08/03/2015 13:59 GMT+7

​Bệnh giả dối: thói xấu đầu tiên cần loại bỏ

PHẠM VŨ thực hiện
PHẠM VŨ thực hiện

TT - Giả dối, bệnh thành tích và thiếu ý thức pháp luật là ba căn bệnh được chọn đứng đầu trong 33 tật xấu cơ bản của người Việt cần được loại bỏ.

GS Trần Ngọc Thêm - Ảnh: P.Vũ

Đó là một phần kết quả của cuộc điều tra xã hội đề tài cấp nhà nước về việc xây dựng “Hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” được thực hiện trên phạm vi cả nước.

Đối tượng khảo sát mở rộng các thành phần, độ tuổi, với bảng hỏi 26 câu và 5.604 phiếu khảo sát được xử lý. Với tỉ lệ được chọn cao đến mức giật mình: bệnh giả dối 81%, bệnh thành tích 75,1%, bệnh thiếu ý thức pháp luật 68,2%.

GS Trần Ngọc Thêm (giám đốc Trung tâm văn hóa học lý luận và ứng dụng Đại học Quốc gia TP.HCM - chủ nhiệm đề tài) đã phân tích cùng Tuổi Trẻ nguyên nhân những căn bệnh này.

* Ba thói xấu được nhận diện là đứng đầu của dân mình, theo ông có nguồn gốc từ đâu?

GS Trần Ngọc Thêm: mới nghe qua, có lẽ ai cũng sẽ nghĩ nguyên nhân là do những biến động mang tính thời đại, nhất là khi những câu chuyện thời sự là minh chứng quá rõ ràng, sinh động. Ngay bản thân tôi, không cần khảo sát, cũng có thể nói ngay rằng gần như 100% người Việt hiện nay đều phải nói dối hoặc làm giả một cái gì đó, vào một lúc nào đó. Vì rằng trong thời buổi bây giờ, hoàn toàn trung thực thì khó mà sống được, khó mà hoàn tất công việc được, kể cả trong nghiên cứu khoa học. 

Chẳng hạn, theo thông tư liên tịch số 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN năm 2007, khi tổ chức một hội thảo khoa học, người chủ trì được chi 200.000 đồng, báo cáo tham luận theo đơn đặt hàng được chi 500.000 đồng, đại biểu được mời tham dự được chi 70.000 đồng.

Quy định kinh phí như vậy thì làm sao để tổ chức được một hội thảo khoa học nên tự nhiên người làm khoa học bị đẩy vào tình thế buộc phải tìm cách gian dối sao cho có thể thanh toán cho người tham gia ở mức chấp nhận được.

Thế nhưng nguyên nhân sâu xa bên trong lại chính là văn hóa. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, nền tảng văn hóa truyền thống của chúng ta mang bản chất nông nghiệp - nông thôn đang có những xung đột với yêu cầu của một nền văn hóa hiện đại mang bản chất công nghiệp - đô thị.

Xung đột này gây nên những biến động lớn về giá trị. Bên cạnh những giá trị mới, mang tính tích cực đang hình thành, không ít giá trị truyền thống đã không còn thích hợp.

Cộng thêm sự quản lý yếu kém vào đó nữa, chúng ta đã có một mảnh đất màu mỡ, sẵn sàng cho những phi giá trị xâm nhập, những thói hư tật xấu sinh sôi nảy nở, vật chất lên ngôi...

* Những đặc trưng nào của văn hóa truyền thống đã tạo ra cơ hội cho những thói tật, cụ thể ở đây là ba tật xấu hàng đầu được những người tham gia khảo sát lựa chọn?

- Cả giá trị và tật xấu đều do những đặc trưng nhất định của văn hóa truyền thống sinh ra. Chẳng hạn, đặc trưng tính cộng đồng làng xã mang lại những phẩm chất tốt như tình đoàn kết, tinh thần tập thể, lòng yêu quê hương, lòng biết ơn... thì đồng thời cũng là cội nguồn sinh ra những tật xấu như thói bè phái, bệnh hình thức, bệnh sĩ diện, háo danh, bệnh thành tích.

Đặc trưng tính linh hoạt mang đến phẩm chất sáng tạo, khả năng thích nghi cao thì cũng là cội nguồn sinh ra thói tùy tiện, cẩu thả, khôn vặt, bệnh thiếu ý thức pháp luật; tổng hợp các đặc trưng mang đến phẩm chất tinh tế, nhân ái, yêu nước, tinh thần dân tộc cho người Việt thì cũng mang lại luôn cả bệnh giả dối, nói không đi đôi với làm...

Lâu nay nhiều cuộc điều tra, khảo sát về giá trị văn hóa người Việt đã được tiến hành nhưng chưa chú trọng đúng mức đến các phản giá trị này.

Bối cảnh xã hội, kinh tế của chúng ta hiện nay đặt ra rất nhiều thách thức cấp bách, nên ngoài những giải pháp vòng ngoài, chúng tôi thấy cần đặt ra những yêu cầu từ hệ giá trị cốt lõi bên trong vì có nhận diện và nhìn thẳng vào sự thật mới thay đổi được.

Chìa khóa của vấn đề là xác định được những tệ nạn nào là trầm trọng nhất cần khắc phục ngay, tật xấu nào là nghiêm trọng nhất cần phải loại bỏ.

Kết quả khảo sát của chúng tôi cho thấy về các thói tật thì bệnh giả dối chiếm 81% yêu cầu phải loại bỏ, và về phía các tệ nạn thì nạn tham nhũng chiếm 66,6% yêu cầu phải xử lý triệt để. Đó là những lựa chọn số một.

* Sau khảo sát, giải pháp khuyến nghị của đề tài là gì, thưa ông?

- Chúng tôi có một câu hỏi cho phép người trả lời lựa chọn không hạn chế những phẩm chất, tính cách cần bổ sung cho văn hóa, con người Việt hiện nay.

Kết quả rất thú vị: ba phẩm chất cần bổ sung có sự nhất trí cao nhất hoàn toàn tương ứng với khoảng trống do ba tật xấu được coi là tệ hại nhất tạo ra: ý thức pháp luật (76,7%) sẽ thay thế cho bệnh thiếu ý thức pháp luật (68,2%), tính trung thực (76,2%) sẽ thay thế cho bệnh giả dối (81%), tinh thần trách nhiệm (75,4%) sẽ thay thế cho bệnh thành tích (75,1%).

Trên cơ sở những phân tích chi tiết, chúng tôi đưa ra một hệ thống 35 giá trị truyền thống cơ bản cần được bảo tồn và giá trị tinh hoa nhân loại cần được bổ sung.

Trong đó, theo chúng tôi, trước mắt cần đặc biệt chú trọng đến 11 giá trị chia thành năm nhóm như sau: ba giá trị xã hội là dân chủ, công bằng và pháp quyền; hai giá trị con người cần đặc biệt gìn giữ là nhân ái và yêu nước; hai phẩm chất của con người thời hội nhập cần bổ sung là trung thực và bản lĩnh; hai phẩm chất của con người trong quan hệ với đồng loại cần bổ sung là trách nhiệm và hợp tác; hai phẩm chất của con người trong thời đại công nghiệp và kinh tế tri thức cần bổ sung và phát triển là tính khoa học và sáng tạo. Danh sách này có thể sẽ được tiếp tục điều chỉnh trên cơ sở những ý kiến góp ý qua các hội thảo...

 

PHẠM VŨ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên