14/06/2016 09:57 GMT+7

Làm chòi vịt, chuồng gà phải xin phép, lòi ra chuyện tiền?

DIỆP VĂN SƠN
DIỆP VĂN SƠN

TTO - Bài viết “Chuyện lạ ở Cao Bằng: Làm chuồng gà cũng phải... xin phép” (Tuổi Trẻ ngày 12-6) đã thu hút hơn 700 ý kiến phản hồi của bạn đọc. Chúng tôi giới thiệu một góc nhìn từ câu chuyện này.

UBND Q.8 (TP.HCM) đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng phục vụ và tạo sự gần gũi thân thiện để người dân dễ dàng thực hiện các thủ tục giấy tờ hành chính. Trong ảnh: người dân làm thủ tục hồ sơ nhà đất tại UBND Q.8 - Ảnh: TỰ TRUNG
UBND Q.8 (TP.HCM) đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng phục vụ và tạo sự gần gũi thân thiện để người dân dễ dàng thực hiện các thủ tục giấy tờ hành chính. Trong ảnh: người dân làm thủ tục hồ sơ nhà đất tại UBND Q.8 - Ảnh: TỰ TRUNG

Một nền hành chính dịch vụ sẽ đưa đến nhân dân gắn bó với chính quyền; công chức nhận rõ sự vừa lòng hay không vừa lòng của dân (khách hàng) mà điều chỉnh thái độ, hành vi, lề lối làm việc theo hướng không ngừng hoàn thiện

DIỆP VĂN SƠN

Vụ lùm xùm liên quan đến "vụ án chòi vịt" ở huyện Bình Chánh, TP.HCM mới tạm lắng xuống lại thêm chuyện lạ ở Cao Bằng: một người dân gửi thư lên bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng kêu cứu vì bị chủ tịch UBND phường Sông Bằng, TP Cao Bằng buộc phải làm thủ tục xin phép khi xây chuồng gà, nhưng khi ông làm đơn thì phòng quản lý đô thị không giải quyết(!?).

Thật ra nguyên nhân của những chuyện bi hài này từ lâu công luận đã chỉ mặt đặt tên. Nhiều công chức lâu nay vẫn còn hoạt động với thái độ nặng tính cai trị hơn phục vụ, quen thói nhũng nhiễu xin cho, “làm khó để ló ra tiền”... đang là một nguy cơ hiện hữu!

Muốn cho công chức hoạt động như một "công bộc" thì ngoài những biện pháp như giáo dục, thưởng phạt nghiêm minh công bằng, chăm lo điều kiện sống, điều kiện làm việc tương xứng thì cần phải đặt công chức trong một hệ thống công nghệ quản lý hành chính tiên tiến (ví dụ hệ thống quản lý chất lượng ISO-9000) và quan trọng hơn là có luật về đạo đức hoạt động công vụ. Có như vậy công chức mới không muốn, không thể và không dám có hành vi sai trái.

Tuy chúng ta đã có Luật cán bộ công chức (2008) nhưng luật này mới chỉ chứa đựng 10% nội dung hoạt động công vụ.

Một khi các tiêu chuẩn đạo đức không được phản ánh một cách cụ thể trong khuôn khổ pháp lý thì thật khó xác định đâu là tiêu chuẩn, đâu là nguyên tắc bắt buộc để điều chỉnh hành vi của tất cả cán bộ, công chức.

Hơn nữa, sự “mơ hồ” trong việc xác định đạo đức của cán bộ, công chức lại được kết hợp với chuyện không minh bạch các quy trình giải quyết công vụ và việc cung cấp những thông tin được pháp luật thừa nhận mang tính công khai sẽ là môi trường thuận lợi cho công chức có thể vận dụng một cách tùy tiện mà rất khó bị phát hiện.

Cứ thế, cùng một sự việc, công chức có thể xử lý theo hướng bất lợi hay có lợi cho người dân tùy theo mối quan hệ, sự thân tình và cả những khoản thù lao, quà cáp không nằm ở bất cứ quy định nào.

Chuẩn mực đạo đức cao trong hoạt động công vụ đã trở thành một vấn đề cấp bách và thiết yếu đối với nền công vụ hiện nay. Nỗi lo lắng ngày nay về sự suy giảm lòng tin của nhân dân đòi hỏi phải xem xét lại các biện pháp tăng cường đạo đức cho từng công chức và văn hóa hành chính cho từng cơ quan.

Phải chuyển từ quan niệm hành chính cai trị sang phục vụ. Hoạt động hành chính dịch vụ đòi hỏi tổ chức bộ máy hành chính thích hợp, hoạt động hiệu quả, hiệu lực, phân công phân cấp trách nhiệm rõ ràng, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật hỗ trợ hoạt động hành chính...

Bên cạnh đó là tăng cường thanh tra công vụ. Thay thế chế độ biên chế bằng chế độ ký hợp đồng linh hoạt đối với công chức hành chính.

Thực hiện thi tuyển công khai, cạnh tranh các chức danh công chức kể cả công chức lãnh đạo. Tính toán chế độ lương bổng hợp lý để công chức thi hành công vụ một cách thanh cao...

Để khôi phục bộ mặt “công bộc” đúng nghĩa trong lòng dân, từ Chính phủ, các cấp lãnh đạo chính quyền địa phương cả hệ thống chính trị trên cương vị của mình phải bắt đầu từ trong tổ chức mình nghiêm khắc cương quyết thực hiện các giải pháp.

Đã có chủ trương cần cương quyết thực hiện, lấy sự hài lòng của dân làm tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động của công chức, đi đến giảm dần và chấm dứt sự vô cảm của công chức.

DIỆP VĂN SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên