05/04/2016 08:01 GMT+7

Đòi mạnh tay với quán vỉa hè nhưng...cứ ăn

NHÓM KHẢO SÁT
NHÓM KHẢO SÁT

TTO - Hầu hết bạn đọc được hỏi đều thừa nhận có mua hàng hóa, ăn uống tại các điểm kinh doanh lớn cố ý lấn chiếm lòng, lề đường.

Quán cà phê lấn chiếm vỉa hè trên đường Trường Sa, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: Châu Anh
Quán cà phê lấn chiếm vỉa hè trên đường Trường Sa, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: Châu Anh

 

Tuy nhiên, 69% trong số đó lại mong muốn cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm các vi phạm này vì gây nhiều ảnh hưởng cho người dân.

Đây là kết quả khảo sát nhanh do Tuổi Trẻ thực hiện với 100 người dân về tình trạng kinh doanh lấn chiếm lòng, lề đường của những cửa hàng, quán ăn lớn ở TP.HCM (chứ không phải những người mưu sinh bằng gánh hàng rong, xe đẩy nhỏ).

Các tuyến đường bị các điểm kinh doanh lớn lấn chiếm mà người tham gia khảo sát phàn nàn nhiều gồm đường Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Trãi (Q.5), Tô Hiến Thành, Sư Vạn Hạnh, Cao Thắng (Q.10), Lê Văn Sỹ, Trường Sa, Hoàng Sa (đoạn qua Q.Phú Nhuận và Q.3), Cách Mạng Tháng 8 (Q.Tân Bình)...

Không còn chỗ đi bộ

Bà Lê Kim Liên (Q.10) kể rằng trước đây cứ cuối tuần bà thường dẫn các cháu nhỏ đi siêu thị Big C (chi nhánh Tô Hiến Thành) chơi, sẵn mua bánh kẹo cho các cháu. Đi bộ vừa vui vừa khỏe lại đỡ tốn tiền gởi xe nhưng giờ bà đành bỏ thói quen này.

“Vỉa hè còn chỗ đâu mà đi. Mấy quán ăn chiếm dụng kê bàn ghế, để xe choán hết trơn. Nhiều đoạn phải đi xuống lòng đường rất nguy hiểm, xe cộ đông đúc, bọn trẻ con thì hiếu động nên sợ lắm” - bà Liên nói.

Nỗi sợ ấy nào chỉ của riêng bà Liên. Anh Hứa Nhật Hoài, điều dưỡng viên, kể: “Tôi dẫn ba mẹ đi khám bệnh ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Bên ngoài bệnh viện nhếch nhác lắm. Quán ăn, nhà thuốc, cửa hàng tạp hóa bày biện chiếm hết vỉa hè. Đi dưới lòng đường nghe tiếng xe chạy ào ào từ sau tới, lạnh hết cả người”.

Còn bà Nguyễn Thị Ái Linh (ngụ P.2, Q.Phú Nhuận) phàn nàn về con đường Trường Sa (đoạn qua Q.Phú Nhuận): “Khoảng 4-5g chiều là các quán nhậu xếp đầy bàn ghế ra vỉa hè. Một số quán còn đặt bếp phía trước quán để nướng thịt, khói bay nghi ngút; nhân viên giữ xe kiêm luôn nhiệm vụ đứng giữa lòng đường mời chào khách vào quán. Vỉa hè phía ngoài kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng bị vài quán chiếm dụng để giữ xe làm chúng tôi không còn không gian đi bộ hay tập thể dục”.

“Không còn chỗ cho người đi bộ” cũng là ảnh hưởng mà các điểm buôn bán lấn chiếm khiến người dân bức xúc nhất, chiếm đến 80% ý kiến. Tiếp đó là những phiền phức khác như cản trở lưu thông, gây kẹt xe (76% ý kiến), ảnh hưởng mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường...

“Đó là chưa kể tạo sự bất bình đẳng trong việc sử dụng không gian sinh hoạt chung của cộng đồng. Tại sao để một số người chiếm dụng lòng lề đường cho lợi ích cá nhân, trong khi người khác phải đối diện với rủi ro khi đi dưới lòng đường?” - chị Nguyễn Thị Thùy Linh (Q.3) đặt câu hỏi.

Khảo sát ý kiến 100 người - Đồ họa: Tấn Đạt
Khảo sát ý kiến 100 người - Đồ họa: Tấn Đạt

Phải xử lý quyết liệt

Bức xúc của người dân luôn thường trực nhưng vì sao các điểm kinh doanh lấn chiếm lòng, lề đường vẫn tồn tại? Lý giải về điều này, anh Phan Minh Quân (Q.3) cho rằng: “Thói quen buôn bán của người dân thành phố trước giờ là mọi thứ phải trưng hết ra mặt tiền, trong khi chi phí thuê mặt bằng lại cao. Do đó, người bán thường tận dụng triệt để từng centimet để tiết kiệm chi phí”.

Lý do “tiết kiệm chi phí” này cũng được 65% số người tham gia khảo sát nhận định.

Một nguyên nhân khác cũng nhận được sự đồng tình cao tương đương, đó là vì còn nhiều người có thói quen ăn uống, mua hàng ở các điểm buôn bán lấn chiếm.

“Học sinh, sinh viên, người lao động thích nhất ngồi ăn ở vỉa hè vì tiện lợi và mát mẻ. Dân văn phòng thì trưa nắng nóng ngại đi xa nên cũng chọn ăn đại ở quán nào gần gần văn phòng là được. Chủ quán có lấn chiếm hay không khách hàng ít khi để ý” - chị Lê Thị Hồng Anh (nhân viên văn phòng, Q.4) nói.

Trong 100 người tham gia khảo sát, chỉ có 6 người cho biết họ không bao giờ mua hàng hay ăn uống ở các điểm lấn chiếm lòng, lề đường.

Khi được hỏi việc mua hàng, ăn uống như vậy có góp phần duy trì tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường hay không, có đến 92 người tham gia khảo sát khẳng định là có.

Do vậy, khi bàn đến giải pháp để hạn chế, tiến đến chấm dứt hẳn tình trạng các điểm kinh doanh lớn lấn chiếm lòng lề đường, nhiều người đề nghị phải tăng cường vận động để người dân không mua bán ở các điểm lấn chiếm này.

Tuy nhiên, giải pháp căn cơ hơn, theo số đông (65%), là chính quyền phải tích cực và công tâm trong xử lý loại vi phạm này.

Anh Trần Xuân Hiếu (Q.Bình Thạnh) nói: “Tôi rất đau lòng khi chứng kiến các gánh hàng rong lấn chiếm lòng, lề đường bị xua đuổi, tịch thu hàng hóa. Trong khi đó, nhiều điểm buôn bán lớn có mặt bằng đàng hoàng nhưng vẫn cố ý lấn chiếm vỉa hè thì ngang nhiên tồn tại”.

Còn anh Trương Quốc Dũng (Q.3) cho rằng cách xử lý thường thấy hiện nay như phạt tiền, tịch thu bàn ghế, hàng hóa... không phải là giải pháp căn cơ.

“Giải pháp cho vấn đề này được bàn nhiều rồi, vấn đề là thực hiện cho tới nơi tới chốn. Những nơi cố tình không tuân thủ phải xử lý mạnh tay, thậm chí rút giấy phép kinh doanh để làm gương cho nơi khác” - anh Dũng nói thêm.

* Bà Tâm Thành Tú (Q.7):

“Các hộ kinh doanh phải chừa lối đi bộ cho người dân, giữ gìn vệ sinh quanh khu vực mình buôn bán, nếu không làm được thì chính quyền địa phương phải xử lý mạnh tay. Buôn bán thì ai cũng vì lợi nhuận nhưng cần tránh làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác”.

Chị Nguyễn Bảo Phương (Q.6):

“Nhiều hộ chỉ đăng ký kinh doanh tại địa chỉ cụ thể nhưng lại chiếm dụng hết vỉa hè để bày hàng hóa hoặc các con hẻm lân cận để giữ xe. Với những hành vi như vậy thì cơ quan chức năng nên nhắc nhở, vi phạm nhiều lần thì nên tịch thu hàng hóa, phạt nặng hoặc rút giấy phép kinh doanh”.

Chị Nguyễn Thị Nhung (Q.Thủ Đức):

“Nhiều quán lúc vắng khách thì đưa xe lên vỉa hè nhưng lúc khách đông thì để xe luôn ở lòng đường. Nhân viên thì đứng giữa đường chèo kéo khách vô cùng lộn xộn, đôi khi tôi phải thắng gấp rất nguy hiểm. Nhẹ tay với những điểm buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường là tạo ra sự bất công bằng với những người phải thuê mướn mặt bằng, kiốt”.

NHÓM KHẢO SÁT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên