12/03/2005 06:05 GMT+7

Không thể cho qua!

KHANH MINH
KHANH MINH

TT - Trước đây khi đặt tên cửa hàng, các chủ cửa hàng thường lấy tên người chủ hoặc thêm các chữ: Phát, Cường, Thắng, Đạt cho dễ nhớ và mong ăn nên làm ra... Nhưng bây giờ thì hầu như không có một qui luật nào mà chỉ cốt sao gây được ấn tượng với khách hàng!

Do đó đã nảy sinh nhiều tên bảng hiệu vô nghĩa, ngô nghê, nhiều khi còn pha chút dung tục. Có cửa hàng chỉ phục vụ người mình nhưng cũng cố đặt tên nước ngoài cho oai. Ngoài các trường hợp trên còn có những bảng hiệu gây khó chịu cho người nhìn.

Vừa rồi tôi có dịp đi qua Hải Phòng, thật quá bất ngờ tại trung tâm thành phố, cách quảng trường nhà hát độ vài chục mét, bên cạnh rạp Tháng Tám (rạp lớn nhất của Hải Phòng) mọc lên một tiệm ăn với tên gọi An Nam. Người bạn Việt kiều đi cùng với tôi đã sửng sốt thốt lên: luyến tiếc gì hai chữ An Nam! Những ai ở lứa tuổi 70 hoặc am hiểu lịch sử đều biết khi bị thực dân Pháp cai trị, họ đã gọi đất nước ta là An Nam.

Dân ta được gọi là annamite với thái độ khinh rẻ, một dân tộc nô lệ. Thời đó học sinh rất lễ phép, nếu vi phạm đạo đức (nói bậy, chửi thề, đánh nhau...) có thể bị đuổi học (chứ không kiểm điểm nhiều lần như bây giờ). Nhưng lớp chúng tôi vì không nén chịu được nên đã nhiều lần đuổi đánh bọn con Tây bởi mỗi lần đi học qua trường chúng tôi (có người đưa đi) chúng cứ hét toáng lên: annamite cochon (con lợn). Nhân dân ta đã phải đổ bao xương máu để xóa đi trên bản đồ thế giới hai chữ An Nam và thay vào đó với niềm tự hào một quốc gia độc lập Việt Nam.

Cũng nên nói thêm Hải Phòng còn có một phố giữa nơi đông đúc tên gọi Lê Quýnh. Nếu hỏi người dân nơi đây đồng chí... Lê Quýnh là ai, có công lao gì... chắc sẽ chẳng nhận được câu trả lời. Cách đây khoảng năm, bảy năm trên báo Tuổi Trẻ Cười có bài viết cho biết Lê Quýnh là người đã “có công” giúp vua Lê Chiêu Thống cõng rắn cắn gà nhà! Tuy vậy đến nay tên phố này vẫn còn tồn tại (có lẽ vì những người có trách nhiệm quá bận rộn!).

Hà Nội là trung tâm văn hóa nhưng cũng không tránh khỏi trường hợp trên. Có lần tôi được mời dự bữa tiệc đứng, với số lượng khách hàng ngàn do một công ty nổi tiếng có thương hiệu Công ty ẩm thực Bắc Kỳ đảm nhiệm. Một cái tên nhằm chia rẽ dân tộc, khi thực dân Pháp lập ra ba kỳ: Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ. Mỗi nơi có một chế độ cai trị khác nhau, với ý đồ để chúng ta quên đi đất nước VN là một, dân tộc VN là một. Chẳng lẽ những cái tên như vậy lại khó sửa đến vậy sao?

KHANH MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên