29/10/2014 13:05 GMT+7

​Nghĩ từ chuyện ông Hồ Xuân Mãn

NGUYỄN THIỆN
NGUYỄN THIỆN

TT - Báo chí đã đồng loạt đưa tin Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa ký quyết định hủy bỏ quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đối với ông Hồ Xuân Mãn, nguyên bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế.

Lý do là ông này đã có hành vi gian dối trong việc kê khai thành tích để được phong tặng danh hiệu nêu trên vào năm 2000. Đây là vết nhơ khó rửa trong cuộc đời ông Hồ Xuân Mãn.

Tôi chắc rằng khi cầm viết khai man thành tích bản thân, ông Hồ Xuân Mãn đã nghĩ chuyện này thế nào cũng trót lọt. Bởi lẽ nếu biết chuyện gian dối bị phanh phui như hôm nay, bị đưa tin và cả hình ảnh lên truyền hình quốc gia, ông Mãn sẽ không dám làm vì tổn hại rất lớn đến thanh danh của ông và làm ảnh hưởng xấu đến con cháu ông.

Thật ra, không chỉ ông Hồ Xuân Mãn nghĩ như thế. Mới đây, khi rộ lên nghi án hối lộ 80 triệu yen của Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) liên quan đến dự án đường sắt đô thị số 1 Hà Nội, những cán bộ liên quan trong các giải trình đều khẳng định mình vô tội.

Thế nhưng, khi cơ quan điều tra vào cuộc, khởi tố vụ án, bắt tạm giam một số người thì chỉ riêng ba bị can đã nộp lại gần 3 tỉ đồng. Có phải ban đầu các vị này nghĩ không ai biết chuyện họ làm nên cứ cãi phăng, chỉ đến khi đối mặt với những chứng cứ không thể chối cãi, họ mới chịu công nhận?

Trong xã hội hôm nay, bao vụ tham nhũng, hối lộ, buôn lậu, trốn thuế và các tệ nạn xã hội khác phát sinh có lẽ cũng từ suy nghĩ đó. Họ tin rằng chỉ những người liên quan ngồi chung trên một con thuyền tội phạm mới biết vụ việc, và không ai dại dột khai báo với người ngoài cuộc cả.

Quả thật, chắc chắn đã có nhiều tội ác không bị trừng phạt vì không bị phát hiện, không ai biết ngoại trừ những kẻ chủ mưu và đồng lõa.

Thế nhưng, cái suy nghĩ mình làm chuyện sai, điều xấu miễn sao kín kẽ để người khác đừng biết về việc của mình là vô cùng nguy hiểm cho sự phát triển của xã hội. Nó phản ánh sự tuột dốc, tha hóa của nhân cách con người. Một khi đã quan niệm như vậy thì không hề có tự trọng, tự giác, liêm sỉ gì hết.

Người có lòng tự trọng, có liêm sỉ thì cho dù không ai biết, chuyện xấu, việc sai họ cũng không làm vì trước hết họ tự hổ thẹn với lương tâm. Chính lòng tự trọng, liêm sỉ, lương tâm đã là barie có hiệu quả ngăn họ không làm điều trái, từ việc nhỏ như không vượt khi đèn đỏ dù không có cảnh sát đứng gác (hay không đặt camera quay phim), đến chuyện lớn như không nhận hối lộ, không ăn cắp của công. Đây là cái nền văn hóa - nhân cách cá nhân vững chắc tạo nên giá trị con người.

Tôi nghĩ mấu chốt của việc “dựng lại người” là giáo dục lòng tự trọng, tính liêm sỉ và thế hệ đi trước phải làm gương cho thế hệ trẻ, những người lãnh đạo, quan chức phải làm gương cho dân.

Tôi bỗng nhớ đến câu chuyện trong Cổ học tinh hoa gần một thế kỷ trước: “Dương Chấn được bổ đi làm thái thú quận Đông Lai. Lúc đi phó nhậm, qua đất Xương Ấp, quan huyện ở đấy là Vương Mật, trước nhờ ông đề bạt cho, vào yết kiến, rồi đợi đêm khuya đem vàng đến lễ.

Dương Chấn bảo: “Trước tôi biết ông là người khá mới cử ông lên, thế mà ông vẫn chưa biết bụng tôi, còn đem vàng tới cho tôi ư”. Vương Mật cố nài, thưa rằng: “Xin ngài cứ nhận cho, bây giờ đêm khuya không ai biết”.

Dương Chấn nói: “Trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết, sao lại bảo là không ai biết”. Đây là câu chuyện cổ, nhưng nhiều người nghe xong lại nói với tôi rằng bây giờ đó chỉ là... truyện cổ tích!

NGUYỄN THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên