Phần kết luận trong giấy khám sức khỏe cho người chết - Ảnh: N.Linh |
Không cần phải khám bệnh nhưng người cần làm thủ tục nhập học, đi làm, thi bằng lái ôtô, xe máy... đều dễ dàng mua giấy khám sức khỏe của Trung tâm Y tế dự phòng huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) với đầy đủ chữ ký của bác sĩ.
Ông Mai Quý Khiêm, nguyên phó chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, vừa gửi đơn đến Sở Y tế tỉnh Quảng Bình tố cáo ông Phạm Minh Sơn - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Quảng Trạch - “nhân bản” giấy khám sức khỏe, nhiều lần đánh người, tuyển dụng lao động hợp đồng chui...
Chứng nhận sức khỏe cho người... chết
Theo đơn thư tố cáo của ông Mai Quý Khiêm, trong nhiều năm qua ông Sơn làm trái các quy định của Bộ Y tế về khám sức khỏe, “nhân bản” hàng ngàn giấy khám sức khỏe để thu lợi bất chính. Cụ thể, ông Sơn chỉ đạo các y bác sĩ và kỹ thuật viên cấp dưới của mình ký khống vào giấy khám sức khỏe.
Trong đó nhiều người không đủ điều kiện, chưa có chứng chỉ hành nghề, không phải là bác sĩ chuyên khoa vẫn ký xác nhận. Bản thân ông Sơn không có chuyên môn về X-quang cũng ký xác nhận. Tất cả giấy khám sức khỏe này đều được ông Phạm Minh Sơn ký và đóng dấu.
Theo ông Khiêm, bất cứ ai có nhu cầu, chỉ cần có chứng minh nhân dân là dễ dàng mua được giấy khám sức khỏe với kết luận: “Hiện tại có đủ sức khỏe để học tập và công tác”.
Mỗi giấy khám sức khỏe khống bán với giá 160.000 đồng, không có biên lai thu tiền, nếu mua số lượng lớn được giảm còn 120.000 đồng.
Chúng tôi tiếp xúc với nhiều bác sĩ, kỹ thuật viên ký khống vào giấy khám sức khỏe, họ đều nói bị ông Sơn ép ký, đồng thời thừa nhận họ chỉ ký tên, còn những chỉ số xét nghiệm máu, nước tiểu... và các kết luận “bt” (bình thường) đều do một người khác điền vào.
“Ông Sơn nói đây là nhiệm vụ chung, có sai ông sẽ chịu trách nhiệm trước sở. Nếu chúng tôi không ký sẽ bị ông trù dập” - một bác sĩ cho biết.
Để có chứng cứ vạch trần việc làm sai trái của ông Sơn, tháng 3-2014 ông Mai Quý Khiêm mượn chứng minh nhân dân của một người đàn ông chết tám năm trước, sau đó nhờ một người chạy xe ôm mang đến Trung tâm Y tế dự phòng huyện Quảng Trạch mua một giấy khám sức khỏe.
Khoảng năm phút sau, chỉ với chứng minh nhân dân và một ảnh 4x6 kèm 160.000 đồng, người chết được trung tâm này chứng nhận: “Hiện tại có đủ sức khỏe để học tập và công tác”, do bác sĩ Phạm Minh Sơn ký tên và đóng dấu.
Theo ông Khiêm, Trung tâm Y tế dự phòng huyện Quảng Trạch đã bán hàng ngàn giấy khám sức khỏe cho các trung tâm dạy nghề huyện Quảng Trạch và Tuyên Hóa. Dù không đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và không đủ năng lực khám cận lâm sàng theo quy định của Bộ Y tế, nhưng trong một thời gian dài Trung tâm Y tế dự phòng huyện Quảng Trạch vẫn tổ chức khám sức khỏe.
Ngoài việc chỉ đạo ký khống, ông Sơn còn chỉ đạo cả y sĩ khám lâm sàng (trong khi theo quy định phải là bác sĩ có thời gian khám chữa bệnh ít nhất 54 tháng mới được khám lâm sàng trong khám sức khỏe). Thậm chí, nữ hộ sinh vẫn tham gia khám sản phụ và được ông Sơn giao làm kỹ thuật siêu âm. Đó là trường hợp nữ hộ sinh Trần Thị Tiệp.
Ký khống để... giữ quan hệ (?)
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Minh Sơn thừa nhận ký tên và đóng dấu khống trong giấy khám sức khỏe. Ông Sơn cho rằng việc “nhân bản” và ký khống giấy khám sức khỏe không phải để kiếm lợi bất chính mà vì “tạo điều kiện cho anh em trong cơ quan và giữ mối quan hệ với huyện ủy, ủy ban (?)”.
Tuy nhiên, khi chúng tôi đưa ra giấy khám sức khỏe do ông Sơn ký và đóng dấu, chứng nhận “sức khỏe tốt” cho người đã chết thì ông Sơn im lặng.
Ông Nguyễn Đức Cường, giám đốc Sở Y tế Quảng Bình, cho biết việc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Quảng Trạch cấp khống giấy sức khỏe là có thật, đặc biệt là việc cấp giấy khám sức khỏe cho người chết là sai phạm nghiêm trọng.
Về thông tin tố cáo ông Sơn tự ý hợp đồng chín lao động toàn con em của doanh nghiệp, mỗi trường hợp nhận chi phí 200-300 triệu đồng, ông Cường nói theo quy định thì việc hợp đồng lao động phải có ý kiến đồng ý của Sở Y tế, nhưng sở không có thông tin về những trường hợp này.
Ông Cường cho biết sở đã thành lập tổ xác minh đơn tố cáo, do một phó giám đốc sở làm tổ trưởng, sở còn đề nghị cơ quan công an vào cuộc điều tra.
Đe dọa thân nhân người tố cáo Ngày 3-10, Sở Y tế Quảng Bình triệu tập bác sĩ Hoàng Thanh Bình - trưởng khoa kiểm soát dịch bệnh Trung tâm Y tế dự phòng huyện Quảng Trạch, đang theo học chuyên khoa 1 tại Đại học Y dược Huế - về làm việc với tổ xác minh đơn tố cáo. Bác sĩ Bình là con rể ông Khiêm - người tố cáo. Tại cuộc họp, bác sĩ Bình cho biết mình được giám đốc trung tâm phân công ký khống bốn mục trong giấy khám sức khỏe, gồm tuần hoàn tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, thận và tiết niệu. “Giám đốc chỉ đạo photo cả tập giấy khám sức khỏe rồi đưa cho các bác sĩ chuyền tay nhau ký khống, có đợt photo mấy trăm tờ, có khi cả mấy ngàn tờ. Thứ bảy, chủ nhật cũng bị anh Sơn giám đốc điều đến bệnh viện để ký. Tôi nhiều lần can ngăn thì anh Sơn nổi nóng dọa đuổi việc” - bác sĩ Bình nói. Tại buổi làm việc, ông Trương Đình Định - phó giám đốc Sở Y tế Quảng Bình, tổ trưởng tổ xác minh đơn tố cáo - cho rằng bác sĩ Bình thiếu trung thực và dọa sẽ đình chỉ học tập. Ông Định nói bác sĩ Bình cung cấp thông tin và bằng chứng cho ông Khiêm đi tố cáo, làm xấu ngành y tế. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận