bạn đọc Nguyễn Thành Giang khi tham gia diễn đàn "Cuộc sống quanh ta" trên Tuổi Trẻ Online.
Theo bạn Nguyễn Thành Giang, khi đọc tin có diễn đàn này, anh đã nghĩ ngay đến một người cô mà anh gặp nhiều trong những chuyến đi thiện nguyện.
Dưới đây là bài viết của bạn đọc Nguyễn Thành Giang.
“Trước hết, tôi rất vui khi báo Tuổi Trẻ Online mở ra diễn đàn rất ý nghĩa này, để những câu chuyện về phần tốt trong cuộc sống được chia sẻ, được lan rộng ra, được khơi thêm. Từ đó, sẽ đủ lực để làm đối trọng với cái xấu, cái ác cũng đang song hành hằng ngày diễn ra trong cuộc sống vốn muôn màu muôn vẻ.
Xin chia sẻ câu chuyện tôi tận mắt thấy, nghe và được nhiều người kể về cô.
Cô chỉ là một người bán thịt bò ở chợ, như bao người buôn bán nhỏ khác để mưu sinh thôi, nhưng có gặp có tiếp xúc với cô mới thấy tấm lòng cô thật đáng quý biết bao. Thời cô mới có chồng, hai vợ chồng cô và mẹ chồng sống trong túp lều nhỏ mưa dột cột xiêu.
“Tất nhiên, cuộc sống vẫn còn rất nhiều người hi sinh vì mọi người hơn cô. Nhưng với tôi, câu chuyện về cô thật sự là một tấm gương để những người trẻ như tôi phấn đấu. Cuộc sống không hẳn đã buồn, đã ảm đạm, khi tôi tin rằng quanh tôi còn có rất nhiều người tốt như cô...” |
Nguyễn Thanh Giang |
Nhà làm ruộng, có nuôi mấy con heo, nên kinh tế tương đối vất vả. Nhưng, cứ nghe nói ai trong xóm đói khổ là cô lại về nhà xúc vài lon gạo đem qua cho họ. Sợ chồng la, cô phải giấu kỹ, chờ lúc chồng ngủ trưa hoặc đi đâu đó, vội vàng đạp xe đến nhà cần cho. Rồi cô về trong vui vẻ, dù biết rằng ngày mai cô phải bớt lại chính số gạo ấy trong bữa ăn nhà mình...
Cuộc sống ngày càng khá lên, cô chuyển qua đi buôn heo con, rồi bán thịt bò ở chợ, nhưng cái tâm thiện chí vì mọi người chưa bao giờ tắt trong cô cho đến tận bây giờ. Đơn giản đầu tiên, ai khổ quá, đi ngang qua, cô thấy đều kêu vào cho một ít thịt về nấu canh.
Quý hơn, gần 30 năm rồi, thói quen đem theo cuốn sổ nhỏ trong lúc bán thịt vẫn giữ trong cô. Cuốn sổ ấy không phải để ghi tiền nợ, không phải để ghi tiền lời, mà là để ghi tốc ký những gia cảnh khó khăn mà cô nghe được. Vốn không ở đâu thông tin nhiều bằng ở chợ mà. Cứ ai kể, cô ghi hết vào.
Bán buổi sáng, buổi chiều nếu rảnh lúc nào cô lại đạp xe đến tận gia đình được nghe để xác minh, tìm cách giúp. Chuyện nào gấp, cô bỏ ngay bàn thịt nhờ người khác bán, rồi chạy đi. Rồi chính cuốn sổ nhỏ ấy, cô cầm tới từng quầy bán, tới từng nhà mà cô quen ở địa phương, xin từng đồng 500 đồng, 1.000 đồng, 5.000 đồng lẻ... để giúp các số phận không may...
Gần 30 năm, từ lúc đi bộ cho đến lúc có xe đạp rồi giờ là chiếc xe máy cũ, cô không nhớ hết những hoàn cảnh mình đã giúp. Không quản ngày mưa gió, không quản trưa nắng cháy tóc, cứ thấy ở đâu đang nguy cấp, cần tiếp trợ là cô lại đi ngay.
Nào là đám ma không có tiền làm đám, nào là sinh viên không có tiền đi học, nào là nhà dột không có tiền sửa xây lại, nào là những tai nạn bất ngờ đưa gia đình họ vào bi kịch... Ở đâu quanh vùng có những khó khăn, bất hạnh, cô lại tìm tới, bằng lời động viên, bằng những cách kêu gọi thiết thực của mình, vực họ dậy, đi qua những nghịch cảnh cuộc đời.
Giờ ra chợ ai cũng biết cô, và luôn trìu mến gọi tên bởi hầu như ai trong xóm chợ cũng đã từng một lần được cô cưu mang, giúp đỡ.
Ở chợ là vậy, về nhà cô quán xuyến hết mọi việc trong nhà, chăm lo cho chồng và hai con, cho cả mẹ chồng nữa. Cô cũng dạy cho các con từ nhỏ lòng yêu thương mọi người, giúp đỡ những người khó khăn bằng những việc làm thiết thực nhất.
Cô kể về câu chuyện con trai đầu của cô lúc mới 7 tuổi đã biết xúc gạo cho một bà già ăn xin, và dẫn bà ấy đi quanh xóm xin giùm gạo. Có lẽ em đã tiếp thu được tinh thần nhân ái từ người mẹ đáng quý của mình.
Không chỉ vậy, cô còn từng giúp nuôi hai đứa con nuôi đến khi trưởng thành, có nghề nghiệp, có chồng. Ấy là những bé gái nghèo trong vùng, phải nghỉ học sớm, mưu sinh trong khó khăn chật vật. Cô dẫn về nhà, nuôi cho ăn ở và đi học nghề. Có cái nghề xong, cô cho ở miễn phí nhà cô đi làm. Làm về, dư bao nhiêu, cô giữ giúp.
Rồi cô dựng gia đình cho luôn, trước cha mẹ ruột, gửi lại tiền cô giữ để cho các em làm vốn làm ăn. Không họ hàng, ruột rà gì, nhưng cô vẫn đối xử, quan tâm như những đứa con ruột của mình. Tấm lòng ấy làm mọi người trong vùng rất khâm phục và xúc động.
Chồng cô mất cách đây gần 2 năm vì bệnh ung thư. Hai con trưởng thành, lập nghiệp ở xa. Một mình cô ở nhà, buổi sáng bán thịt bò, buổi chiều lại cầm cuốn sổ đi làm cái việc mà nhiều người vẫn gọi là “vác tù và hàng tổng” ấy.
Cô bảo giờ cũng rảnh rang rồi, thôi thì dùng tất cả thời gian để giúp mọi người bớt đi cái khó. Kêu gọi giờ cũng đã bớt cực hơn trước. Qua các mối quan hệ, cô cũng đã có những mạnh thường quân trên Facebook. Có hoàn cảnh nào bất hạnh, cô lại lấy thông tin, hình ảnh về kêu gọi, nhờ các mạnh thường quân, các nhóm thiện nguyện cùng giúp đỡ.
Những ngôi nhà lần lượt được xây lên, những gia đình lần lượt được cấp vốn làm ăn và biết bao học sinh sinh viên không phải bỏ học giữa chừng vì không có tiền nộp học phí...
Nhiều người nghe việc cô làm, muốn viết lên báo, cô đều không đồng ý cho ghi hình, lấy thông tin. Ngay cả tôi, cô cũng dặn dò kỹ là cô cháu kể cho nhau vui và hiểu nhau, chứ nếu tôi đưa họ tên và hình ảnh của cô lên bất cứ truyền thông hay mạng xã hội, là cô từ ngay. Tôi biết cô nói thật. Vì tôi hiểu cô, rất là thương người, nhưng có những nguyên tắc rất bất di bất dịch.
Trong khi không ít người hiện nay làm từ thiện để kiếm chút danh chút lợi, thì tấm lòng của cô như vậy càng làm cho tôi trân quý hơn. Chính quyền địa phương từ các thôn, xã, huyện nơi cô ở đều nhiều lần đề nghị tặng giấy khen về những thành tích cô đóng góp cho bà con nhân dân địa phương, nhưng hầu hết cô đều từ chối khéo.
Cô bảo còn nhiều người làm tốt hơn cô, thôi cứ nhường những bằng khen ấy cho họ, để thêm cho họ chút niềm vui, để họ tiếp tục góp sức cho đời, chứ còn cô thì sao cũng được...".
Kể từ hôm nay, trang Bạn đọc Tuổi Trẻ Online mở diễn đàn Cuộc sống quanh ta để bạn đọc chia sẻ những câu chuyện mắt thấy tai nghe, xảy ra trong cuộc sống thường ngày. Mời bạn cùng tham gia. Bài viết xin gởi về địa chỉ: dandt@tuoitre.com.vn hoặc tto@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận