23/01/2016 09:44 GMT+7

Xây trái phép, chủ nhà né nộp phạt thì "làm gì nhau"?

DƯƠNG NGỌC HÀ (duongngocha@tuoitre.com.vn)
DƯƠNG NGỌC HÀ (duongngocha@tuoitre.com.vn)

TT - Với mức nộp phạt khoảng 2,9 triệu đồng/m2 phần sai phép đối với nhà từ 2-3 tầng, nhiều chủ nhà ở TP.HCM đã không hoàn thiện hồ sơ nộp phạt, chấp nhận không làm thủ tục hoàn công, công nhận quyền sở hữu nhà.

Tranh của Dad

“Sở Xây dựng TP.HCM từng đề xuất nếu chủ nhà không nộp tiền để tồn tại phần xây dựng trái phép thì buộc phải tháo dỡ phần công trình sai phép mà cơ quan chức năng đã phát hiện

Một cán bộ thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM

Quy định về việc nộp tiền phạt để tồn tại phần công trình xây dựng trái phép có hiệu lực từ ngày 30-11-2013 (ngày nghị định 121 năm 2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng có hiệu lực).

Bộ Xây dựng cũng đã ban hành thông tư và cả văn bản hướng dẫn cách tính tiền phạt nhưng các cơ quan thực hiện vẫn khó áp dụng.

Đến tháng 3-2015, Bộ Xây dựng có văn bản đồng ý áp dụng suất đầu tư cơ bản cho từng loại công trình để tính giá trị phần xây dựng sai phép làm cơ sở tính tiền phạt, nhưng tại TP.HCM việc áp dụng quy định này cũng không suôn sẻ.

Phạt 2,9 triệu đồng/m2

Căn nhà một tầng của ông Đ. tại hẻm 89 Phan Huy Ích (Q.Tân Bình) xây xong tháng 12-2013. Khi hoàn công nhà giữa năm 2015, hồ sơ của ông Đ. được chuyển sang cơ quan chức năng để xử lý vi phạm xây dựng vì diện tích nhà thực tế lớn hơn so với giấy phép xây dựng (GPXD).

Ông Đ. phải đóng tiền phạt để được tồn tại diện tích xây thêm mới được hoàn công nhà.

Theo gia đình ông Đ., phần xây dựng tăng thêm là công trình phụ với diện tích hơn 1m2 sau nhà. Nghĩ diện tích xây sai phép không nhiều, nếu phải điều chỉnh giấy phép sẽ mất thời gian hoàn thành nhà, do số tiền phạt phần diện tích trên không nhiều nên ông Đ. đã đồng ý đóng.

Theo các cơ quan chức năng, trường hợp đồng ý đóng tiền phạt để hoàn công nhà như ông Đ. là rất ít.

Tháng 3-2014, một căn nhà năm tầng trên đường Tự Do 1 (P.Tân Thành, Q.Tân Phú) xây dựng sai giấy phép, tăng khoảng 120m2 so với GPXD. Thanh tra Sở Xây dựng TP ra quyết định xử phạt nhưng đến nay chủ nhà chưa liên hệ Đội thanh tra địa bàn Q.Tân Phú để thực hiện quyết định xử phạt trên.

Tương tự, nhiều chủ nhà có vi phạm xây dựng khác tại Q.Tân Phú cũng không liên hệ cơ quan chức năng để nộp tiền phạt, xử lý phần xây dựng sai phép để làm thủ tục hoàn công, công nhận quyền sở hữu nhà vì số tiền phạt ước tính phải đóng quá cao.

Trên địa bàn Q.Bình Tân có khoảng 10 trường hợp thuộc diện phải đóng tiền phạt để tồn tại công trình do chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Q.Bình Tân chuyển cho Đội thanh tra địa bàn Q.Bình Tân để xử lý vi phạm trước khi giải quyết thủ tục hoàn công nhà.

Tuy nhiên, phần lớn các chủ nhà đã rút hồ sơ, không liên hệ lại sau khi được đội thanh tra địa bàn tư vấn về cách tính khoản tiền phạt phải nộp.

Một cán bộ giải thích: suất đầu tư xây dựng nhà ở từ 2-3 tầng khoảng 7,2 triệu đồng/m2 thì chủ nhà phải đóng gần 2,9 triệu đồng/m2 cho diện tích xây dựng sai. Như vậy, chủ nhà chỉ cần xây thêm phòng từ 40m2 trên sân thượng thì số tiền phải đóng lên khoảng 100 triệu đồng.

Vì vậy, các chủ nhà thường hoãn làm thủ tục công nhận để tránh phải đóng tiền phạt cao.

Một cán bộ thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM cho biết chỉ những công trình ở các vị trí có giá trị cao như nhà mặt tiền ở khu vực Q.1, Q.3... chủ nhà mới đóng tiền phạt để hợp pháp hóa phần xây dựng sai phép.

Còn những khu vực có giá trị nhà thấp hơn, nhà trong hẻm... thì chủ nhà trì hoãn bằng cách không tiếp tục liên hệ với cơ quan chức năng để hoàn thiện hồ sơ xử lý công trình.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có chế tài cho trường hợp chủ nhà tránh né, không hoàn thiện hồ sơ để xử lý công trình sai phép trong trường hợp này.

Sẽ “tha” nhà riêng lẻ?

Bộ Xây dựng đang xem xét sửa đổi quy định về nộp tiền phạt để tồn tại phần công trình xây dựng trái phép.

Cụ thể, trong dự thảo nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, cơ quan này đưa ra hai phương án về nộp tiền phạt cho các công trình xây dựng trái phép (sai GPXD, giấy phép sửa chữa, sai thiết kế, không có giấy phép) đã hoàn thành trước ngày 30-11-2013.

Một là giữ nguyên như hiện hành, tức nhà riêng lẻ xây dựng vi phạm sẽ bị buộc nộp 40% giá trị của phần xây dựng sai phép, các công trình vi phạm phải nộp 50% giá trị phần xây dựng trái phép.

Hai là chỉ các công trình trái phép (có lập báo cáo kinh tế kỹ thuật hoặc có lập dự án đầu tư) mới phải nộp 50% giá trị xây dựng trái phép, còn nhà ở riêng lẻ được “tha”.

Những công trình được tồn tại trên phải thỏa các điều kiện không vi phạm chỉ giới xây dựng, phù hợp quy hoạch 1/500, xây dựng trên đất có chủ quyền, không tranh chấp...

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết việc “tha” cho nhà ở riêng lẻ vi phạm để tạo điều kiện cho người dân hợp thức hóa nhà. Còn những công trình kinh doanh thương mại thì buộc chủ đầu tư phải nộp phạt để răn đe những trường hợp có ý định vi phạm khác.

Nghị định 121 năm 2013 quy định chủ đầu tư công trình xây dựng sai phép hoặc không phép hội đủ các điều kiện (phù hợp quy hoạch, không vi phạm lộ giới, không tranh chấp...) phải nộp 40% giá trị phần xây dựng vi phạm đối với nhà ở riêng lẻ, 50% giá trị phần xây dựng vi phạm đối với công trình xây dựng.

Theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng, giá trị phần công trình xây dựng trái phép được tính theo suất đầu tư xây dựng công trình mà Bộ Xây dựng ban hành hằng năm. Chủ nhà xây dựng trái phép thời điểm nào thì tính theo suất đầu tư tại thời điểm đó.

Theo đó, suất đầu tư xây dựng của năm 2013 đối với nhà ở riêng lẻ (theo quyết định 634/QĐ-BXD ngày 9-6-2014 của Bộ Xây dựng) như sau:

Loại nhà

Giá trị suất đầu tư

Nhà ở 1 tầng, tường bao xây gạch, mái tôn

1.770.000 đồng/m2

Nhà 1 tầng căn hộ khép kín, kết cấu tường gạch chịu lực, mái bêtông cốt thép

4.660.000 đồng/m2

Nhà từ 2 đến 3 tầng, kết cấu khung chịu lực bêtông cốt thép

7.150.000 đồng/m2

Nhà kiểu biệt thự từ 2 đến 3 tầng

8.990.000 đồng/m2

 

DƯƠNG NGỌC HÀ (duongngocha@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên