Ảnh lớn: Ống xả khói cao gần 100m của Công ty CP kính nổi Chu Lai * Ảnh nhỏ: Ông Phạm Văn Toàn (khu tái định cư xã Tam Hiệp) phản ảnh khói thải của Công ty CP kính nổi Chu Lai gây ô nhiễm môi trường - Ảnh: Đ.Cường |
Các cơ quan chức năng vào cuộc nhưng khói vẫn tấn công người dân.
Bà Ngô Thị Tiến - phó chủ tịch UBND xã Tam Hiệp - cho biết: “Ngày nào cũng thấy khói xả từ nhà máy kính, mùi khét bay khắp nơi, nhất là từ 4-5 giờ sáng, nếu có gió thì nhiều xã bị ảnh hưởng, thậm chí vô đến trung tâm huyện còn ngửi được mùi.
Hầu như thôn nào cũng phản ảnh qua nhiều kênh từ tiếp xúc cử tri đến viết đơn kêu lên huyện, tỉnh... nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được”.
Dân kêu trời
Nhìn cột khói cao sừng sững phun khói mù mịt lên trời, ông Phạm Văn Toàn (khu tái định cư xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành) nói: “Từ khi đi vào hoạt động đến giờ, ống khói của Công CP kính nổi Chu Lai nhả khói bất kể ngày đêm, chịu không nổi.
Mùi khét lẹt, ngột ngạt, người lớn đau đầu, con nít thì ho miết. Chúng tôi kiến nghị mãi nhưng từ xã, huyện, tỉnh đều chưa giải quyết được”.
Theo ông Toàn, gần 400 hộ đang sống trong tình cảnh này.
Khói của nhà máy kính còn ảnh hưởng tới Trường mẫu giáo Vàng Anh. Một giáo viên cho biết: “Trường có gần 400 học sinh, buổi sáng thấy họ xả khói là phải đưa các em nhỏ vào lớp đóng cửa lại để tránh mùi hôi nồng nặc, khó thở lắm”.
Bức xúc với tình trạng ô nhiễm này, bà Khấu Thị Tạo - hiệu trưởng nhà trường - viết đơn gửi chính quyền huyện Núi Thành.
“Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe học sinh lẫn giáo viên. Không biết điều gì sẽ xảy ra khi ngày nào các cháu cũng phải hít thở mùi khét đốt từ cao su” - bà Tạo nói.
Không chỉ người dân mà ngay cả các doanh nghiệp cũng than trời. Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng KCN&ĐT Chu Lai - Trường Hải với hơn 2.000 lao động phải gửi đơn đến UBND tỉnh Quảng Nam phản ánh việc nước thải và ống khói của nhà máy kính nổi Chu Lai gây ô nhiễm.
Theo Phòng TN-MT huyện Núi Thành, tính đến nay có ít nhất sáu đơn vị gửi đơn kêu cứu vì khói thải của Công ty CP kính nổi Chu Lai.
Chưa tìm được giải pháp triệt để
Đại diện UBND huyện Núi Thành cho biết sau khi tiếp nhận đơn thư của người dân và doanh nghiệp, huyện nhiều lần có công văn gửi các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam đề nghị vào cuộc kiểm tra xử lý.
Theo Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, hoạt động của Công ty CP kính nổi Chu Lai phát sinh mùi hôi, nước mưa chảy tràn cuốn theo bụi cacbon ra môi trường.
Ban này đã yêu cầu công ty cần có biện pháp xử lý lượng khí thừa từ nhiệt phân cao su nhưng tình hình vẫn không khả quan hơn.
Đại diện Sở TN-MT Quảng Nam cho biết từ khi nhà máy xử lý phế thải cao su của Công ty CP kính nổi Chu Lai đi vào hoạt động, sở nhận được không ít đơn phản ánh của người dân. Nhưng đến thời điểm hiện tại, sở vẫn chưa tìm được giải pháp triệt để.
Tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ TN-MT hỗ trợ việc kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của công ty vào tháng 7 và hiện chưa có kết luận từ đoàn công tác của Bộ TN-MT.
Tại cuộc làm việc hồi tháng 4 với Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, Tỉnh ủy Quảng Nam cũng có yêu cầu phải tập trung xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường tại nhà máy kính nổi Chu Lai.
Nếu doanh nghiệp gây ô nhiễm chưa khắc phục được thì phải thu hẹp sản xuất hoặc tạm dừng hoạt động, khi nào xử lý tốt các vấn đề về môi trường mới được sản xuất trở lại.
Trong khi đó, ông Đỗ Tuấn Việt - tổng giám đốc Công ty CP kính nổi Chu Lai - lại phủ nhận việc công ty gây ô nhiễm.
Ông Việt nói: “Ống khói của nhà máy đều đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo theo thẩm định của cơ quan chức năng, làm gì mà ô nhiễm”.
Đang lập kế hoạch lấy mẫu phân tích ô nhiễm
Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ TN-MT hỗ trợ kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của Công ty CP kính nổi Chu Lai, Thứ trưởng Bộ TN-MT Bùi Cách Tuyến cho biết trước các ý kiến nêu về vấn đề gây ô nhiễm của Công ty CP kính nổi Chu Lai, đặc biệt là sau khi Quảng Nam đề nghị bộ hỗ trợ kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại công ty này, tháng 7-2014 Bộ TN-MT đã vào kiểm tra thực tế tại công ty.
Theo ông Tuyến, phía công ty báo cáo về công tác bảo vệ môi trường đã được cải thiện, sau đó đoàn kiểm tra cũng có báo cáo bộ trưởng các giải pháp xử lý.
Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra tháng 7-2014, quá trình kiểm tra chỉ tập trung chuyên sâu về vấn đề quản lý, chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường. Riêng về vấn đề gây ô nhiễm như các thông tin nêu thì chưa kiểm tra và chưa làm được các quan trắc môi trường.
Tổng cục Môi trường đã có văn bản đề nghị Bộ TN-MT cho lập kế hoạch quan trắc môi trường, lấy mẫu phân tích để xác định mức độ ô nhiễm tại công ty này.
Thứ trưởng Tuyến còn nói sau quá trình kiểm tra tại thời điểm tháng 7-2014, bộ có văn bản yêu cầu Sở TN-MT Quảng Nam tiến hành các biện pháp xác định mức độ ô nhiễm của công ty này theo thẩm quyền được giao.
Trường hợp có khó khăn về kỹ thuật, phương tiện cần hỗ trợ thì báo cáo bộ để các đơn vị của bộ cùng thực hiện.
Nhập khẩu vỏ, ruột ôtô đã sử dụng Ngày 15-5-2013, Thủ tướng Chính phủ cho phép Công ty CP kính nổi Chu Lai thực hiện thí điểm nhập khẩu vỏ, ruột ôtô, cao su đã sử dụng. Thời gian thí điểm từ năm 2013-2015, mỗi năm được nhập tối đa 160.000 tấn. Công ty phải có trách nhiệm xây dựng phương án xử lý cacbon đen thô cơ bản, lâu dài, mở rộng thu mua nguyên liệu phế thải trong nước thay thế nhập khẩu. Cuối tháng 9 vừa qua, doanh nghiệp này đã hoàn thành việc di chuyển hơn 600 container vỏ ôtô cũ được nhập khẩu qua cảng Đà Nẵng về Núi Thành phục vụ nhu cầu sản xuất. Đ.CƯỜNG |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận