Ông Trần Hữu Hiệp Ảnh: Chí Quốc |
Những trận hạn, mặn lịch sử đang xâm thực “vựa lúa quốc gia” buộc chúng ta phải nhận thức lại về vai trò cây lúa, an ninh lương thực (ANLT) và cần một tư duy kinh doanh nông nghiệp thời hội nhập để bước qua dấu chân lấm bùn của nền nông nghiệp lúa nước truyền thống rất đáng tự hào, nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức lớn.
Trong điều kiện hiện nay và chắc chắn sẽ còn lâu hơn nữa, ANLT vẫn là vấn đề mang tính toàn cầu và VN vẫn là quốc gia đóng góp có trách nhiệm cho thế giới. Chúng ta xác định lúa gạo là vấn đề chiến lược và đã có nhiều chính sách tốt.
Song, trước thách thức của biến đổi khí hậu, thiên tai và nhân tai buộc chúng ta phải nghĩ đến một “hệ điều hành” mới, sao cho vẫn giữ vững nguyên tắc “2 bảo đảm” - ANLT quốc gia và nâng cao thu nhập cho người trồng lúa. Về lâu dài, không nên phát triển cây lúa bằng mọi giá, ngăn mặn một cách cứng nhắc mà bỏ qua yếu tố kinh tế: chi phí và lợi ích.
ANLT cần cách tiếp cận mới so với cách tiếp cận một cách cứng nhắc là “đủ gạo ăn” như lâu nay. Lương thực không chỉ có “gạo ăn” mà còn bao gồm cả các loại thực phẩm khác cho nhu cầu dinh dưỡng.
Vì vậy, đảm bảo ANLT không chỉ có ngành lúa gạo phải gánh vác mà cần phải tiếp cận đa ngành. Mặt khác, cơ cấu bữa ăn của người Việt cũng đã có bước “dịch chuyển” đáng kể trong vài chục năm qua, từ lượng cơm là chính sang tăng lượng thực phẩm từ trứng, thịt, cá và rau, củ, quả. Lượng gạo tiêu thụ bình quân đầu người trong hộ gia đình VN cũng đã giảm đáng kể.
Thực tế vừa qua các địa phương đều có “chỉ tiêu” sản lượng lúa và việc xem tăng sản lượng lúa như một thành tích của phát triển đã “đẩy” ngành lúa gạo theo hướng tăng trưởng theo chiều rộng, chú trọng số lượng, ít giá trị gia tăng, nông dân lạm dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, tăng lúa vụ 3... để tăng năng suất, sản lượng, làm tăng chi phí đầu vào sản xuất lúa, giảm lợi nhuận, dẫn đến các hệ lụy về môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và không đảm bảo phát triển bền vững.
ANLT không chỉ là việc đảm bảo an toàn, chắc chắn cho nhu cầu dinh dưỡng của người dân trong mọi tình huống, mà còn phải được tiếp cận về kinh tế, nhu cầu sinh kế của người dân.
Vì vậy, nhận thức về ANLT không chỉ dừng lại ở góc độ dinh dưỡng, nhu cầu sinh học mà còn bao gồm cả yếu tố giúp nông dân làm giàu mới đủ sức đảm đương nhiệm vụ của “người lính” trên mặt trận này.
Danh xưng “Vựa lúa quốc gia” dành cho ĐBSCL đã có từ lâu đời, nhưng đã đến lúc cần nhận thức lại. Vựa lúa không phải là mục tiêu ưu tiên mà phải chuyển từ trồng lúa để ăn sang trồng lúa để bán, từ “chén cơm đầy” sang “chén cơm ngon”, thương mại hóa ngành lúa gạo, cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cư dân nông thôn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận