Bà Phan Thị Vân ngang nhiên làm nhà trên đất tranh chấp với ông Huỳnh Văn Hiền nhưng chính quyền xã Bình Ninh (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) vẫn để kéo dài, đến nay không giải quyết - Ảnh: V.Trường |
Những hành vi sai trái ấy lại không được cấp trên xử lý kịp thời khiến người dân rơi vào cảnh khốn cùng và phải đi khiếu kiện khắp nơi.
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu (nguyên chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội) kể sau nhiều năm ông Phạm Tấn Học kiên trì đấu tranh, cuối cùng chính quyền tỉnh Bình Thuận cũng gọi ông đến để trả nhà, nhưng bằng cách... cho ông ấy mua lại nhà của mình.
Đây là vụ kiện mà bà Thu đeo đẳng rất lâu, nhưng chỉ thành công một phần. Ông Học tham gia kháng chiến chống Pháp. Ông cho Sở Y tế Bình Thuận mượn nhà nhưng bị chính quyền địa phương quy là vượt biên không thành nên đưa nhà ông vào diện quản lý nhà vắng chủ, rồi ra quyết định thu luôn căn nhà. Ông Học bức xúc vác đơn đi khắp nơi để đòi lại nhà.
Vụ việc kéo dài khiến Ban Dân nguyện của Quốc hội phải xếp vụ việc này vào loại “trên bảo dưới không nghe” và đề nghị đưa vào danh sách một trong 20 vụ việc mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo giám sát.
Ông Học có bà Nguyễn Thị Hoài Thu đứng ra bênh vực, nhiều người dân khác thì còn trần ai hơn bởi không nơi nương tựa khi đi đòi công bằng.
Làm sai nhưng không sửa
Mấy tháng nay ông Huỳnh Văn Hiền ở xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) luôn sống trong cảnh bất an vì người nhà của bà Phan Thị Vân đến phần đất tranh chấp trước nhà ông để xây dựng và... chửi bới.
Bà Vân bị UBND huyện Chợ Gạo thu hồi giấy đỏ của thửa đất 250m² này mấy tháng trước, nhưng hành vi xây dựng trái phép của bà chỉ bị chính quyền địa phương lập biên bản rồi im lặng.
Theo hồ sơ, miếng đất này vốn là của cha mẹ ông Hiền cho ông vào năm 1973 có di chúc hẳn hoi. Năm 1989 chị của ông Hiền kẹt tiền nên lén đem bán cho ông Mươi, sau đó ông Mươi bán lại cho bà Phan Thị Vân hưởng chênh lệch.
Thời điểm này pháp luật nghiêm cấm mua bán, sang nhượng đất đai nhưng UBND xã Bình Ninh vẫn cố tình làm giả hồ sơ, ghi tên mẹ ruột ông Hiền đứng ra bán đất để hợp thức hóa thủ tục cho UBND huyện Chợ Gạo cấp giấy đỏ cho bà Vân. Huyện cấp giấy đỏ cho bà Vân vào ngày 14-1-1997, trước khi xã lập hồ sơ giả tới... 10 tháng.
Trong hồ sơ giả lập ngày 17-11-1997, cán bộ địa chính xã Bình Ninh ghi tên người bán đất là Huỳnh Thị Chí, trong khi mẹ ông Hiền là Trần Thị Chí. Hồ sơ không ghi số CMND, cũng không có chữ ký bà Chí nhưng huyện vẫn cấp giấy đỏ cho bà Vân.
Sau 24 năm khiếu kiện rất vất vả, cuối cùng UBND huyện Chợ Gạo cũng thu hồi, hủy bỏ giấy đỏ của bà Vân nhưng làm ngơ không cấp giấy đỏ cho ông Hiền, không đếm xỉa gì đến việc xử lý cán bộ làm giả hồ sơ.
Cũng trần ai đi đòi công bằng là trường hợp của bà Phạm Thị Anh (62 tuổi, xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi). Bà Anh có thửa ruộng hơn 4.000m² tại ấp Bàu Điều Thượng, thừa kế của cha mẹ chồng từ năm 1976. Tuy nhiên, năm ấy vợ chồng bà Anh lên công tác tại Phòng văn hóa huyện Củ Chi nên để người cháu là Lương Thị Xẩm canh tác.
Vào khoảng cuối năm 1990, vợ chồng bà Xẩm lại làm giấy tay ủy quyền và giao thửa ruộng này cho ông Nguyễn Văn Nẩn sử dụng. Phát hiện chuyện này, bà Anh đòi lại ruộng nhưng ông Nẩn nói đã mua của bà Xẩm 25 chỉ vàng nên không trả.
Sau nhiều lần họp và hòa giải, các bên thống nhất bà Xẩm phải trả cho ông Nẩn 25 chỉ vàng, ông Nẩn trả lại ruộng cho bà Anh. UBND xã ban hành quyết định ngày 20-9-1991 công nhận thỏa thuận nói trên. Quyết định này còn nêu: “Bà Lương Thị Xẩm phải mang vàng đến UBND xã Phước Thạnh vào ngày 5-10-1991 để giao vàng và chuộc lại ruộng dưới sự chứng kiến của xã”.
Tuy nhiên đến ngày hẹn, bà Xẩm không đến, thậm chí sau đó bà bỏ đi nơi khác. Vụ việc đóng băng từ đó, bất chấp bà Anh đi khiếu nại khắp nơi. Mãi 22 năm sau, ngày 12-8-2013 UBND huyện Củ Chi mới ban hành quyết định yêu cầu thi hành quyết định số 19. Tuy nhiên hơn một năm trôi qua, UBND xã Phước Thạnh vẫn chưa thực hiện quyết định này.
Phải trị bệnh vô cảm
“Nhiều năm khi tôi còn làm công việc thanh tra và thẩm tra về tình hình khiếu nại ở địa phương thì thấy có hai tình huống: một là cán bộ, công chức nhận đơn và xếp vào một góc không đoái hoài gì đến lá đơn của người dân, hai là chuyển công văn lên cấp trên và cứ vịn vào lý do chờ công văn hướng dẫn của cấp trên để thoái thác việc phải trả lời cho người dân.
Tiếc là những người vô cảm rất giỏi bao biện, họ nói “không biết” là xong” - ông Nguyễn Sỹ Cương (ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) cho biết.
Ông Cương chỉ rõ nguyên nhân của những chuyện như vậy là do tình trạng vô cảm trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức địa phương. “Mà chữ “vô cảm” thì thật đáng sợ, bởi nó thuộc phạm trù đạo đức, nhận thức chứ luật pháp thì không có chế tài xử lý.
Thế nên không có ai bị sao cả. Còn thiệt hại, mỏi mòn thì dân chịu, họ không cần biết. Để trị bệnh này, tôi cho rằng lãnh đạo phải quyết liệt chỉ ra anh nào vô cảm, mạnh tay cho thôi việc” - ông Cương nhấn mạnh.
Đề cập vấn đề giải quyết khiếu kiện của người dân, ông Nguyễn Văn Dương (chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp) nói: “Tôi thấy một trong những yếu tố dẫn đến khiếu kiện kéo dài là cán bộ cấp xã, huyện hoặc các sở, ngành làm sai. Thay vì thừa nhận sai để khắc phục thì một số người tìm cách ngụy biện, che giấu sai sót của mình. Khi UBND tỉnh nhận được báo cáo vụ việc thì thấy họ làm đúng quy định hết. Tôi thường đặt cho mình câu hỏi: “Nếu làm đúng thì tại sao dân khiếu nại hoài vậy?”. Rà soát kỹ một số vụ việc, tôi phát hiện dân khiếu nại đúng nên phải có biện pháp khắc phục ngay”.
Nhằm hạn chế tình trạng này, ông Dương nói: “Cứ mạnh dạn đưa cán bộ xuống dân để nghe góp ý định kỳ, tiêu cực sẽ lòi ra hết, không giấu được. Lãnh đạo UBND cấp huyện, tỉnh và các sở, ngành cũng phải có cái tâm khi giải quyết khiếu nại, tố cáo của dân. Không nên mặc định những người dân đi khiếu nại kéo dài là có mục đích này kia, đặc biệt càng không mặc định đã giải quyết như vậy là đúng rồi, không xem xét nữa”.
Theo bà Nguyễn Thị Hoài Thu, việc cán bộ, công chức ở cơ sở vô cảm là chuyện rất phổ biến. Cho nên mới có khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp, bởi người dân không còn tin tưởng vào cấp cơ sở.
“Chúng ta là người phương Đông, đáng lẽ ngoài luật pháp bao giờ cũng xét đến chữ “tình” nhưng một bộ phận cán bộ, công chức đối đãi với dân chẳng coi cái lý, cái tình ra gì. Nếu họ làm việc có lý, có tình thì tôi tin chắc dân sẽ không khiếu kiện vượt cấp và kéo dài như vừa qua” - bà Hoài Thu nhấn mạnh.
Bà Thu cho biết pháp luật có quy định về xử lý cán bộ vô cảm.Nếu không áp dụng luật, không xử lý cán bộ sai phạm theo luật thì dần dần sẽ dẫn đến việc chai sạn, mất cảm xúc trước những nỗi khốn khó của dân.
“Phải kiên quyết xử lý nghiêm những người làm sai. Đây là giải pháp tốt thì sẽ hạn chế được tình trạng vô cảm, đồng thời hạn chế khiếu kiện kéo dài” - bà Thu nêu rõ.
Bà Cao Quế Hoa (P.5, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang): Đừng mặc định dân sai Tám năm trời tôi bỏ công ăn việc làm, vay mượn nợ để đi khiếu nại hết ở tỉnh rồi lên TP.HCM, sau đó ra Hà Nội 12 lần kêu oan. Nhiều lần công an “mời” tôi về trụ sở cho ngồi đó từ sáng đến tối mới cho về nhà. Bao nhiêu đơn khiếu nại của tôi đều bị cơ quan chức năng ở tỉnh Tiền Giang bác hết, cho rằng họ đúng, tôi sai. Khi các cơ quan trung ương vào cuộc, khẳng định tỉnh Tiền Giang sai, tôi khiếu nại đúng thì tôi mới được UBND tỉnh Tiền Giang ứng gần 800 triệu đồng ngân sách để khắc phục hậu quả cho việc làm sai của cán bộ Chi cục Thi hành án dân sự. Sau đó Viện KSND tối cao khởi tố hai cán bộ của cơ quan này về hành vi “ra quyết định trái pháp luật” gây thiệt hại cho tôi. Đến lúc đó lãnh đạo tỉnh mới té ngửa vì bị các cán bộ này lừa dối suốt tám năm trời. Từ chuyện của mình và nhiều người khác, tôi nghĩ rằng đừng bao giờ mặc định dân sai, đừng nghĩ ai đi khiếu kiện cũng thuộc thành phần gây rối trật tự xã hội. Người dân khiếu nại vì họ nghĩ chính quyền làm sai, gây thiệt hại cho họ. Cái nào chính quyền đúng thì giải thích cặn kẽ cho dân hiểu để dân không khiếu nại nữa. Vụ nào sai thì phải nhìn nhận, xin lỗi dân và sửa sai liền. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận