18/05/2016 08:15 GMT+7

14 tấn cá chết, Nhiêu Lộc - Thị Nghè khác các kênh khác

QUANG KHẢI
QUANG KHẢI

TTO - Tính đến 17g ngày 17-5, đã có 14 tấn cá chết được vớt lên từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Chiều cùng ngày, Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM đã tổ chức họp báo để thông tin cho báo chí về tình trạng cá chết trên kênh này.

Nhân viên Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM vớt cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chiều 17-5 - Ảnh: Hữu Khoa
Nhân viên Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM vớt cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chiều 17-5 - Ảnh: Hữu Khoa

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Phước Trung, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP, cho biết tình trạng cá chết từng xảy ra trong năm 2014 và 2015 (mỗi năm hai đợt) nhưng lần này cá chết dày đặc nhất so với từ trước đến nay. Hàng chục nhân sự với 16 canô, tàu đã được huy động vớt cá chết.

Người dân không nên thả cá phóng sinh xuống kênh vào thời điểm này vì chất lượng nguồn nước chưa ổn định. Bà con cũng không nên vớt cá chết hoặc cá lờ đờ dùng làm thực phẩm cho người hay gia súc

Ông NGUYỄN PHƯỚC TRUNG (giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM)

Vì sao các kênh khác không bị?

Mở đầu cuộc họp báo, ông Nguyễn Phước Trung cho biết ngay khi có mưa dẫn đến cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (ngày 16-5), đơn vị chức năng đã lấy mẫu nước xét nghiệm.

Kết quả phân tích cho thấy nhiều chỉ tiêu vượt ngưỡng cho phép như: độ trong của nước nhỏ hơn 20cm (quy định từ 30cm trở lên), pH 8,7 - 9 (quy định 6,8 - 8,5), NH3 0,36mg/lít (quy định nhỏ hơn 0,3mg/lít)...

“Nguyên nhân ban đầu dẫn đến cá chết là ô nhiễm hữu cơ và khí độc do cơn mưa đầu mùa cuốn lượng ô nhiễm này ra kênh. Kết quả xét nghiệm nước nói trên cũng tương đồng so với những lần cá chết trước đây” - ông Trung kết luận.

Tuy nhiên, ông Trung cũng nhìn nhận việc phân tích mẫu nước mới đây thấy có thêm nhiều chỉ tiêu vượt chuẩn như: pH, nhiệt độ trong nước... góp phần làm cho cá chết nhiều hơn so với trước đây.

Ông Trần Văn Sơn, phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giải thích thêm rằng cá chết nhiều ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè mà không xảy ra nơi khác do đầu nguồn tuyến kênh này được nối với hệ thống cống thoát nước từ nhiều khu vực của Q.Tân Bình.

Dòng nước ở đây ít được lưu thông, trong khi những tuyến kênh khác như Tàu Hủ - Bến Nghé liên thông với nhau và dẫn ra sông Sài Gòn.

Vì vậy môi trường nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dễ bị ô nhiễm do mưa đầu mùa kéo theo nước thải sinh hoạt, các chất dơ bẩn, thậm chí rác đổ dồn vào đoạn kênh này.

Tính đến chiều qua, đã vớt được 14 tấn cá chết
- Ảnh: Hữu Khoa
Tính đến chiều qua, đã vớt được 14 tấn cá chết - Ảnh: Hữu Khoa

Giải pháp trước mắt, lâu dài phải chờ

Tại buổi họp báo, nhiều phóng viên đặt câu hỏi tình trạng cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã xảy ra nhiều lần, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP có sự chuẩn bị như thế nào, giải pháp ra sao để không xảy ra tình trạng cá chết lặp lại sau những cơn mưa đầu mùa?

Trả lời câu hỏi này, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP cho biết biện pháp căn cơ lâu dài là một vấn đề không nhỏ, cần có sự đầu tư để giải quyết các bài toán từ gốc rễ.

Còn trước mắt, theo ông Nguyễn Phước Trung, các lực lượng tập trung vớt cá chết đưa về khu xử lý rác Đa Phước (huyện Bình Chánh) xử lý nhằm hạn chế xác cá phân rã tạo mùi hôi, gây ô nhiễm nặng thêm nguồn nước.

Bên cạnh đó, các đơn vị của sở đã dùng 5 tấn chế phẩm sinh học zeolite rải xuống các khu vực có cá chết nhằm giúp cải thiện môi trường nước trên kênh. Chế phẩm này giúp làm trong nước, lắng các chất cặn bã, hấp thu và phân hủy các chất ô nhiễm.

Về lâu dài, ông Trung nói cần một giải pháp tổng thể như đẩy mạnh việc xử lý nước từ trong cống trước khi thải ra kênh.

Như trên đã nói, đoạn đầu nguồn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là nơi nối với các hệ thống cống thoát nước của khu vực Q.Tân Bình.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay khu vực này đã được đầu tư hệ thống cống thu gom nước thải.

Tuy nhiên, nước thải này chưa có nhà máy xử lý và dẫn vào hệ thống thu gom đưa về trạm bơm Nguyễn Hữu Cảnh để bơm ra sông Sài Gòn.

Mặt khác, hệ thống cống này chung với hệ thống cống thoát nước mưa, vì vậy khi có mưa, một lượng nước thải hòa lẫn với nước mưa thoát ra ngoài kênh, góp phần làm các chỉ số ô nhiễm kênh tăng lên dẫn đến cá chết như trên.

Chỉ khi nào nguồn nước từ hệ thống cống này được xử lý ô nhiễm trước khi đổ ra kênh (đặc biệt vào thời điểm có mưa đầu mùa) thì hi vọng cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè không chết hàng loạt như vừa qua. Tuy nhiên, đến nay chưa có dự án gì cụ thể giải quyết vấn đề này.

 

Lãnh đạo thành phố nhanh chóng vào cuộc

Liên quan đến tình trạng cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, chiều 17-5, Thành ủy TP.HCM có văn bản do Phó bí thư thường trực Tất Thành Cang ký yêu cầu bí thư Ban cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo UBND TP chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan kiểm tra, xác định nguyên nhân cá chết bất thường; có biện pháp giải quyết, xử lý ngay, không để ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường dọc tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè; báo cáo thường trực Thành ủy trong sáng nay (18-5).

Thành ủy cũng yêu cầu bí thư quận ủy của các quận: 1, 3, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh chỉ đạo UBND quận, ban dân vận quận ủy nắm tình hình, phối hợp các đơn vị liên quan xử lý ngay tình trạng cá chết, không để ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường dọc tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và kịp thời báo cáo thường trực Thành ủy tình huống phát sinh.

* Tiếp đến, tối 17-5, Văn phòng UBND TP có văn bản khẩn, truyền đạt nội dung chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP đối với các sở ngành, địa phương liên quan về việc xử lý tình trạng cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Trong đó, lãnh đạo TP yêu cầu Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường nước giai đoạn 2 đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải, sớm đưa nhà máy vào hoạt động nhằm giải quyết căn cơ công tác xử lý nước thải, bảo đảm vệ sinh môi trường nước kênh rạch.

Q.TR.

QUANG KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên