11/12/2015 12:18 GMT+7

Xóa “mạng nhện” phải mọc “lô cốt”,  không còn cách khác?

QUANG KHẢI - ĐỨC PHÚ (quangkhai@tuoitre.com.vn)
QUANG KHẢI - ĐỨC PHÚ (quangkhai@tuoitre.com.vn)

TT - Nhiều người dân ở TP.HCM ủng hộ xóa “mạng nhện” điện, cáp viễn thông để làm đẹp TP nhưng vẫn băn khoăn khi “mạng nhện” được dọn dẹp thì lại mọc lên các tủ phân phối điện, tủ cáp đủ kích cỡ như những “lô cốt”.

Bó cáp, dây điện chưa hoàn thành trên đường Hậu Giang, Q.6, TP.HCM - Ảnh: T.Tùng
Bó cáp, dây điện chưa hoàn thành trên đường Hậu Giang, Q.6, TP.HCM - Ảnh: T.Tùng

Liệu có còn cách khách không?

Theo người dân, các tủ phân phối này gây cản trở đối với người đi bộ và mất mỹ quan đô thị.

Một tuyến đường, nhiều tủ phân phối

Dọc đường Ba Tháng Hai (Q.10, Q.11) người đi bộ rất dễ đụng những khối bêtông rộng khoảng 1m, cao 0,2m nằm án ngữ trên vỉa hè. Đây là bệ để đặt tủ phân phối khi ngầm hóa “mạng nhện”.

Chưa hết, cứ khoảng 30m đường lại xuất hiện một trụ chứa máy biến áp cao khoảng 3m, rộng 1m. Chiều cao của trụ này vươn ngang với tầng 1 của nhiều nhà dân. Tại đường Hồng Bàng (Q.5) cũng xuất hiện hàng loạt trụ biến áp, tủ cáp ngầm trên vỉa hè.

Ông Nam, một người dân ở đây, góp ý: “Ngầm hóa lưới điện làm đường Hồng Bàng sạch “mạng nhện” nhưng cơ quan chức năng cần thiết kế các trụ biến áp nhỏ hơn để vỉa hè, nhà dân được thông thoáng”.

Tại các ngã tư, vỉa hè các tuyến đường cũng xuất hiện một lúc nhiều tụ điện, trụ biến áp ảnh hưởng lối đi của người dân. Tại góc đường Hồng Bàng - Châu Văn Liêm (đoạn ở P.11, Q.10) có tới ba trụ biến áp.

Cách đó không xa, trên vỉa hè có một trụ biến áp khác cao khoảng 3m. Vỉa hè ở đây hẹp và bị người dân lấn chiếm để mua bán, nay thêm trụ biến áp nên người đi bộ phải đi xuống lòng đường. Tại ngã ba Xóm Vôi - Hồng Bàng (P.14, Q.5), hai tủ cáp nằm xen kẽ với hàng loạt cột điện...

Ở ngã tư Hùng Vương - Nguyễn Tri Phương (đoạn ở P.9, Q.5) cũng xuất hiện các tủ cáp nằm lộn xộn trên vỉa hè. Theo quan sát, có hai cột điện và ba tủ cáp nằm choán trên vỉa hè...

Trên hương lộ 2 (Q.Bình Tân), nhiều tủ cáp sau một thời gian lắp đặt đã xuống cấp, hở nắp, lòi dây điện. Còn dọc các tuyến đường khác như Phan Đình Phùng (Q.Phú Nhuận), Hai Bà Trưng (Q.3), các “lô cốt” bêtông cũng mọc trên vỉa hè vốn đã chật hẹp.

Nhiều người dân cũng phản ảnh sau khi đơn vị chức năng đào đường Hoàng Văn Thụ, Phan Đình Phùng... để ngầm hóa “mạng nhện” xong thì trên vỉa hè xuất hiện những khối bêtông kích cỡ khác nhau.

Trong đó có khối bêtông (rỗng bên trong) ngang 30-40cm, cao khoảng 50cm... đã trở thành nơi chứa rác. Nhiều người đặt câu hỏi: “Ngầm hóa sao không “đưa tất cả xuống đất” mà để “mọc” lại các tủ cáp, viễn thông trên vỉa hè?”.

Tủ phân phối điện chiếm gần hết vỉa hè đường Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận (TP.HCM) - Ảnh: Hữu Khoa
Tủ phân phối điện chiếm gần hết vỉa hè đường Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận (TP.HCM) - Ảnh: Hữu Khoa

Điều kiện không cho phép làm khác...

Theo ông Trần Xuân Lâm - phó giám đốc Công ty Điện lực Gia Định, các tuyến đường Phan Đình Phùng, Hoàng Văn Thụ... đang trong quá trình ngầm hóa lưới điện.

Về ý kiến cho rằng đã ngầm hóa sao không ngầm hóa hết mà để xuất hiện những tủ phân phối điện trên vỉa hè, ông Lâm cho rằng các tủ phân phối là nơi đấu nối dẫn điện vào nhà dân, chứa các CB (cầu dao) điện bắt buộc phải có khi ngầm hóa lưới điện.

Còn ông Phạm Quốc Bảo, phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM, nhận định yêu cầu của người dân là chính đáng, nhưng về mặt kỹ thuật, an toàn và điều kiện mặt bằng khó khăn như hiện nay không thể ngầm luôn tủ phân phối được.

Tủ phân phối này còn phục vụ công tác vận hành, sửa chữa và đấu nối điện cho khách hàng mới. Nếu ngầm hóa tủ phân phối thì khi phát sinh phải đấu nối mới, phải bảo trì, sửa chữa, thậm chí xử lý sự cố không thể chờ xin phép đào đường để thực hiện.

“Đó là chưa kể trong các tủ điện phân phối có chứa một số CB có độ hở nhất định, khi ngầm dưới đất không an toàn trong môi trường nước ngập” - ông Trần Xuân Lâm nói thêm. Còn ông Vòng A Lộc - trưởng Phòng quản lý năng lượng Sở Công thương TP - cho biết nhiều nước khác trên thế giới sau khi ngầm hóa lưới điện vẫn phải sử dụng tủ phân phối.

Với điều kiện hiện tại như ở TP thì các tủ này bắt buộc phải đặt trên các lề đường. Việc bố trí những tủ phân phối này thực hiện theo đúng quy chuẩn xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành.

Cũng theo ông Bảo, để bớt chiếm diện tích vỉa hè, ban chỉ đạo ngầm hóa TP đang yêu cầu các đơn vị nghiên cứu thiết kế các tủ phân phối sao cho nhỏ, gọn, tinh tế, đồng thời tích hợp cả tủ điện lực và viễn thông chung để giảm bớt số lượng tủ phân phối trên một tuyến đường ngầm hóa.

Riêng trạm biến áp, ông Phạm Quốc Bảo cho rằng ở VN hay nhiều nước trên thế giới đều đặt trạm biến áp trong nhà. Tuy nhiên, do hạ tầng phát triển quá nhanh, không còn đất để xây nhà cho các trạm biến áp này nên thời gian qua nhiều trạm biến áp được lắp trên các trụ điện.

Nếu triển khai ngầm hóa các trạm biến áp này phải cần một diện tích khá lớn mà rất ít vỉa hè TP đáp ứng được. Đó là chưa kể vấn đề kỹ thuật, an toàn không cho phép nên sau khi ngầm hóa, ngành điện vẫn để trạm biến áp nổi trên vỉa hè nhưng đã thiết kế nhỏ gọn hết mức so với trước đây.

Ủng hộ tư nhân tham gia ngầm hóa lưới điện

Theo ông Phạm Quốc Bảo, hiện nay việc đầu tư ngầm hóa lưới điện chủ yếu do năm đơn vị làm chủ đầu tư là: EVN HCMC, VNPT TP, Vietel, FPT, SCTV.

Do số vốn đầu tư khá lớn nên các đơn vị này cũng mong muốn việc ngầm hóa lưới điện, cáp viễn thông được xã hội hóa, có nhiều đơn vị khác cùng tham gia. Tuy nhiên cho đến nay, các quy định, cơ chế liên quan đến xã hội hóa trong công tác ngầm hóa này chưa có gì cụ thể.

Ban chỉ đạo ngầm hóa đang kiến nghị TP ban hành các quy định liên quan đến vấn đề này để công tác ngầm hóa lưới điện, cáp viễn thông có điều kiện phát triển nhanh hơn.

* Các ngành chức năng đã giải thích tại sao lại đặt các "lô cốt" trên vỉa hè là không còn cách nào khác.

Liệu còn cách nào, giải pháp nào khác để vỉa hè TP.HCM không tồn tại lâu dài những "lô cốt" không chỉ xấu xí mà còn cản trở đi lại trên vỉa hè; thậm chí không loại trừ mối nguy rò rỉ điện ở các tủ điện vốn bằng kim loại?

Tuổi Trẻ trân trọng mời các bạn, cả trong nước lẫn ngoài nước, nhất là những bạn có kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm về điện, thiết kế điện; quản lý đô thị bày tỏ ý kiến! 

QUANG KHẢI - ĐỨC PHÚ (quangkhai@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên