22/04/2016 10:01 GMT+7

"Siêu nhí Việt Nam" được mùa trên truyền hình, ai hưởng lợi?

KHÁNH HƯNG
KHÁNH HƯNG

TTO - Trong khi Trung Quốc cấm phát sóng một số chương trình truyền hình liên quan đến trẻ em, thì ngược lại ở VN "Siêu nhí tranh tài" lại đang được mùa trên truyền hình. Tại sao vậy?

Sau Người hùng tí hon, Cu Tin - thí sinh nhí 4 tuổi - tiếp thục tham gia thêm nhiều chương trình khác như Bạn có thực tài, Thách thức danh hài... - Ảnh: Tư liệu TTO

Nhằm góp thêm một góc nhìn khác, Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu bài viết lý giải về hiện tượng trên của bạn đọc Khánh Hưng gửi đến chuyên mục Góc nhìn bạn đọc .

"Câu chuyện trẻ em tham gia các game show truyền hình đã quá quen với khán giả VN. Nhưng khi dư luận nói nhiều về “nhí”, lo nhiều về “nhí” thì “nhí” lại càng được ưu ái lên sóng.

Cũng thời gian này, khi Trung Quốc cấm phát sóng một số chương trình truyền hình có trẻ em tham gia, nên chăng các nhà kiểm duyệt VN cũng nên nhìn lại mình?

"Nhí" hóa người lớn

Có một thực tế dễ thấy ở các chương trình truyền hình dành cho trẻ em hiện nay là những thí sinh “nhí” đang “đóng vai” người lớn.

Đó là những Giọng hát Việt nhí, thí sinh phải lên giọng trong những bài hát người lớn kiểu Giấc mơ Chapi, Mái đình làng biển, Chiếc khăn piêu

Rồi những “nhí” phải già dặn trong các ca khúc đầy triết lý như Còn tuổi nào cho em hay phải gồng mình đóng vai những nghệ sĩ danh tiếng hát nhạc ngoại trong Gương mặt thân quen nhí.

Không dừng lại ở đó, đến những cuộc thi của người lớn, sân chơi dành cho người lớn cũng chỉ mang hình thức khi nhận nhiều thí sinh nhí 4, 5 tuổi tham gia.

Đó là những cậu bé 4 tuổi lên Thách thức danh hài, bắt chước trong sự tung hô của giám khảo lẫn khán giả. Rồi Tìm kiếm tài năng Việt Nam, Bạn có thực tài, hay mới đây là Song đấu, là những chương trình không phân biệt người lớn hay trẻ em, miễn “mua vui” là được.

Hiếm hoi một vài chương trình dành cho các em đúng nghĩa, như Đồ rê mí là một ví dụ, nhưng sân chơi “đúng gu” với các bé này lại không thể cạnh tranh nổi với những sân chơi khác, và phải dừng phát sóng.

Và một thực tế ở các chương trình truyền hình hiện nay là khi một chương trình dành cho người lớn lên ngôi và bắt đầu thoái trào thì người ta bắt tay vào xây dựng một chương trình dành cho các bé để “đổi gió”, để “vớt vát”.

Sau những Giọng hát Việt là Giọng hát Việt nhí, Gương mặt thân quen là Gương mặt thân quen nhí, rồi đây tiếp đến là Thần tượng âm nhạc nhí.

Cuộc thi nối tiếp cuộc thi, xem chương trình dành cho “nhí” mà thấy các em đang bị hóa thành người lớn để “mua vui” cho người lớn ở giờ vàng mỗi tối.

Nhà sản xuất kỳ vọng, cha mẹ càng hi vọng

Có lẽ, những cuộc thi dành cho trẻ em không còn là sân chơi “vui là chính” đúng nghĩa. Mà ẩn khuất sau đó là sự ganh đua của các bé, đánh đổi bằng nước mắt, sự kỳ vọng của nhà sản xuất làm sao để mùa sau “độc, lạ, thu hút” hơn mùa trước, và niềm hi vọng quán quân của những ông bố, bà mẹ từ mọi miền.

Giờ mà nói bố mẹ bắt con đi thi “cho vui” có lẽ không còn đúng nữa mà thay vào đó là bao kỳ vọng, giống như ngày thường các bé phải sống trong kỳ vọng đạt điểm số cao ở trường chuyên lớp chọn.

Điều những nhà sản xuất chương trình quan tâm là số đông công chúng đang háo hức ngoài kia vào mỗi tối ngồi trước màn hình tivi nên sẽ chẳng có chuyện những thí sinh nhí hát “con cò bé bé”. Dường như có một sự đồng thuận ngầm giữa nhà sản xuất và bố mẹ các thí sinh nhí với mục tiêu đưa các bé lên càng “hot” càng tốt.

Nhưng thi xong rồi là… chấm hết, may thay chỉ một số em quán quân được một số giám khảo nhận đào tạo, còn lại những tài năng nhí bị lãng quên ngay tức khắc để nhường chỗ cho những chương trình mới lên sóng. Là cuộc thi tìm kiếm những tài năng sao nhà đài lại bỏ mặc các em sau đó? Sao không có những chương trình đào tạo phát triển nghệ thuật tiếp theo?

Tôi nghĩ, không phải ngẫu nhiên mà những nhà kiểm duyệt Trung Quốc cấm phát sóng một số chương trình truyền hình liên quan đến trẻ em. Bởi họ đang nghĩ đến những hậu quả để lại sau mỗi chương trình kết thúc. Có lẽ họ muốn trả lại cho trẻ em những sân chơi đúng nghĩa hơn là những sân chơi được dàn dựng đầy “hỉ, nộ, ái, ố” của người lớn".

KHÁNH HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên