10/06/2016 01:08 GMT+7

"Là dân Kinh Dương Vương, tôi ủng hộ 1/3 đường là kênh"

M.D tổng hợp
M.D tổng hợp

TTO - Bạn Truong Minh Chieu nói lên suy nghĩ của mình như vậy vì “giải pháp này giải quyết toàn diện cho khu vực trũng này. Tôi là dân nơi đây, quá khổ nhiều năm rồi với nâng đường”.

Một đoạn đường Kinh Dương Vương  (Q.Bình Tân, TP.HCM) trước khi thực hiện dự án thoát nước đường Kinh Dương Vương - Ảnh: BRC

Đó không phải là ý kiến cá biệt. Sau hơn một ngày đăng giải pháp chống ngập cho đường Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân, TP.HCM) bằng cách biến 1/3 đường thành kênh, hàng trăm bạn đọc đã thể hiện chính kiến của mình.

Có thể nói hầu hết ý kiến ủng hộ phương án "khả thi", "tối ưu", “diệu kế thật là diệu kế” (Tân) này (xem thêm các phần bình luận cuối bài).

Tại sao?

Sài Gòn vốn là thành phố của sông nước, kênh rạch

“Đây là ý tưởng khả thi nhất vì các bản đồ hành chính trước đây, Sài Gòn - Chợ Lớn có nhiều kênh thoát nước, nhưng do tốc độ đô thị hóa quá nhanh nên nhiều kênh đã bị lấp để lấy đất xây dựng. Hiện tại đứng trước việc chống ngập cho thành phố thì chúng ta cần phải có hướng phát triển hòa hợp với thiên nhiên hơn. Giống như Hà Lan, một nước có diện tích đất luôn nằm dưới mực nước biển, nhưng vì sao họ không bị ngập và phát triển đến bây giờ?” - bạn Huấn Lê Đàm nhận định.

Bức tường xây chắn hết lối ra vào trước một cửa hàng - Ảnh: HỮU KHOA - HỮU THUẬN

Kênh Kinh Dương Vương (tạm gọi là vậy) trên đường Kinh Dương Vương thông thủy với kênh Tham Lương và kênh Tân Hóa - Lò Gốm cũng như các hồ tự nhiên xung quanh - Đồ họa: T.THIÊN

Với bạn Bùi Thế Tung thì “phương án này rất hay, bảo đảm sự hài hòa giữa tự nhiên và đời sống của con người.

Có thể ngăn ngừa triều cường bằng hệ thống cửa van đóng mở tự động, công trình này sẽ như một hồ điều tiết có dung tích chứa được đến 300.000 mét khối nước thông thủy với hệ thống kênh đã có để tiêu nước đi. Khi thực hiện không xáo trộn cuộc sống của bà con hai bên đường, chi phí rẻ. Lợi dụng được địa hình, tạo được cảnh quan gần gũi với thiên nhiên.

Tác giả của phương án cũng đã tính đến cả những nảy sinh và cách khắc phục. Theo tôi, đó là một giải pháp tối ưu cần được xem xét”.

"Sài Gòn xưa vốn là thành phố của sông nước, kênh rạch và sống hài hòa với nó" - bạn Chu Thanh nhận định.

Bạn Nhận Thức khẳng định mình ủng hộ phương án này vì “thoạt tiên nó sẽ là một hồ sinh học, không bị vướng giá trị đất đai và giải tỏa. Lưu lượng giao thông bộ: cầu bên trên. Kết cấu bờ và cầu vẫn khả thi. Kiến trúc mỹ quan: cần sự dung hòa với mục đích giảm ngập”.

“Một giải pháp chống ngập sinh thái hữu hiệu”, “chẳng những giải quyết được vấn đề ngập nước mà còn tạo vẻ mỹ quan đô thị”; “đồng ý với sáng kiến này: dựa vào địa vực của khu vực này mà tồn tại” - các bạn hanhnguyen, Cường Huỳnh, Sinh Thái... nhận định

Khi có bạn cho rằng nên làm cống hộp, cống ngầm, bạn Anhboyboyboy trao đổi lại: “Vấn đề ngập nước của Sài Gòn không phải là do hệ thống cống rãnh yếu kém mà là do miệng cống bé tẹo thoát nước không kịp. Kênh lộ thiên nên nước sẽ thoát rất nhanh”.

Giải pháp đột phá nhưng người ta đã làm từ lâu

Trước hết, một số bạn đã nêu ra thực tế cả thế giới đều biết: cả nước Hà Lan nằm dưới mực nước biển, không ai tôn nền cả Hà Lan.

Nếu chuyện chống ngập cả nước Hà Lan vĩ mô quá thì kiến trúc sư Công Sĩ cho rằng: “Theo tôi, đây là ý tưởng mới, rất trúng, phù hợp với ý tưởng chống ngập lụt của TP Rotterdam (Hà Lan) với hệ thống kênh rạch chằng chịt giữa lòng thành phố mà TP.HCM vừa qua đã ký kết với TP này về việc hỗ trợ chống ngập lụt”.

Bạn Phu Phong nêu ví dụ gần gũi hơn: “Đây là ý tưởng đột phá. Năm 2003, nguyên tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak, khi ấy là thị trưởng Seoul đã khởi xướng đề án đào dòng suối Cheonggyecheon trong lòng thủ đô Seoul để giải quyết vấn đề nóng bức, ngột ngạt của thủ đô đồng thời cũng phát huy việc thoát nước”.

Càng gần hơn là ví dụ của bạn Le Dung: “Tôi đồng ý với đề xuất này. Khi đi sang Singapore tôi thấy các kênh đường phố như vậy rất nhiều và rất hữu ích cả về thoát nước chống ngập và về sinh thái môi trường. Chống ngập ở Sài Gòn duy nhất chỉ có cách tăng diện tích chứa nước (vì chúng ta đã lấp nhiều quá khi đô thị hóa) chứ không thể bằng cách nâng đường”.

Ngay trong nước, sát Sài Gòn thì bạn Tôi yêu VN kể: “Đây là một giải pháp tuyệt vời, chẳng những nó chống ngập mà còn tạo vẻ mỹ quan đô thị xanh sạch đẹp nữa. Ở Cần Thơ và một số tỉnh miền Tây cũng đã làm như vầy rồi. Hiệu quả thì không cần bàn nữa, nếu mưa nhiều và có ngập thì thời gian nước rút rất nhanh. Nếu có nâng đường cao đến đâu thì giống như chuyện Sơn Tinh - Thủy Tinh, càng nâng thì càng ngập, bao nhiêu năm qua vẫn thế mà”...

Những đề xuất hỗ trợ cho kênh

Toluyn: “Có vẻ khả thi. Làm cầu nối hai bờ kênh để tiện việc đi lại cho người dân, tạo cây xanh để thêm vẻ thơ mộng cũng là bảo vệ bờ kênh và thường xuyên nạo vét kênh để giữ môi trường xanh sạch. Tôi nghĩ người dân hai bên sẽ ủng hộ hơn là nâng đường vừa mất mỹ quan đô thị, vừa mất lòng dân. Nếu quy hoạch đúng chuẩn với dòng kênh uốn lượn xanh, sạch, đẹp thì sau này sẽ tiện cho du khách tham quan về đêm khi thành phố đã lên đèn. Thành phố Sài Gòn về đêm thật đẹp. Tại sao chiều sâu lòng kênh không là 5 hay 6m?”.

Dân Quê: “Ý tưởng trên đây là một ý tưởng sáng suốt! Nên chăng cần xây dựng các cửa đóng/mở tự động và xây thêm trạm bơm công suất lớn ở các vị trí này để vận hành bơm chống ngập (khi không thể mở cửa xả vì mực nước ở bên ngoài cao hơn bên trong). Điều quan trọng nữa là phải giám sát chặt chẽ để công trình phải đạt đúng tiêu chuẩn (thật) về chất lượng để có thể sử dụng đúng theo thiết kế và độ bền”.

Phi Long: “Phương án đưa ra cũng rất hay, cần tính toán khoa học. Tuy nhiên, theo tôi thấy chiều sâu của kênh để tính thể tích chứa nước khi mưa không thể là 4m chiều sâu mà chỉ là chênh lệch giữa mặt đường và mực nước của các kênh xung quanh. Như vậy, nếu phương án này hiệu quả thì độ sâu của kênh khi thực hiện chỉ nên làm sâu hơn so với mực nước của các kênh xung quanh một chút để đỡ tốn chi phí”. 

Bùi Thiện: “Đây là một giải pháp táo bạo nhưng có lẽ có nhiều tính khả thi nhất, dựa vào tự nhiên và tính kết nối của hệ thống kênh hiện hữu, ít ảnh hưởng đến cuộc sống của cư dân. Theo tôi, nên tính đến 2 phương án: kênh nổi hoặc kênh ngầm, kết hợp với hệ thống bơm và cửa ngăn triều”...

Ninh: “Song song cần bài toán rác thải cho những con kênh này”.

Adam80: “Nói chung giải pháp này chỉ nghĩ tới thôi thì đã thấy hiệu quả rất cao nhưng ý thức giữ vệ sinh kênh rạch của người dân cũng phải kết hợp mới hoàn thiện được”...

... Và một số bạn lo: đường hẹp lại có kẹt xe?

Nỗi lo này là chính đáng. Tuy nhiên, theo tác giả đề xuất, hiện nay giữa đường Kinh Dương Vương đã có một dải cỏ rộng 3-4m, Nếu cắt 1/3-1/4 đường làm kênh thì hai bên đường vẫn là hai con đường khá rộng so với nhiều đường trong TP.HCM hiện nay: 15-20 m/bên; đường Kinh Dương Vương lâu nay ít kẹt xe, trừ những khi mưa ngập...

Đón đọc: Những ý kiến phản biện đề xuất 1/3 đường Kinh Dương Vương (Q. Bình Tân, TP.HCM) thành kênh

[poll width="400px" height="230px"]225[/poll]

 

M.D tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên