04/11/2016 11:48 GMT+7

Sinh viên viết email chưa xong, đừng hòng tìm được việc

M. NHIÊN tổng hợp
M. NHIÊN tổng hợp

TTO - Rất nhiều bạn đọc đã nhận định như vậy sau khi đọc bài viết nói lên thực trạng có một đại bộ phận sinh viên ngày nay không biết soạn một email của tác giả Trần Xuân Tiến.

Theo đó, trong bài viết Vừa buồn vừa bực nhận email, tác giả Trần Xuân Tiến - Trường ĐH Văn Hiến - kể rằng sau gần bốn năm nhờ làm công việc liên quan đến việc giao tiếp với sinh viên, anh mới "ngộ" ra rằng: sinh viên ngày nay rất kém về kỹ năng viết email! 

Trong đó có những email chỉ có tệp (file) đính kèm mà không hề có bất cứ tiêu đề (subject line) nào hay bất cứ nội dung (content) gì. Thậm chí các em sinh viên không xưng tên họ, để lại số điện thoại liên hệ. Một số email ghi hẳn nội dung cần trao đổi vào ô tiêu đề, nhưng là những dòng chữ tiếng Việt không dấu, hoặc những chữ viết tắt không theo một thể thức quy tắc nào. 

Email có nhiều loại, nhiều mục đích khác nhau. Vì thế cần phải viết sao cho phù hợp với mục đích, đối tượng, chứ không phải vì là thư "electronic" mà mọi thứ đều ngắn gọn tới mức "không đầu không đuôi" và toàn từ viết tắt, tiếng lóng như loại tin nhắn".

Bình luận của bạn đọc Nguyễn Diệu Ân

Đồng quan điểm với tác giả, bạn đọc nickname T.Q. viết: "Có tên tập tin là tốt rồi, có khi còn nhận được file document1.docx, boot1.xlsx, presentation1.ppt... rồi câu đầu tiên của file word là tên file kiểu như Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.docx... hay nhiều sinh viên chỉ biết đặt tên file là tên môn học, tên đề tài...".

Trong khi đó, bạn đọc MUR9 bổ sung: "Không phải chỉ sinh viên đâu, mà đại đa số công chức nhà nước hiện nay đều như thế! Xin lỗi vì tôi phát biểu chủ quan, nhưng tôi tiếp xúc với bộ phận công chức rất nhiều và chưa bao giờ nhận được một email "lịch sự" cả, có cảm giác như họ không biết viết email thì phải? Buồn!".

Mời bạn xem clip "Kỹ năng tự viết email hiệu quả" - Nguồn: YouTube

Vậy đâu là nguyên nhân gây ra các tình huống này? Là do công nghệ hiện đại hay ý thức của con người hiện nay đang dần đi xuống?

Tác giả Trần Xuân Tiến cho rằng khi bình tâm suy xét từ các góc độ, thật ra lỗi không thuộc hoàn toàn về các em sinh viên. Vậy do đâu?

Bạn đọc Dương Thị Thanh Nhung phân tích: "Đây là tình trạng chung của thời đại "technology". Một nghiên cứu (năm 2015) ở Anh cho thấy trung bình một người sử dụng khoảng 8g41 vào iPhone và laptop, nhiều hơn thời gian ngủ trung bình một ngày (theo Daily Mail).

Thói quen đọc sách (nhất là tác phẩm văn học) dần biến mất. Con người ngày càng nóng nảy, vội vàng, thích sống nhanh. Tần suất giao tiếp hoặc tương tác với những người chung quanh tăng mạnh nhưng chất lượng, chiều sâu giao tiếp kém đi. Ở VN tình trạng này cũng tương tự. Tôi chấm bài viết tiếng Anh của học sinh cũng thấy khả năng đọc và viết của các học sinh ngày càng kém tệ hại...".

Góp thêm một góc nhìn khác, bạn đọc Nguyễn Trung Bình cho rằng đừng nên đổ lỗi do hoàn cảnh, bởi thói quen phần lớn đều hình thành do ý thức con người và giáo dục mà ra.

"Nếu chúng ta biết dạy "xin lỗi" và "cảm ơn" từ bé thì lớn lên dù có thay đổi thì nền tảng vẫn còn. Hội nhập nhưng phải học và áp dụng những cái hay của tầng lớp trước, không nên chạy theo công nghệ mà mất gốc, dẫn đến nhân cách ngày càng tệ. Là sinh viên được đào tạo ở ghế nhà trường 4-5 năm trời mà viết email chưa xong thì đừng hòng tìm được việc" - bạn đọc Nguyễn Trung Bình viết.

Là đơn vị tuyển dụng, bạn đọc Quang Trương cho rằng chính vì không được trang bị những kỹ năng cơ bản trong giao tiếp, nên rất ít sinh viên ra trường lọt vào "mắt xanh" nhà tuyển dụng.

Bạn đọc này viết: "Tôi là giám đốc một DNTN, những khi chúng tôi đăng tuyển nhân viên thường nhận được email đính kèm tập tin CV, ngoài ra không có thêm một chữ nào khác, kể cả tiêu đề. Gọi điện mời đến phỏng vấn, có hẹn nhưng không đến hoặc có người đến chỉ hỏi về lương và chế độ đãi ngộ mà không quan tâm đến công việc sắp tới cần phải làm gì, nơi tuyển dụng có yêu cầu như thế nào".

Giao tiếp như vậy thì làm sao tìm được việc?

Để dung hòa giữa hiện đại và truyền thống, giữa nhanh gọn đơn giản nhưng phải lịch sự có đầu có đuôi, theo bạn đọc nickname Hai Hai, sẽ rất thiết thực nếu có chương trình hướng dẫn giao tiếp bằng email được phổ cập bắt buộc cho tất cả học sinh, sinh viên và công chức nhà nước.

Cũng theo bạn đọc này, do phần đông các trường hợp người ta không biết làm thế nào để thể hiện sự lịch sự, văn hóa, gần gũi mà vẫn truyền đạt được nội dung trong giao tiếp bằng email.

Tự hào là sinh viên của một trong những trường danh tiếng, bạn đọc nickname T.H.T. viết: "Không biết sinh viên các trường khác như thế nào, chứ sinh viên Trường Bách khoa TP.HCM khi vào học kỳ đầu năm nhất khoa nào cũng đều có môn "Nhập môn kỹ thuật" nhằm dạy sinh viên các kiến thức về kỹ năng giao tiếp, ứng xử, thuyết trình, thái độ kỹ sư, làm việc nhóm... rất thú vị".

Còn bạn đọc Nhung Nguyen bổ sung: "Thiết nghĩ các trường nên có một môn dạy kỹ năng như: cách ghi chép tốt, phương pháp động não, tư duy, viết báo cáo chuẩn ISO, cách trình bày mail, nói trước đám đông, làm việc nhóm... trong chương trình học để giúp sinh viên tiếp cận và bổ sung kỹ năng tốt hơn".

M. NHIÊN tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên