22/09/2014 14:30 GMT+7

Phẫn nộ bác sĩ cử tuyển không biết ruột thừa ở đâu

TUỔI TRẺ ONLINE
TUỔI TRẺ ONLINE

TTO - "Sức khỏe, mạng sống con người bị đánh cược, đem ra làm vật thử nghiệm à?", "bác sĩ dốt thì sẽ gây chết người"... Rất nhiều bạn đọc đã thảng thốt như vậy về bác sĩ "cử tuyển".

Nhiều người đang rất lo ngại sau khi biết được thực trạng hiện nay của bác sĩ cử tuyển 

Hàng trăm ý kiến bạn đọc gửi về Tuổi Trẻ từ 7-15g hôm nay phần lớn bày tỏ sự lo ngại, hoang mang về chất lượng bác sĩ cử tuyển. 

Nhiều bệnh nhân sẽ chết oan

Bạn đọc nguyenanhtu viết: "Tại sao lại đem sinh mạng của con người ra mà đùa giỡn như vậy? Thật không may cho bệnh nhân đi khám bệnh gặp phải bác sĩ cử tuyển - kiểu bác sĩ mà không biết ruột thừa nằm ở đâu như trong bài báo, thì ngủm là cái chắc".

Một bạn đọc khác thẳng thừng: "Phải xem lại vấn đề một cách nghiêm túc, bác sĩ dốt thì sẽ gây chết người". Câu chuyện bác sĩ cử tuyển cũng lập tức khiến nhiều người liên tưởng tới những "sự cố" trong ngành y thời gian qua. 

"Chả trách lâu nay có chuyện đau dạ dày được bác sĩ chỉ định mổ ruột thừa, đau gan chỉ định chữa dạ dày... Một ngành liên quan đến mạng sống con người sao lại có chuyện đầu vào dễ dãi như vậy? Chỉ có giết con người ta thôi!", bạn đọc Trần Xuân Thông viết.

Còn bạn đọc Nhất Hoàng thì thảng thốt: "Làm sao dám giao tính mạng cho những "bác sĩ" mà học năm thứ 6 vẫn không nắm rõ ruột thừa nằm ở vị trí nào trong ổ bụng?".

Bi quan hơn, bạn đọc Hoanleminh cho rằng: "Chừng nào mà ngành y còn sinh viên cử tuyển thì chừng đó còn nhiều người chết oan!".

Bạn đọc cũng cho rằng đây chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh nhân vượt tuyến để khám chữa bệnh. Bạn đọc Quách Tuấn Khải (qtkhai2003@...) viết: "Đây là do lỗi hệ thống, Bộ Y tế chấp nhận đào tạo bác sĩ dạng cử tuyển nhằm bổ sung nhân lực ngành y đang rất thiếu đồng nghĩa với chấp nhận chất lượng đào tạo thấp".

Theo bạn đọc Tuấn Khải: "Đây sẽ là hiểm họa cho xã hội, cách làm này sẽ làm người bệnh thiếu tin tưởng tuyến dưới và tiếp tục ùn ùn đến bệnh viện tỉnh, thành phố để được khám và điều trị cho an toàn".

Cần xem lại chính sách cử tuyển

Cùng với nỗi lo ngại cho sức khỏe, tính mạng bệnh nhân, bạn đọc cũng đặt vấn đề về chính sách cử tuyển.

Tuy công nhận cử tuyển là một chính sách tốt của nhà nước đối với các vùng còn khó khăn, bạn đọc Củ Từ (tutotam@...) cũng đề nghị "nhà nước nên xem lại việc cử tuyển đối với bác sĩ. Bác sĩ phải là người thật sự giỏi vì nó liên quan đến sinh mạng con người, không thể có đặc ân được".

Bạn đọc Nói Chung (ctvkbbs@...) thì cho rằng cách chọn người đi học bác sĩ cử tuyển như các tỉnh đang làm hiện nay là hoàn toàn không hợp lý, "chọn như thế thì sức khỏe, mạng sống con người bị đánh cược, đem ra làm vật thử nghiệm". 

"Tại sao lại có cái cơ chế tuyển sinh như thế này? Đối với những ngành cốt yếu liên quan trực tiếp đến con người như ngành y thì vấn đề tuyển sinh càng phải nghiêm túc chứ", bạn đọc Link (lysyaoran88@...) viết.

Bạn đọc Phạm Xuân Ngọc (pxngoc205@...) thì đề nghị: "Phải xem lại vấn đề một cách nghiêm túc, bác sĩ dốt thì sẽ gây chết người. Tại ĐH Y Hà Nội mùa tuyển sinh năm ngoái, nhiều em 27 điểm mà không đậu BS đa khoa. Cũng cần làm kiểm tra kiến thức để xem có đủ khả năng tiếp thu các bài học không?".

"Vấn đề xét cử tuyển cần làm công tâm, chọn đúng đối tượng. Còn nhiều học sinh chăm, ngoan, gia cảnh khó khăn sẵn sàng đi phục vụ ở vùng sâu, vùng xa khi ra trường, sao không chọn? Theo tôi, cần linh hoạt trong lựa chọn để cử tuyển và kết hợp chặt chẽ với nhà trường THPT, việc cử tuyển sẽ đúng đối tượng và sẽ không còn là món quà "từ trên trời rơi xuống", bạn đọc Nguyễn Hoàng Chương (hchuong36@...) gợi ý.

Còn theo bạn đọc có tên Kiều Hùng: "Đây là một thách thức đối với việc hạn chế cảnh con ông cháu cha vào làm ở cơ quan nhà nước mặc dù họ không xứng đáng, hạn chế cỡ nào rồi cũng có đường mòn, lối mở...".

Bạn đọc Nguyễn Ý (yluatsuhcm@..) đề nghị chính phủ nên nghiên cứu lại, "bỏ hẳn chính sách này vì nó không còn phù hợp với hiện tại". 

Nhiều bạn đọc khác như Ha Le (lebaoha@...), Dung Ngã (cngocdung@...) cũng đề nghị bỏ hệ đào tạo kiểu cử tuyển.

Sinh viên ngành y: lo cho các bạn cử tuyển!

Để trở thành sinh viên trường y, tôi đã tốn không biết bao nhiêu công sức học tập, rèn luyện, phấn đấu... Có thể nói đó là kết quả của cả một quá trình học tập, đeo đuổi lâu dài từ thời cấp 2 khi chọn con đường ngành y.

Thật ra tôi không ghen tị với các bạn cử tuyển mà tôi chỉ... lo cho các bạn, cho chính sự nghiệp, tương lai của các bạn và liệu đó có phải là sự lựa chọn đúng đắn, là con đường do chính bạn định đoạt?

Tôi nói vậy vì tôi biết có nhiều bạn chọn con đường cử tuyển vì ba mẹ, hay có thể nói là do sự quyết định, đặt để của người lớn. “Sai lầm” lớn nhất ở đây theo tôi chính là sự hào nhoáng của cái danh vị bác sĩ, làm đảo lộn, lu mờ bao suy nghĩ, nhận định.

Nếu đến với ngành y vì sự đam mê thì bạn phải có thực tài mới mong trở thành một bác sĩ giỏi. Còn học bác sĩ để “làm kinh tế” thì với “trình độ đó”, “bằng cấp đó” thì hiệu quả tới đâu?

Liệu có cơ hội vào các bệnh viện lớn, thăng tiến trong sự nghiệp hay cạnh tranh vị trí phòng mạch, phòng khám...

Nhưng có lẽ trên hết là chuyện tay nghề, trình độ. Đọc số liệu tốt nghiệp hầu hết loại trung bình của sinh viên hệ cử tuyển mà tôi thật sự lo lắng, nhất là nhà trường thừa nhận có sự “ưu ái” cho đối tượng này.

Vậy suy ra so với hệ chính quy học hành nghiêm túc thì có lẽ cái loại tốt nghiệp trung bình đó chỉ “xứng” với “tốt nghiệp loại kém” mà thôi! Mà đã kém thì làm sao tốt nghiệp và ứng dụng được!

Tôi không dám lạm bàn nên hay không chuyện cử tuyển. điều tôi có thể góp ý là mong có sự nhận thức đúng đắn vấn đề, sự việc từ cả 3 phía: người học, người dạy và người cử tuyển. Phải liệu sức mình mà học; đã dạy thì phải dạy nghiêm túc, và cử tuyển phải đúng người, đúng trình độ, đối tượng.

Tất nhiên phải xem lại cách làm, tính hiệu quả của chính sách, chủ trương nhằm chỉnh sửa, bổ sung hợp lý để đạt được mục thiết thực, tối ưu nhất.

Triệu Ngọc Diệp (SV Trường ĐHYD TP.HCM)

Đào tạo một người để cứu triệu người: phải khắt khe

* Việc cử tuyển cho đi học là một chuyện. Còn việc đào tạo là một chuyện. Theo tôi, sinh viên nào không đủ khả năng, không cố gắng học tập thì tốt nhất nơi đào tạo không cho ra trường. Nếu ra trường trở thành bác sĩ thì không biết hậu quả gì xảy ra. 

Chúng ta đào tạo một con người để cứu lấy sinh mạng của triệu, triệu con người khác. Người đào tạo cũng phải khắt khe, không chạy đua thành tích, doanh thu mà nên đào tạo thật chất đúng mục đích... 

Chúng tôi hy vọng các trường đại học nói chung và trường y nói riêng hãy mạnh tay loại bỏ những sinh viên lười biếng học tập, trước hết là vì danh dự của nhà trường. 

Huế (nguyenquangtich2@...)

TUỔI TRẺ ONLINE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên