Dự án lấn sông Đồng Nai đang gây tranh cãi. Tỉnh Đồng Nai cho đây là dự án cục bộ của tỉnh, trong khi các nhà khoa học nói cần tham vấn ý kiến các tỉnh có sông Đồng Nai chảy qua - Ảnh: Hà Mi |
Chúng tôi giới thiệu cùng bạn đọc.
Lấp sông, lấp vịnh, chặt cây xanh, cấp phép đầu tư dài hạn vượt quyền, phá cảnh quan, bức tử rừng thông, cho công ty Trung Quốc thuê rừng biên giới “nhạy cảm”, “trùng tu” dẫn đến hủy hoại di tích... Trên báo chí Việt Nam, danh sách những chuyện này ngày càng dài ra.
Tất cả đều liên quan đến quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý, khai thác, bảo tồn, bảo vệ tài nguyên, môi trường, di sản, di tích quốc gia.
Quyền hạn địa phương tới đâu?
Câu hỏi đặt ra: chính quyền địa phương được làm gì và tới đâu, và đâu là trách nhiệm và quyền hạn của chính quyền trung ương nếu các tài sản quốc gia như tài nguyên, môi trường, di sản, di tích bị hủy hoại, bị vi phạm, bị cưỡng đoạt, bị lạm dụng dưới các hình thức công khai hay trá hình?
Xét đến cùng, đây là câu chuyện thiết kế quan hệ giữa nhà nước trung ương và chính quyền địa phương dựa trên hai nguyên tắc tập quyền (centralization, tất cả quyền lực thuộc về nhà nước trung ương) và tản quyền (decentralization, quyền lực được ủy quyền, phân cấp...) xảy ra ở đại đa số quốc gia, trừ những quốc gia nhỏ như Singapore hay đặc thù như Vatican.
Trong quản lý nhà nước, tản quyền có nhiều hình thức, cấp độ, như phi tập trung, ủy quyền hay phân quyền, tùy theo lĩnh vực như ngân sách, quốc phòng, an ninh, ngoại giao, văn hóa... Tản quyền cao nhất là tư nhân hóa hay “xã hội hóa” dịch vụ công ở những mức độ khác nhau.
Thước đo trình độ, bản lĩnh, chất lượng, hiệu quả của quản lý nhà nước trong quan hệ trung ương - địa phương là sự cân bằng, khoa học và hợp lý giữa tập quyền và tản quyền, sự sâu sát, kịp thời và khéo léo trong điều hành mối quan hệ ấy, và tất nhiên bao gồm cả việc bổ nhiệm, phân công và quản lý có hiệu quả đội ngũ và bộ máy cán bộ, công chức từ trung ương đến địa phương.
Quản lý nhà nước kém thường có những biểu hiện như sau: việc phải “tập” lại “tản”, việc phải “phân” lại “ôm”, việc phải phạt lại tha, việc phải khen thưởng lại quên, việc phải truy cứu lại buông trôi, việc phải làm ngay lại trì hoãn, việc phải cấm lại “lờ”...
Không để khai thác, sử dụng tùy tiện
Theo cách phân cấp ở nước ta hiện nay, chính quyền một tỉnh có thể được giao quản lý cả tài nguyên quốc gia, như đảo Phú Quốc, vịnh Hạ Long, rừng Cúc Phương, thác Bản Giốc, sông Đồng Nai, sông Cửu Long, hay di tích lịch sử như đền thờ vua Đinh, cố đô Huế, địa đạo Củ Chi.
Đồng thời, chính quyền cũng quản lý đồng ruộng, nhà máy, công sở, bệnh viện, trường học phục vụ nhu cầu của dân cư tỉnh ấy.
Nếu quy định phân cấp này cho phép, hay tạo ra một thực tế là chính quyền địa phương có quyền quyết định như nhau về tất cả tài sản đó thì quy định ấy có vấn đề.
Bởi vì tùy theo lịch sử hình thành, đặc tính, vai trò và tác động của những tài nguyên và di sản nói trên (về chính trị, quốc phòng, kinh tế, sinh thái, môi trường, lịch sử, văn hóa và tâm linh) mà chúng phải được quản lý bởi những quy chế và phương cách khác nhau.
Có những cái cần được phân quyền cho địa phương. Có những cái là của quốc gia, của toàn xã hội, mà chính quyền địa phương được ủy quyền quản lý, nhưng không thể tùy tiện khai thác, sử dụng phục vụ lợi ích hay nhu cầu riêng của địa phương mình.
Lại có những tài sản mà khi định đoạt phải trưng cầu ý dân.
Thậm chí có những cái mãi mãi thuộc về đất nước và dân tộc, mà không chế độ nào, nhà nước nào được xóa bỏ, xâm hại hay nhượng quyền cho bất kỳ ai (như đã quy định tại các điều 2, điều 11 và điều 53 của Hiến pháp 2013).
Xếp cái nào vào đâu, phân công và kiểm soát việc quản lý ra sao để hợp lý, khoa học và phục vụ tối ưu cho lợi ích của đất nước và nhân dân là trách nhiệm và bản lĩnh của người lãnh đạo nhà nước.
Tất nhiên, đã có Hiến pháp, luật pháp và rất nhiều văn bản dưới luật hay quyết định hành chính quy định về việc quản lý tài nguyên, môi trường, di sản, di tích, nhưng việc đưa luật pháp vào cuộc sống, thực thi và nếu cần thì cưỡng chế việc tuân thủ mới là điều quan trọng nhất.
Trong mọi hình thức tản quyền, vai trò và chức năng của các bộ, ngành của chính quyền trung ương là không thể thay thế và không thể thoái thác.
Nó bảo đảm cho mọi hoạt động khai thác, sử dụng, kinh doanh, hưởng thụ tài nguyên, môi trường, di sản, di tích được thống nhất, công bằng, bền vững và hợp pháp.
Nếu pháp luật hiện hành thiếu sót hay bất cập thì việc điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi kịp thời cũng góp phần chấm dứt việc hủy hoại hay hạn chế thiệt hại ở các tài sản quốc gia.
Theo chương trình của Quốc hội, kỳ họp thứ 9 vào tháng 5 tới đây sẽ thông qua hai dự thảo sửa đổi Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương.
Trước hiện trạng tài nguyên, môi trường, di sản, di tích đang bị hủy hoại, xâm hại nghiêm trọng, gây bất bình trong nhân dân, các đại biểu Quốc hội chắc chắn sẽ phải dành nhiều tâm sức cho việc thiết kế mối quan hệ tập quyền và tản quyền giữa Chính phủ và chính quyền địa phương trong quản lý tài nguyên, môi trường, di sản, di tích trong hai đạo luật trên.
Đừng để nợ cho con cháu Mọi thành tích tăng trưởng hay phát triển kinh tế không tính đến những tổn thất tài nguyên, môi trường hay di sản văn hóa, di tích lịch sử, đều để lại những món nợ hay thiệt hại mà con cháu chúng ta phải gánh. Có những tổn thất phải mất hàng chục năm và nhiều tỉ đôla mới có thể bù đắp, lại có những mất mát mà đời sau chỉ biết ghi vào “sổ nợ lịch sử” vì không thể nào khôi phục được. Nhiều người dân, cán bộ, công chức, đảng viên đã đề nghị: phải đào tạo, bổ nhiệm, đánh giá và xử lý cán bộ lãnh đạo theo những tiêu chuẩn và yêu cầu bắt kịp thời đại mới mong có một đất nước văn minh, phát triển bền vững, môi trường sống lành mạnh, phát huy được những giá trị tốt đẹp, độc đáo của dân tộc Việt Nam. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận