Chỉ có 1 người bị kỷ luật vì kê khai tài sản không trung thực - quả con số quá đẹp |
Tại phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội ngày 15-9, báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2014, đại diện Thanh tra Chính phủ cho biết: Trong năm 2013 có 944.425 người đã kê khai tài sản thu nhập.
Số người chậm kê khai tài sản thu nhập trong năm là 6.900 người.
Có 5 người thuộc diện kê khai phải xác minh tài sản thu nhập, trong đó có một người bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do kê khai tài sản thu nhập không trung thực và 6 người bị xử lý kỷ luật do vi phạm thời hạn trong minh bạch tài sản thu nhập.
Quả là một con số tuyệt đẹp về lòng trung thực của cán bộ công chức, quan chức hôm nay, khi chỉ có một người trong số gần 1 triệu người kê khai không trung thực, còn lại đều kê khai trung thực (?!).
Nhưng đọc con số tuyệt đẹp ấy lại thấy lướng vướng một câu chuyện khác: hầu như cả xã hội đều biết rằng đồng lương quan chức nhà nước theo quy định pháp luật hiện hành chẳng được bao nhiêu thế mà nhiều quan chức cứ nhà cao cửa rộng, ôtô bóng loáng, con cái du học nước ngoài.
Đó là bề nổi, còn phần chìm thì khi xảy ra cớ sự, thiên hạ mới biết “các quan” giàu có cỡ nào.
Cách đây một năm, bốn tên trộm bị bắt đã khai vào nhà giám đốc một sở ở Kon Tum lấy đi số vàng trị giá hơn 2,7 tỉ đồng. Còn khá nhiều vụ mất trộm đình đám khác của quan chức trong cả nước với số tiền bị mất rất lớn khiến dư luận xã hội xôn xao...
Những khoản tiền lớn ấy ở đâu ra? Dĩ nhiên là “các quan” sẽ trả lời do dành dụm, tiết kiệm nhiều năm, do người nhà nhờ giữ giùm hoặc những lý do khác...
Nhưng dư luận xã hội có quyền nghĩ khác, cũng như băn khoăn về kết quả công cuộc chống tham nhũng và khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng giãn ra cùng những nghịch lý nhảy múa sau những con số đẹp được đưa ra.
Chẳng hạn nền hành chính trì trệ, nhưng năm 2013 vẫn được Bộ Nội vụ đánh giá chỉ chừng 1% công chức không hoàn thành nhiệm vụ, hay mới đây Bộ Lao động - thương binh và xã hội công bố tỉ lệ thất nghiệp chỉ là 1,84%...
Vì sao những con số rất đẹp nhưng người tiếp nhận thông tin lại không vui, lại thấy có điều lướng vướng?
Có phải bởi vì chúng thiếu những luận cứ thuyết phục? Chỉ khi nào chúng ta tiếp cận các vấn đề bằng sự thẳng thắn nhìn rõ sự thật, lấy thước đo thực chất làm đầu, những con số mới trở nên sống động, khách quan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận